“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công?”
Bài ca dao quen thuộc với mỗi người Việt Nam cũng giống như hình ảnh con trâu đã gắn liền với làng quê Việt Nam, với người nông dân chân lấm tay bùn, với cây đa và lũy tre làng. Bởi trong tâm thức của người Việt, con trâu là biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ, hiền lành, chất phác như chính họ.
Trâu được nuôi nhiều ở các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồi núi ở Việt Nam bởi đặc tính tự nhiên của trâu có thể chịu được lạnh và thích kiếm ăn trong rừng. Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng được con người thuần hóa cách đây hàng ngàn năm, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu là loài động vật hiền lành, thuộc lớp thú, lông có màu xám hoặc xám đen, không dày. Thân hình trâu vạm vỡ, hơi thấp, chân ngắn. Bụng trâu to, mông dốc xuống. Một con trâu trưởng thành có thể nặng tới hơn 500kg. Đuôi trâu dài, thường xuyên phe phẩy để đuổi những động vật kí sinh như ruồi, muỗi. Là động vật có vú, trâu có bầu sữa nhỏ, nằm ở dưới bụng và sẽ nuôi con bằng dòng sữa ấy. Trên đầu trâu thường có một bộ sừng dài, cứng, nhọn hoắt, hình lưỡi liềm. Đây là vũ khí tự vệ của trâu cũng là đặc điểm còn sót lại của trâu rừng sau khi được thuần hóa. Trâu đực xem bộ sừng là thứ để biểu lộ sức mạnh của mình với những con trâu cái, sừng càng dài, càng cứng càng chứng tỏ đó là một con trâu khỏe mạnh. Những con trâu ấy sẽ thu hút được những con trâu cái hơn những con trâu khác. Mỗi năm trâu chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con và sẽ nuôi còn bằng sữa mẹ.
Từ xưa đến nay, trâu luôn là nông cụ quan trọng của người nông dân bởi đây là loài gia súc lớn, khỏe, cung cấp sức kéo để cày bừa trên khắp các cánh đồng. Đặc tính của trâu là loài động vật hiền lành, chăm chỉ, chịu thương chịu khó nên hầu hết những công việc nặng nhọc trong nhà nông đều do con trâu gánh vác. Từ sớm tinh mơ cho đến tận khi mặt trời đã khuất núi, con trâu cùng với người nông dân cần mẫn trên những cánh đồng. Từ cày đến bừa, từ cấy đến gặt, khi nào cũng thấy có mặt của con trâu để giúp con người làm ra hạt lúa, hạt gạo. Có lẽ vì thế mà nhân dân ta nhắc đến con trâu bằng một tình cảm yêu mến, trân trọng Con trâu là đầu cơ nghiệp, Ruộng sâu trâu nái...Trâu cũng là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm cao, hàm lượng chất béo thấp rất tốt cho người đang điều trị bệnh béo phì hoặc bổ sung dinh dưỡng khi mới ốm dậy. Sữa trâu cũng là nguồn cung cấp chất đạm, chất béo. Dù không tốt và thơm ngon như sữa bò song đây cũng là nguồn sữa có thể bổ sung và cải thiện bữa ăn cho trẻ em vùng núi. Da trâu cũng có thể làm mặt trống, làm giày rất dày và bền. Sừng trâu làm đồ mĩ nghệ, đồ trang trí.
Đâu chỉ mang tới những lợi ích vật chất, con trâu còn gắn bó với đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Tuổi thơ của biết bao thế hệ gắn liền với những ngày tháng thong dong chăn trâu trên đồng cỏ của làng. Hình ảnh những em bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo, đọc sách hay con trâu thủng thẳng gặm cò còn mấy đứa trẻ túm năm tụm ba chơi đánh bi, đánh chắt, thả diều, chọi gà đã từng đi vào thơ ca, hội họa của không biết bao nhiêu nghệ sĩ. Những hình ảnh ấy khiến cho con người ta thầy tâm hồn mình bình lặng lại sau những xô bồ, vội vã của cuộc sống thành thị. Giang Nam cũng viết về tuổi thơ chăn trâu của mình qua những vần thơ:
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”
Trong văn hóa của người Việt, con trâu cũng là một biểu tượng cho một năm. Trong 12 con giáp, trâu đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác, thuộc âm. Người ta cũng chẳng thể quên hình ảnh của chú bé Định Bộ Lĩnh đầu ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi trâu rước cờ lau tập trận. Định Bộ Lĩnh là một bị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng, cũng gắn liền với con trâu.
Những chú trâu mập mạp còn gắn liền với những lễ hội truyền thống trong văn hóa của người Việt Nam. Có những lễ hội thu hút rất đông du khách tới tham gia như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Trước đó, những chú trâu được chăm sóc chu đáo khiến con nào con nấy vạm vỡ, khỏe mạnh với đôi sừng cong vút, nhọn hoắt. Trong tiếng trống giục giã, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả trên khán đài, hai chú trâu lao vào nhau mà húc, mà chọi. Bên cạnh đó, ở Tây Nguyên cũng có lễ hộ đâm trâu để mừng một vụ mùa bội thu. Thịt trâu sẽ được dùng để cúng bái thần linh, phần còn lại sẽ được sẻ thịt để chia cho mỗi nhà trong buôn làng.
Vượt ra khỏi lũy tre làng, hình ảnh con trâu vàng trong SEA GAMES 22 đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế, trở thành biểu tượng của con người Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó nhưng cũng rất thân thiện, sáng tạo và thông minh.
Con trâu đã gắn bó với con người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay nên cuộc sống hiện đại với những vật dụng thông minh thì con trâu vẫn sẽ luôn giữ được vị trí, vai trò của mình trong cuộc sống của chúng ta.