VAI TRÒ VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA KHU DI TÍCH ĐỀN ĐÔ
Ở Bắc Ninh, nhưng giá trị của đền Đô luôn gắn liền với Thăng Long Hà Nội, gắn liền với chiếu dời đô, bắt đầu một giai đoạn lịch sử độc lập và tự do cho nước Việt.
Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh
Làng những làng quan họ xanh xanh
Làng quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ
Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao , người ơi…
Giai điệu đó cứ ngân vang như một lời giới thiệu ngắn về Bắc Ninh – Cái nôi của những làn điệu dân ca quan họ mượt mà. Và ít ai biết rằng, Bắc Ninh là nơi có diện tích nhỏ nhất trong 63 tỉnh thành nhưng ở đây lại có những điều rất kì diệu và vĩ đại. Miền quê ấy đã sản sinh ra biết bao vị anh hùng dân tộc và bao con người tài hoa đã làm nên làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt ở Bắc Ninh rất giàu truyền thống lịch sử với nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, nổi bật nhất là đền Đô – Nơi thờ tự của 8 vị vua triều Lý nước ta.
Từ xưa, Bắc Ninh đã nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là vùng văn hóa, non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình và có nhiều công trình, kiến trúc văn hóa. Tiêu biểu nhất là đền Đô – Không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo mà còn là nơi linh thiêng vượng khí của miền đất “quan họ” này.
Đền Đô – Mang trong mình ý nghĩa lịch sự to lớn gắn liền với chiếu dời đô và mở ra thời kỳ độc lập tự do cho nước Việt trước giắc phương Bắc
Đền Đô nằm ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội gần 20km về phía Bắc. Nó còn có tên gọi khác là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, được xây dựng vào thế kỷ 11 (năm 1030) trên khu đất phía đông nam của địa phận hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp (nay là làng Đình Bảng).
Đền là nơi thờ tự của 8 vị vua nhà Lý, đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210) và Lý Huệ Tông (1210 – 1224).
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, đền Đô đều được quan tâm tu sửa, liên tục tôn tạo và mở rộng. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên. Dù có trải qua bao sự khắc nghiệt của thời gian và sự phá hủy của chiến tranh thì vai trò và giá trị lịch sử của khu di tích đền đô như một chứng nhân lịch sử vĩ đại cho triều đại phong kiến Việt Nam mở đầu cho độc lập và tự do khỏi ách đô hộ của phương Bắc.
Toàn bộ khuôn viên đền Đô rộng 31.250 mét vuông, với trên 20 hạng mục công trình, chia thành hai khu vực: nội thành và ngoại thành. Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn vì trên hai cánh cổng có chạm khắc hình năm con rồng. Khu vực nội thành có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”.
Trung tâm của đền Đô là khu chính điện trang nghiêm, với các nét chạm khắc tinh xảo. Tại đây có điện thờ vua Lý Thái Tổ quanh năm nghi ngút khói hương.
Phía bên trái điện thờ là tác phẩm “Chiếu dời đô” nghìn năm lịch sử của Lý Thái Tổ. Phía bên phải là bài thơ “Nam quốc sơn hà” nổi tiếng như một bản tuyên ngôn nước Nam của Lý Thường Kiệt. Phía sau ngôi chính điện là hậu cung, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của tám vị vua nhà Lý. Mỗi người một vẻ, trang trọng, oai nghiêm. Còn phía trong là nhà chuyển bồng có kiến trúc theo kiểu chồng diêm tám mái, tám đao cong mềm mại; và nhà tiền tế; nhà để kiệu thờ; nhà để ngựa thờ.
Thủy Đình – Nơi để các chức sắc họp bàn khi xưa thuộc khuôn viên di tích Đền Đô Bắc Ninh
Đặc biệt, phía Đông đền có nhà bia, nơi đặt “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” (bia đền Cổ Pháp). Tấm bia do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn, ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Khu ngoại thành đền Đô gồm Thủy đình, Phương đình (nhà vuông), nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng ).Thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước.
Trên đường đi vào đền Đô, bạn sẽ bắt gặp bức cuốn thư “Chiếu dời đô” (Thiên đô chiếu) của vị vua Lý Công Uẩn trong lịch sử ngày ấy, khi nhà vua quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội) để củng cố triều chính và chăm lo cho đời sống nhân dân. Với chiều cao 3,5 mét và rộng hơn 8 mét, bức cuốn thư ấy được ghép lại từ 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng, đã được coi là bức chiều bằng gốm lớn nhất Việt Nam.
Bức cuốn thư Thiên đô chiếu (chiếu dời đô) tại đền Đô Bắc Ninh
Sẽ thú vị hơn nếu bạn đến thăm vào đúng lễ hội đền Đô được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm kỷ niệm ngày vua Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất 1009), ban “Chiếu dời đô”. Đây là ngày hội lớn thu hút nhiều khách hành hương thể hiện lòng thành kính và nhớ ơn của người dân Việt đối với các vua Lý.
Với phong cảnh hữu tình, cây cối xum xuê râm mát và cùng với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của vương triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, đền Đô thật xứng đáng với lời ngợi ca:
Đền Đô kiến trúc tuyệt vời
Thăng Long đẹp nhất, đẹp người ngàn năm
Với một cảnh quan rộng lớn, được chia thành các biệt khu, đền Đô mang lại cho khách hành hương nhiều cảm giác khác nhau: đại điện hoành tráng, hậu cung trang nghiêm, thủy đình thư thái, văn bia tịch mịch. Xen lẫn trong gió là mùi hương trầm ấm áp, hương ngọc lan thoang thoảng, đưa ta vào cõi suy tưởng về một triều đại anh hùng với những võ công văn trị kiệt xuất với tư tưởng Phật giáo từ bi.