Đọc và viết nghị luận về vấn đề nêu lên trong câu chuyện “Hai hạt mầm”
Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên…
Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân… Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.
Và rồi hạt mầm mọc lên.
Hạt mầm thứ hai bảo:
– Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã.
Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.
Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.
Tôi có một câu hỏi khá thú vị: nếu mỗi người trong chúng ta là một hạt giống, vậy đâu là lúc ta thực sự nảy mầm? Có phải khi vừa chào đời không? Theo tôi là không. Giây phút thiêng liêng đó chỉ thực sự bắt đầu khi ta bắt rễ vào cuộc sống dung nạp nguồn dinh dưỡng và tìm cho mình con đường vươn lên. Nếu bạn còn bối rối, “Câu chuyện của hai hạt mầm” sẽ dạy mỗi người chúng ta về… cách nảy mầm!
Truyện kể về cuộc đời của hai hạt mầm “nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ”. Hạt mầm thứ nhất mang trong mình khát vọng được “bén rễ sâu vào lòng đất”, nó háo hức muốn lột xác để nhanh chóng cảm nhận cuộc sống rực rỡ sắc màu. Thế là hạt mầm ấy mọc lên! Hạt mầm thứ hai hoàn toàn ngược lại, sự sỡ hãi làm nó chỉ muốn sống mãi trong lớp vỏ màu xanh, không muốn trưởng thành. Đối với nó, cuộc sống đầy rẫy những bất trắc, khó khăn. Và vì ngoan cố không chịu nảy mầm, cuối cùng nó bị một con gà “mổ đi ngay lập tức”. Câu chuyện khép lại với nhiều nụ cười ý vị. Chắc rằng tất cả chúng ta đều ca ngợi hạt giống thứ nhất vì lòng dũng cảm và mỉa mai hạt còn lại vì đã sống đớn hèn. Thế nhưng, thử một phút lắng lòng và đặt mình vào “mảnh đất màu mỡ ấy”, liệu ta sẽ trở thành hạt mầm nào? Liệu ta có dám dũng cảm vươn tới “sự ấm áp của mặt trời” hay lo sợ rằng “không biết sẽ gặp phải điều gì nơi tối tăm đó”? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta, nhưng bản thân câu chuyện chính là bài học tuyệt với về lòng dũng cảm – chìa khóa của sự thành công.
Lòng dũng cảm – Cội rễ của mọi nguồn sức mạnh!
Từ bé, hẳn rằng ai cũng dược cha mẹ bảo ban dạy dỗ, rằng dũng cảm là không sợ hãi bất cứ điều gì, là sống anh dũng, hiên ngang, là “phải có danh gì với núi sông”. Tóm lại, dũng cảm là dám sống! Sống có ý nghĩa, sống có mục đích, có ước mơ, chứ không phải sống vật vờ nhờ oxi, sống thụ động như các loài sinh vật khác. Có rất nhiều người đã trở thành những hạt mầm vươn cao tới ánh sáng nhờ biết sống, dám sống! Như một nữ văn hào người Mĩ, từng nổi tiếng với câu nói “Tôi đã khóc khi không có giày để mang, cho tới khi tôi nhìn thấy một người không có chân để mang giày” – là một người tàn tật. Nhưng vượt lên tất cả, bà đã dùng tài năng chứng minh cho cả thế giới thấy khiếm khuyết thân thể không làm bà gục ngã. Người phụ nữ ấy đã dũng cảm sống phần đời của mình, dũng cảm chấp nhận định mệnh nghiệt ngã để biến nó thành động lực mạnh mẽ khôn cùng. Như vậy, dũng cảm còn là dám ước mơ. Hạt mầm thứ nhất trong câu chuyện dũ chưa hề đâm rễ xuống mặt đất cứng, dù chưa “nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân”, dù chưa “cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá”, vẫn cứ hình dung cuộc sống thật nên thơ và tươi đẹp! Đó là gì nếu không phải là ước mơ, không phải là niềm tin vào tương lai phía trước? Chính ước mó là nguồn gốc, là nơi nâng giấc mơ cho những tài năng trở thành hiện thực. Có ước mơ, ta chưa hẳn đã có điều mình muốn nhưng chắc chắn một điều rằng, ta sẽ chẳng có gì nếu thiếu ước mơ! Đã là ước mơ thì phải đẹp, phải cao cả, phải xứng đáng để ta phần đấu trọn đời. Người ta vẫn thường nói, giấc mơ miễn phí, vì vậy, đừng hà tiện cho bản thân được sống trong những giấc mơ đẹp nhất. Nhưng điều quan trọng, là phải có dũng cảm biến ước mơ trở thành sự thật. Phải phấn đấu không ngừng để rồi sẽ có ngày: “Và hạt mầm mọc lên!”. Phần thưởng của lòng dũng cảm?
Không chỉ có thế, dũng cảm còn là dám nhìn lại chính mình. Bởi con người dẫu sao vẫn chỉ là một sinh vật bất toàn, một vòng tròn chưa hoàn hảo. Người dũng cảm là người dám nhìn thấy những khuyết điểm, những méo mó của bản thân để từng ngày hoàn thiện. Ai dám bảo dũng cảm thì không có lúc yếu đuối? Không có những chông chênh? Không có những yếu lòng? Nhưng lòng dũng cảm sẽ giúp con người đứng vững, giữ con người không bước qua khỏi ranh giới Thiện – Ác. Chính vì lẽ ấy, sức mạnh của con người để sống giữa cuộc đời này chính là sở hữu lòng dũng cảm.
Sự hèn nhát – Khắc tinh của cuộc sống!
Hèn nhát là kẻ thù số một nếu ta có ý định sống tốt, sống có ý nghĩa. Bởi nó sẽ “giúp” chúng ta đóng mọi cánh cửa vào đời. Kẻ hèn nhát là kẻ đầu môi luôn chực chờ hai chữ “Tôi sợ…”. Như hạt mầm thứ hai kia, chưa hề bắt rễ vào đất mẹ, nó đã sợ hãi, đã hoang mang với những điều không hay dẫu chỉ trong tưởng tượng. Mặc dù thật thà thú nhận rằng, nó “không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm xa xôi đó”, nhưng nó vẫn không đủ can đảm sống cuộc đời khác. Mỗi chúng ta, nếu cứ sống hèn nhát, sống mãi với những lắng lo tủn mủn, cơ hội sẽ đi qua lúc nào không hay biết. Một cuộc sống tươi đẹp, một tình yêu hạnh phúc, một con người toàn thiện…là những điều không bao giờ xuất hiện trong đời một kẻ hèn nhát. Họ giống như hạt mầm đáng thương kia, chỉ biết “nằm im và chờ đợi”. Xã hội ta ngày nay dù ngày càng năng động, văn minh, vẫn không hề thiếu những người như thế. Họ là ai? Gần ta nhất là những cậu ấm cô chiêu đã quen với sự bảo bọc của cha mẹ, gia đình. Họ sợ vào đời vì sợ gặp hiểm nguy, bất trắc, cam chịu sống trong vòng tròn an toàn giả tạo của riêng mình. Tôi nhớ đến câu nói của hạt mầm: “Tôi nên nằm đây cho đến khi cảm thấy thật sự an toàn đã”. Thật nực cười, nếu đã hèn nhát, đã sợ hãi, thì biết đén khi nào mới là lúc “thật sự an toàn”? Chẳng bao giờ cả! Chính vì vậy, hèn nhát là người bạn vô cùng thân thiết của Tiếc Nuối, của Giá Như,… Không dám sống, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới ân hận vì đã phí hoài cuộc đời duy nhất. Không dám cống hiến, đến cuối cùng mới tiếc nuối không ai nhận ra tài năng. Không dám yêu thương, đến cuối cùng mới nhận ra mình chưa từng hạnh phúc… Đập và xây – cái nào dễ hơn những tưởng ai cũng rõ. Vậy mà dũng cảm và hèn nhát – đã không ít kẻ chọn lối sống thứ hai. Để rồi một ngày nọ bị “một chú gà đi loanh quanh mổ ngay lập tức”…
Câu chuyện là bài học thâm thúy và đầy ý nghĩa về thái độ sống của con người. Ai đó đã nói “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, nên nếu ta dám dũng cảm sống, dám ước mơ và nảy mầm, ta sẽ được cuộc đời đón nhận. Nhược bằng ta trung thành với lối sống an toàn, hèn nhát, sợ hãi, sớm muộn ta cũng trở nên vô dụng, bị đào thải không thương tiếc. Mặt khác, câu chuyện còn là một lời nhắc nhở, cảnh tình rằng: cơ hội không đến hai lần. Hóa công ban cho chúng ta sự sống chính là thứ cơ hội thiêng liêng, cao quí bậc nhất. Ta không nên để nó vụt qua chóng vánh, vô nghĩa. Có khó gì đâu, mỗi ngày nếu biết soi lại tâm hồn mình một chút, mạnh mẽ hơn một chút, sống đẹp hơn một chút, là ta đã tôi luyện cho mình lòng dũng cảm – đức tính cần thiết để sống giữa đời. Với riêng tôi, câu chuyện còn nhắc đến một ranh giới mong manh giữa sự Hèn Nhát và Cân Nhắc. Hạt mầm thứ hai không phải không có lí khi lo sợ, nhưng nếu nó chỉ dừng lại ở sự cân nhắc, và vẫn dũng cảm vươn mình, có lẽ kết cục đáng tiếc đã không bao giờ xảy ra. Hình ảnh chú gà cuối truyện lại chính là tượng trưng cho qui luật đào thải của cuộc sống: những kẻ lãng phí cơ hội sống mà Thượng Đế ban cho, những kẻ hèn nhát, ỷ lại, lười biếng, rồi sẽ nhận được số không tròn trĩnh…
Người ta vẫn thường nói:” Đủ nắng hoa sẽ nở. Đủ gió chong chóng sẽ quay. Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”, nhưng bao nhiêu dũng cảm là đủ để bắt đầu cuộc sống nảy mầm?