Văn bản ngữ văn 8

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Trương Sarah

hãy giới thiệu( thuyết minh) về:

1. áo dài việt nam

2. bưởi phúc trạch

3. cu đơ hà tĩnh

4. nón lá

Huỳnh lê thảo vy
10 tháng 12 2018 lúc 19:40

Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Gọi là áo dài là theo cấu tạo của áo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo của người phụ nữ rồi từ đáy lưng ong 2 thân thả bay xuống tận gót chân tạo nên những bước đi duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái.

Tấm áo lụa mỏng thướt tha với nhiều màu sắc kín đáo trang nhã lướt trên đường phố trở thành tâm điểm chú ý và là bông hoa sáng tôn lên vẻ yêu kiều, thanh lịch cho con người và khung cảnh xung quanh. Chiếc quần may theo kiểu quần ống rộng bằng thứ vải đồng chất đồng màu hay sa tanh trắng nâng đỡ tà áo và làm tăng sự mềm mại thướt tha cho bộ trang phục mượt mà duyên dáng, gợi vẻ đằm thắm đáng yêu.

Đã ngót một thế kỷ nay, cô nữ sinh trường Quốc học Huế trong trang phục áo dài trắng trinh nguyên như là biểu trưng cho vẻ đẹp thanh khiết cao quý của tâm hồn người thiếu nữ đất Việt. Để đến bây giờ trang phục ấy trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh trong các trường phổ thông trung học như muốn nói với mọi người với du khách quốc tế về văn hoá và bản sắc dân tộc. Tà áo trắng bay bay trên đường phố, tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của những cô cậu học sinh vương lại phía sau cùng mảnh hoa phượng ở giỏ xe rơi lác đác gợi cho người qua đường một cảm giác lâng lâng, bâng khuâng nhớ về thuở học trò trong vắt những kỷ niệm thân thương.

Ngày Tết hay lễ hội quê hương, đám cưới hay những buổi lên chùa của các bà, các mẹ, các chị, chiếc áo dài nâu, hồng, đỏ... là một cách biểu hiện tấm lòng thành kính gửi đến cửa thiền một lòng siêu thoát, tôn nghiêm. Chiếc áo dài trùm gối, khăn mỏ quạ chít khéo như hoa sen, tay nâng mâm lễ kính cẩn lên cửa chùa, miệng "mô phật di đà"... hình ảnh ấy đã đi vào bức hoạ tranh dân gian Đông Hồ là một biểu tượng độc đáo của văn hoá Việt Nam.

Ngày nay trong muôn vàn sự cách tân về trang phục, váy đầm, áo ngắn, áo thời trang... chiếc áo dài Việt Nam vẫn chiếm độc tôn về bản sắc dân tộc, mang theo phong cách và tâm hồn người Việt đến với năm châu và trở thành trang phục công sở ở nhiều nơi.

Thời Sênh
10 tháng 12 2018 lúc 19:45

1. Mở bài

Chiếc áo dài là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, là quốc phục của đất nước. Chiếc áo dài mang theo một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời đến nay.

2. Thân bài

a/ Lịch sử chiếc áo dài

Chiếc áo dài ra đời lần đầu vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Do sự di cư của hàng vạn người Minh Hương, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo dài để tạo nét riêng cho người Việt Chiếc áo dài thay đổi theo từng giai đoạn và lý do khác nhau: Chiếc áo dài đầu tiên là chiếc áo dài giao lãnh. Đó là loại áo giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai tà trước không buộc lại, mặc cùng váy thâm đen. Do việc đồng áng, chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân với hai tà trước vốn được thả tự do nay cột lại cho gọn gàng, mặc cùng váy để tiện cho việc lao động. Đó là chiếc áo tứ thân dành cho người phụ nữ lao động bình dân. Còn áo tứ thân dành cho phụ nữ thuộc tầng lớp quí tộc, quan lại thì lại khác: Ngoài cùng là chiếc áo the thâm màu nâu non, chiếc áo thứ hai màu mỡ gà, chiếc áo thứ ba màu cánh sen. Khi mặc không cài kín cổ, để lộ ba màu áo. Bên trong mặc chiếc yếm đào đỏ thắm. Thắt lưng lụa màu hồng đào hoặc màu thiên lý. Mặc với váy màu đen, đầu đội nón quai thao trông rất duyên dáng. Áo tứ thân không chỉ là một trang phục đẹp mà còn mang theo những ý nghĩa rất đặc biệt: Phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ). Một vạt cụt có tác dụng như một cái yếm, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Năm hạt nút nằm cân xứng năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hai vạt trước buộc lại tượng trưng cho tình chồng vợ quấn quýt. Khi Pháp xâm lược nước ta, chiếc áo dài lại một lần nữa thay đổi. Chiếc áo tứ thân được thay đổi thành chiếc áo dài. Chiếc áo dài này do một họa sĩ tên Cát Tường (tiếng Pháp là Lemur) sáng tạo nên nó được gọi là áo dài Lemur. Chiếc áo dài Lemur này mang nhiều nét Tây phương không phù hợp với văn hóa Việt Nam nên không được mọi người ủng hộ. Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét cứng cỏi của áo Lemur, đồng thời đưa các yếu tố dân tộc từ áo từ thân thành kiểu áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay. Chiếc áo dài này hài hòa giữa cũ và mới lại phù hợp với văn hóa Á đông nên rất được ưa chuộng. Chiếc áo dài ngày nay: Trải qua bao năm tháng, trước sự phát triển của xã hội chiếc áo dài ngày nay dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.

b/ Cấu tạo

* Các bộ phận

Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Kiểu cổ áo này càng làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần thanh tú của người phụ nữ. Ngay nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,. Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Thân áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, ở phần eo được chiết lại (hai bên ở thân sau và hai bên ở thân trước) làm nổi bật chiếc eo thon của người phụ nữ. Cúc áo dài thường là cúc bấm, được cài từ cổ qua vai xuống đến phần eo. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông. Áo dài có hai tà: Tà trước và tà sau và bắt buộc dài qua gối. Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay. Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy đen ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo.

* Chất liệu vải và màu sắc của chiếc áo dài: Chọn vải để may áo dài ta nên chọn vải mềm và có độ rũ cao. Chất liệu vải để may áo dài rất đa dạng: nhung, voan, the, lụa,... màu sắc cũng rất phong phú. Chọn màu sắc để may áo dài tùy thuộc vào tuổi tác và sở thích của người mặc.

c/ Công dụng: Chiếc áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn văn hóa dân tộc, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà chiếc áo dài đã trở thành trang phục công sở như các ngành nghề: Tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng, học sinh,... Ngoài ra ta có thể diện áo dài để đi dự tiệc, dạo phố vừa kín đáo, duyên dáng nhưng cũng không kém phần thời trang, thanh lịch.

d/ Bảo quản: Do chất liệu vải mềm mại nên áo dài đòi hỏi phải được bảo quản cẩn thận. Mặc xong nên giặt ngay để tránh ẩm mốc, giặt bằng tay, treo bằng móc áo, không phơi trực tiếp dưới ánh nắng để tránh gây bạc màu. Sau đó ủi với nhiệt độ vừa phải, treo vào mắc áo và cất vào tủ. Bảo quản tốt thì áo dài sẽ mặc bền, giữ được dáng áo và mình vải đẹp. Chiếc áo dài may đẹp là đường chỉ phải sắc sảo, ôm sát, vừa vặn với người mặc. Ở Nam bộ, chiếc áo dài được cách điệu thành áo bà ba mặc với quần đen ống rộng cũng rất đẹp. Chiếc áo dài khi mặc thường được được đi kèm với chiếc nón lá đội đầu càng tôn vẻ dịu dàng nữ tính của người phụ nữ Việt Nam.

3. Kết bài: Dù hiện nay có nhiều mẫu thời trang ra đời rất đẹp và hiện đại nhưng vẫn không có mẫu trang phục nào thay thế được chiếc áo dài – trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ta: Dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hợp mốt, hợp thời

Uyên Nhi
10 tháng 12 2018 lúc 19:52
1. Mở bài

Chiếc nón lá Việt Nam là một hình ảnh khá đời thường và gần gũi với mỗi chúng ta. Nó gắn bó với chúng ta từ tấm bé đến khi trưởng thành. Đó là chiếc nón của mẹ quạt mát cho con, là chiếc nón của những bạn gái học chung trường hay chiếc nón lá của những buổi làm đồng vất vã… Chiếc nón lá không chỉ để che nắng che mưa mà còn điểm thêm nét duyên dáng cho hình ảnh của người phụ nữa Việt Nam ta.

2. Thân Bài

Chiếc nón lá được làm từ những nguyên liệu đơn giản như lá cọ, tre làm khung, móc và chỉ tơ. Trông đơn giản nhưng để làm nên một chiếc nó lá đẹp là cả sự tỉ mỉ và kì công của những người thợ giỏi. Bởi nó có hình chóp đều và xòe tròn mở rộng ra phía dưới. Để làm được một chiếc nó đẹp, tròn đều như vậy trước hết là công việc vót tre. Tiếp sau đó, những vành tre được uốn cong cẩn thận làm vành nón. Đây là bộ khung vững chắc và nhẹ nhàng cho chiếc nón lá của chúng ta.

Một bộ phận vô cùng quan trọng là lớp lá cọ. Phải chọn những lá cọ non tươi rồi phơi cho thật trắng. Ở giữa hai lớp lá cọ là lớp mo nang được lấy từ mo nứa, mo tre phơi khô để làm cho chiếc nón nhẹ hơn. Sau khi làm nón xong, ta có thể hơ trên hơi lửa để tránh mốc và làm lá cọ trắng hơn. Một bộ phận không thể thiếu của chiếc nón lá chính là quai nón. Quai nón có thể làm bằng chất liệu vải lụa, vải the hay nhiều loại vải khác. Để tăng vẻ đẹp của chiếc nón lá, người ta có thể quét một lớp dầu thông bóng lên trên hoặc trang trí với nhiều hoa văn rất đẹp mắt.

Có thể nói nghề làm nón lá là sự đúc kết tinh hoa dân tộc của ông cha ta qua bao thế hệ nay. Nhìn chiếc nón lá Việt Nam khá đơn giản nhưng để làm nên được nó là cả tâm huyết của những người thợ. Một chiếc nó lá được làm ra phải đảm bảo tính chống nước khi trời mưa và tính chống nắng trong những ngày nắng chói chang. Ở Việt nam có nhiều làng nghề làm nón nổi tiếng như: nón bài thơ ở Huế nhẹ nhàng, thanh mãnh; nón làng Chuông (Hà Tây cũ) bền đẹp nổi tiếng; nón Nam Định, Quảng Bình…

Chiếc nón lá vừa là một vật dụng vừa là một người bạn thân thiết của chúng ta. Nón dùng để che nắng cho những buổi làm đồng. Nón che ta khỏi ướt dưới những cơn mưa rào bất chợt. Không chỉ vậy, nón còn là một món quà kỉ niệm, một món quà lưu niệm quý giá. Chiếc nón lá Việt Nam xuất hiện rất nhiều trong các cuộc thi mang tầm thế giới như một biểu tượng đẹp của đất nước Việt Nam. Và chiếc nón lá một hình ảnh gắn liền với người phụ nữ Việt Nam đẹp dịu dàng, thướt tha mỗi khi sánh bước đi trong tà áo dài truyền thống.

3. Kết Bài

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có rất nhiều loại nón mới lạ và đẹp mắt. Tuy nhiên, chiếc nón lá vẫn khẳng định vị trí của mình. Đi ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá vô cùng dễ thương. Nón lá là tuổi thơ, là kỉ niệm là những hoài niệm đẹp. Nó gắn liền với những ngày nhọc nhằn, khó khăn của cha mẹ. Để rồi hôm nay, nó được tỏa sáng và vinh danh trước bạn bè thế giới. Hãy trân trọng chiếc nón lá như trân trọng chính những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.


Các câu hỏi tương tự
Phạm Linh Phương
Xem chi tiết
Thanh Dang
Xem chi tiết
Hương San
Xem chi tiết
Thái Nguyên
Xem chi tiết
bùi hoàng yến
Xem chi tiết
nguyen
Xem chi tiết
Ngọc Tô thị
Xem chi tiết
Giang Nguyen
Xem chi tiết
123456789
Xem chi tiết