Chính sách “ngụ binh ư nông” thời Lý đã giúp nhà nước đảm bảo cân đối giữa quân thường trực và quân dự bị, khi hoà bình vẫn đủ sức canh phòng, thời chiến thì huy động được đông đảo quân số, thực hiện phương châm “chiến tranh nhân dân”, toàn dân là lính. Bình thường chỉ có khoảng 3-5 vạn quân, một bộ phận luân phiên về sản xuất, nhưng khi có chiến tranh, nhà nước huy động được hơn 10 vạn quân. Đây là một sáng tạo lớn của nhà Lý mà nhà Trần và nhà Lê đã vận dụng phát triển thành công rực rỡ. Chính sách này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử đất nước thời bấy giờ. Với chính sách này nhà nước luôn duy trì một lực lượng quân đội cần thiết, đồng thời lại có số quân dự bị đông đảo tại các làng xã, sẵn sàng huy động khi có chiến tranh. Qua đó giảm thiểu tối đa những gánh nặng cho triều đình và nhân dân trong việc nuôi quân, đồng thời vẫn ổn định sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Chính sách này cũng giải quyết đồng thời hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước, giữa yêu cầu phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ đất nước.