Đề bài : Nghị luận về vấn đề Rừng vàng biển bạc

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Đinh Phùng Thảo Linh

Đề: Công dân Việt Nam với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.( Viết văn)

lê anh tuấn
4 tháng 12 2017 lúc 19:29

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Khẳng định của Người không chỉ thôi thúc cả dân tộc quyết tâm đánh bại đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc mà còn đặt trách nhiệm cho các thế hệ người Việt Nam phải biết chăm lo phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, trong suốt tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay nói riêng, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy lợi thế của đất nước về biển, kết hợp với phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, coi đó là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng ta xác định “Trong khi không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đại hội lần thứ VII của Đảng còn chỉ rõ: Từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của kinh tế biển, phát triển kinh tế ở hải đảo, làm chủ lãnh hải và thềm lục địa, thực hiện chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế. Đến Đại hội lần thứ VIII của Đảng tiếp tục xác định:“Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”.

Hiện nay mật độ dân cư trên biển, đảo và quần đảo thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng ven biển, trên biển và trên các đảo còn chưa hoàn thiện; khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia còn nhiều hạn chế... Do đó, cần phải đầu tư một cách thích đáng về mọi mặt, bảo đảm cho phát triển kinh tế và tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển; kết hợp chặt chẽ các yếu tố: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, tạo sự liên kết giữa biển, đảo và bờ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Vì vậy, Đại hội IX của Đảng chủ trương: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu kilômét vuông thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”.

Quy hoạch phát triển kinh tế ở các đảo và quần đảo phải gắn bó với công tác xây dựng địa bàn quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận “quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân” trên biển. Đại hội X của Đảng ta khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế… Nhanh chóng phát triển kinh tế-xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh... Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển”.

Tình hình mới, nhất là từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo đối với nước ta càng đặt ra yêu cầu cao hơn trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong xử lý các mối quan hệ quốc tế và khu vực hiện nay đặt ra phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh, khôn khéo, không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang, chiến tranh; giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Vì vậy, trước sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông thời gian qua, nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước nhất là an ninh trên biển trở thành nhiệm vụ nặng nề, đặt trước nhiều khó khăn, thách thức. Phát huy lợi thế kết hợp với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa…”. Đồng thời, Đảng ta chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”. Quan điểm, chủ trương của Đảng về phát huy lợi thế kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ thể hiện sự phát triển năng lực tư duy lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới, mà còn là ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trước bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay.

Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đặt ra nhiệm vụ cấp bách không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt. Vì vậy, để phát huy lợi thế kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trước mắt và lâu dài, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:

1. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.

Để kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta và gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển cần:phát triển mạnh nghề đánh bắt xa bờ thông qua việc hỗ trợ cho ngư dân vay vốn và phát triển lực lượng quốc doanh. Chống ô nhiễm môi trường biển, sông ngòi, ao hồ và nghiêm cấm khai thác thuỷ hải sản bằng phương pháp huỷ diệt. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển; đẩy nhanh ngành công nghiệp đóng tàu biển và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản, trong đó, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo. Xây dựng công nghiệp quốc phòng trong hệ thống công nghiệp quốc gia dưới sự chỉ đạo, quản lý điều hành trực tiếp của Chính phủ, đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng vừa phục vụ dân sinh. Tiếp tục điều tra tài nguyên và sinh vật biển để có kế hoạch khai thác, bảo vệ. Phát triển mạnh công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển.

Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp hàng hải, đóng tàu, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản chất lượng cao... Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải biển ... Phát triển kinh tế các vùng đảo, quần đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo, quần đảo. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo vững mạnh đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó, lực lượng trực tiếp và tại chỗ là nòng cốt. Với lẽ đó, cả trong thời gian trước mắt và lâu dài, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các hoạt động xây dựng lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo như lực lượng Hải quân, Biên Phòng, Cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển đủ mạnh, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp cao, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở. Chú trọng nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, trình độ hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng, đảm bảo khả năng xử lý linh hoạt và hiệu quả các tình huống có thể xảy ra trên biển; quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng nòng cốt như Hải quân và Cảnh sát biển phù hợp với xu thế phát triển trong khu vực và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị. Kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnhcủa bộ đội chủ lực với khả năng xử lý tình huống mau lẹ, trực tiếp của các lực lượng quân sự và dân sự ở các địa phương ven biển, luyện tập các phương án hợp đồng tác chiến trên biển, trong đó kết hợp chặt chẽ nghệ thuật tác chiến truyền thống của dân tộc với các phương án tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao trong xử lý các tình huống có thể xảy ra. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng lực lượng quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương có biển.

3. Kiên trì đối thoại tìm kiếm giải pháp hoà bình, tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo.

Trước những vấn đề chủ quyền biển đảo ngày càng nóng, Việt Nam luôn chủ trương, chủ động xử lý đúng đắn nhiều vấn đề nhạy cảm bằng đối thoại, thương lượng thông qua con đường ngoạ giao. Việt Nam luôn đưa ra yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để chúng ta khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng ta đã khẳng định: “Thực hiện quá trình dân sự hóa trên biển, đảo gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển; thí điểm xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo ở Đông Bắc…”. Đây là một chủ trương chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác dân sự hóa trên các vùng biển, đảo, nhất là ở những vùng biển, đảo chiến lược đã được đẩy mạnh, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố và xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Ở một số đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, quá trình dân sự hoá bước đầu được thực hiện có hiệu quả, tạo được dư luận tốt đối với quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Cơ sở hạ tầng trên nhiều đảo được xây dựng ngày càng khang trang; đời sống của nhân dân trên các đảo từng bước đi vào ổn định; tư tưởng của nhân dân định cư trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng.

Kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực ven biển, trên biển và các đảo phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” của đảo và bờ với thế “động” của lực lượng tác chiến cơ động trên biển tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc. Trang bị kỹ thuật phục vụ cho mục đích kinh tế - xã hội phải phù hợp với hệ thống trang bị kỹ thuật quốc phòng - an ninh trong hệ thống các cụm lực lượng trên biển, thực hiện kiểm soát, giám sát, báo động, chi viện, hỗ trợ nhau trong đấu tranh phòng chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia. Các cơ sở hậu cần, kỹ thuật kinh tế - xã hội ven bờ, trên biển và trên các đảo phải sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quốc phòng, ưu tiên xây dựng các đảo tiền tiêu xa bờ có công sự kiên cố, trang bị hoả lực mạnh, có khả năng tác chiến dài ngày. Quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng cơ sở trên biển, đảo phải mang tính lưỡng dụng cao, không chỉ bền vững trước tác động của môi trường biển mà còn phải bền vững khi chuyển sang phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh.

Xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam. Các địa phương ven biển, huyện đảo phải có lực lượng dân quân tự vệ vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng thế mạnh kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả đó, hơn lúc nào hết phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn vùng biển nói riêng và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nói chung, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thực sự trở thanh quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.