Người dân Tây Nguyên đa phần họ sinh sống và làm ăn bằng việc trồng cà phê. Do đó cà phê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, trên 90% diện tích trồng cà phê của Việt Nam tập trung ở vùng này.
Trong 10 năm trở lại đây, nhờ vào cây cà phê cùng với sự đầu tư của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông... Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay đã có 1.560 công trình hồ chứa nước, đáp ứng hơn 60% nhu cầu tưới tiêu. Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp với 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 4 nghìn km, nhiều tuyến đường liên huyện, đường liên xã đã nhựa hóa và cứng hóa. 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm xá, phủ sóng phát thanh truyền hình và nối mạng thông tin truyền thông; 98% số thôn, buôn có điện lưới quốc gia. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác giảm nghèo ở Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả. Năm 2011, sau khi điều tra lại hộ nghèo (theo tiêu chí chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 20112015), số hộ nghèo khu vực Tây Nguyên là hơn 260 nghìn hộ thì ngay trong năm, toàn vùng đã xóa được gần 40 nghìn hộ nghèo. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44,9% xuống còn 40,5%. Đến nay, Tây Nguyên đã xóa được tình trạng thiếu đói triền miên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đây ta thấy được sự thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên nhờ cây cà phê to lớn tới dường nào.
Cà phê cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam nói chung và của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, đem lại lợi nhuận kinh tế vô cùng to lớn. Trong vụ mùa 2013 – 2014, tổng sản lượng cà phê của Việt Nam ước tính khoảng 1.374 nghìn tấn, trong đó sản lượng cà phê của Tây Nguyên ước tính khoảng hơn 1.135 nghìn tấn, chiếm đến hơn 82,6% sản lượng cà phê của Việt Nam, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2013 đạt 1,3 triệu tấn với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD.người dân Tây Nguyên đã và đang đầu tư xây dựng các quán cà phê với đủ hương vị và phong cách để phục vụ nhu cầu thưởng thức, thư giãn của khách hàng. Và cây cà phê đã giúp người nông dân Tây Nguyên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.