KHÁNG CHIẾN CHỐNG XÂM LƯỢC NGUYÊN- MÔNG
- Cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258
Thế kỉ XIII, các bộ lạc du mục (Thát Đát, Tác Ta) bước vào giai đoạn thống nhất, dần hình thành đế quốc Mông Cổ. Ngay trong quá trình thống nhất, Mông Cổ đã tổ chức các đạo quân xâm lược, không ngừng bành trướng lãnh thổ. Sau khi đánh chiếm Đại Lí (Vân Nam, Trung Quốc), Mông Cổ ráo riết sửa soạn xâm lược Đại Việt nhằm chiếm đất đai, tạo bàn đạp và thế gọng kìm đánh lên Nam Tống.
Trước âm mưu xâm lược của Mông Cổ, quân dân nhà Trần đã tích cực chuẩn bị kháng chiến. Vùng đất Vĩnh Phúc - với địa hình trải theo các triền sông lớn (sông Lô, sông Hồng) - trở thành vị trí hết sức xung yếu, từ Vân Nam (Trung Quốc) có thể theo ngả sông Hồng, qua vùng đất này trước khi vào kinh đô Thăng Long cũng như tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt. Vì thế, nhà Trần từ sớm đã chú ý phòng ngự, lệnh cho cả nước khẩn trương chuẩn bị đánh giặc. Tháng 10 năm 1257, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho các tướng điều quân thuỷ bộ lên miền biên giới tây bắc. Ngã ba Bạch Hạc nhiều lần được Trần Quốc Tuấn chọn là nơi luyện tập thủy quân. Trần Nhật Duật cũng cho đóng đại bản doanh tại Bạch Hạc, chỉ huy lực lượng quân đội, án ngữ vùng Việt Trì.
Đầu năm 1258, khoảng 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, theo lưu vực sông Hồng phía tả ngạn và hữu ngạn sông Thao tiến vào Đại Việt. Đường tả ngạn qua vùng đất Hà Tuyên xuống Bạch Hạc (Việt Trì). Đường hữu ngạn qua vùng đất Quy Hoá (Yên Bái, Vĩnh Phúc) cùng xuống Bạch Hạc. Hai đạo quân nhỏ này có nhiệm vụ đi trước thăm dò, dẫn đường. Theo sau là đạo quân khác do con trai của Ngột Lương Hợp Thai là Aju (A Thuật) chỉ huy. Cuối cùng là đạo quân do chính Ngột Lương Hợp Thai trực tiếp cầm đầu.
Tháng 1 năm 1258, hai đạo quân Mông Cổ đi trước cùng đến hội quân ở Bạch Hạc. Sau đó chúng theo đường bộ, định tiến về Thăng Long qua ngả Bình Lệ Nguyên. Tại Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), trên sông Cà Lồ, vua Trần Thái Tông đã lập phòng tuyến chặn giặc. Bình Lệ Nguyên chính là trận đầu tiên quân dân Đại Việt đối đầu trực diện với quân Mông Cổ. Tuy nhiên, địa hình Bình Lệ Nguyên lại khá thuận lợi cho kị binh Mông Cổ phát huy sở trường. Vì thế, trận địa của quân dân nhà Trần bị lấn dần. Đạo quân của tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) được lệnh vừa đánh vừa rút.
Trong các trận đánh quân Mông Cổ trên vùng đất Vĩnh Phúc, bên cạnh các đội quân chính quy của triều đình, lực lượng dân binh của các thổ tù, chủ trại địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc cản bước quân giặc. Tiêu biểu là các đội quân của Hà Bổng, Hà Đặc.
Tuy nhiên, trước sức mạnh của địch, nhận thấy khó giữ được Thăng Long, để bảo toàn lực lượng, vua tôi nhà Trần quyết định rút lui khỏi kinh thành. Sau khi củng cố lực lượng, ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Đại Việt từ sông Thiên Mạc mở đợt phản công đánh địch tại bến Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng cạnh kinh thành Thăng Long). Quân Mông Cổ bị đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long, rút chạy theo ngả sông Hồng về Vân Nam.
Khi tàn quân Mông Cổ chạy qua đất Quy Hóa (miền tây Vĩnh Phúc, giáp với Yên Bái), Hà Bổng đã tập hợp dân binh các làng tổ chức mai phục. Chiến thắng của các trận phục kích ở Quy Hóa có ý nghĩa to lớn, góp phần khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt.
Ngày nay, vùng đất Bình Xuyên vẫn còn lưu lại những tên gọi địa danh ghi dấu trận chiến năm 1258. Tại đền thờ một bộ tướng của Hai Bà Trưng ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) còn đôi câu đối, trong đó có một vế nhắc lại chiến công trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất này: "Trần phá Nguyên binh vạn cổ anh linh lưu bất tử" (Nhà Trần đánh quân Nguyên, anh linh ngàn năm bất diệt).
KHÁNG CHIẾN CHỐNG XÂM LƯỢC NGUYÊN- MÔNG
- Cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258
Thế kỉ XIII, các bộ lạc du mục (Thát Đát, Tác Ta) bước vào giai đoạn thống nhất, dần hình thành đế quốc Mông Cổ. Ngay trong quá trình thống nhất, Mông Cổ đã tổ chức các đạo quân xâm lược, không ngừng bành trướng lãnh thổ. Sau khi đánh chiếm Đại Lí (Vân Nam, Trung Quốc), Mông Cổ ráo riết sửa soạn xâm lược Đại Việt nhằm chiếm đất đai, tạo bàn đạp và thế gọng kìm đánh lên Nam Tống.
Trước âm mưu xâm lược của Mông Cổ, quân dân nhà Trần đã tích cực chuẩn bị kháng chiến. Vùng đất Vĩnh Phúc - với địa hình trải theo các triền sông lớn (sông Lô, sông Hồng) - trở thành vị trí hết sức xung yếu, từ Vân Nam (Trung Quốc) có thể theo ngả sông Hồng, qua vùng đất này trước khi vào kinh đô Thăng Long cũng như tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt. Vì thế, nhà Trần từ sớm đã chú ý phòng ngự, lệnh cho cả nước khẩn trương chuẩn bị đánh giặc. Tháng 10 năm 1257, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho các tướng điều quân thuỷ bộ lên miền biên giới tây bắc. Ngã ba Bạch Hạc nhiều lần được Trần Quốc Tuấn chọn là nơi luyện tập thủy quân. Trần Nhật Duật cũng cho đóng đại bản doanh tại Bạch Hạc, chỉ huy lực lượng quân đội, án ngữ vùng Việt Trì.
Đầu năm 1258, khoảng 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, theo lưu vực sông Hồng phía tả ngạn và hữu ngạn sông Thao tiến vào Đại Việt. Đường tả ngạn qua vùng đất Hà Tuyên xuống Bạch Hạc (Việt Trì). Đường hữu ngạn qua vùng đất Quy Hoá (Yên Bái, Vĩnh Phúc) cùng xuống Bạch Hạc. Hai đạo quân nhỏ này có nhiệm vụ đi trước thăm dò, dẫn đường. Theo sau là đạo quân khác do con trai của Ngột Lương Hợp Thai là Aju (A Thuật) chỉ huy. Cuối cùng là đạo quân do chính Ngột Lương Hợp Thai trực tiếp cầm đầu.
Tháng 1 năm 1258, hai đạo quân Mông Cổ đi trước cùng đến hội quân ở Bạch Hạc. Sau đó chúng theo đường bộ, định tiến về Thăng Long qua ngả Bình Lệ Nguyên. Tại Bình Lệ Nguyên (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), trên sông Cà Lồ, vua Trần Thái Tông đã lập phòng tuyến chặn giặc. Bình Lệ Nguyên chính là trận đầu tiên quân dân Đại Việt đối đầu trực diện với quân Mông Cổ. Tuy nhiên, địa hình Bình Lệ Nguyên lại khá thuận lợi cho kị binh Mông Cổ phát huy sở trường. Vì thế, trận địa của quân dân nhà Trần bị lấn dần. Đạo quân của tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) được lệnh vừa đánh vừa rút.
Trong các trận đánh quân Mông Cổ trên vùng đất Vĩnh Phúc, bên cạnh các đội quân chính quy của triều đình, lực lượng dân binh của các thổ tù, chủ trại địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc cản bước quân giặc. Tiêu biểu là các đội quân của Hà Bổng, Hà Đặc.
Tuy nhiên, trước sức mạnh của địch, nhận thấy khó giữ được Thăng Long, để bảo toàn lực lượng, vua tôi nhà Trần quyết định rút lui khỏi kinh thành. Sau khi củng cố lực lượng, ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Đại Việt từ sông Thiên Mạc mở đợt phản công đánh địch tại bến Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng cạnh kinh thành Thăng Long). Quân Mông Cổ bị đánh bật khỏi kinh thành Thăng Long, rút chạy theo ngả sông Hồng về Vân Nam.
Khi tàn quân Mông Cổ chạy qua đất Quy Hóa (miền tây Vĩnh Phúc, giáp với Yên Bái), Hà Bổng đã tập hợp dân binh các làng tổ chức mai phục. Chiến thắng của các trận phục kích ở Quy Hóa có ý nghĩa to lớn, góp phần khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt.
Ngày nay, vùng đất Bình Xuyên vẫn còn lưu lại những tên gọi địa danh ghi dấu trận chiến năm 1258. Tại đền thờ một bộ tướng của Hai Bà Trưng ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) còn đôi câu đối, trong đó có một vế nhắc lại chiến công trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất này: "Trần phá Nguyên binh vạn cổ anh linh lưu bất tử" (Nhà Trần đánh quân Nguyên, anh linh ngàn năm bất diệt).