Với mỗi người, ngôi nhà là tổ ấm yêu thương. Nơi ấy có biết bao người thân yêu đã vun vén cho hạnh phúc cho ta. Nhưng có một ngôi nhà nữa, ngôi nhà ghi dấu một thời thơ trẻ sôi nổi, đầy hăm hở của tuổi thơ ta. Nó ôm ấp biết bao nhiêu kỉ niệm về tình thầy, tình bạn. Nó chắp cánh cho những ước mơ của ta bay tới chân trời trí tuệ! Ngôi nhà ấy,chính là ngôi trường mà mỗi sáng, mỗi chiều vang vang tiếng trẻ thơ của ta! Với tôi, ngôi trường mang tên người đội viên thiếu niên đầu tiên, nơi tôi từng gắn bó, nơi ấy mãi mãi đẹp một vẻ đẹp thiêng liêng trong đời tôi!
Trường tôi đấy! Ngôi trường nằm bên cánh đồng rập rờn sóng lúa. Cổng trường trang nghiêm mang tên anh Kim Đồng mở về hướng nam, nhìn ra con đường xuôi về hướng biển. Cả sân trường trùm phủ một màu xanh cây lá. Cây xà cừ vạm vỡ vươn những cánh tay lực lưỡng ,với cái nhìn trầm tư, hồi tưởng. Những cây phượng vàng thân sần sùi như cụ già luống tuổi vươn những cành to với những lá li ti căng dày trên cao để những chấm nắng lọt qua như những mắt nhìn tinh nghịch. Hàng bàng đứng trang nghiêm, đêù tăm tắp trước lớp, xoè những chiếc lá to làm thành những chiếc dù lớn như thương yêu, che chở... Và ở nơi ấy, mỗi lớp học như một mái ấm yêu thương! Không biết từ lúc nào tôi đã yêu và gắn bó với ngôi trường đến thế ! Bây giờ đây ngôi trường cứ như thế, giang vòng tay đón chúng tôi mỗi sớm mỗi chiều. Và cứ như thế, ngôi trường đã là ngôi nhà biết mấy thương yêu của tuổi thơ tôi !
Đã bao lần ngồi ở lớp học nhìn ra toàn quang cảnh sân trường, trong lòng tôi biết bao xúc động. Nhìn chiếc ghế đá im lìm dưới bóng râm mát của sân trường như chờ đợi, như nhớ thương, như trông ngóng... Tôi cứ miên man nghĩ về biết bao thế hệ học trò như tôi đã từng gắn bó, từng trưởng thành và đã bay vào cuộc sống bao la với biết bao khát vọng. Phải chăng ở nơi này đây đã có biết bao thầy cô giáo đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình bằng tình yêu trẻ thơ để rồi phải chia xa nơi này cùng với bao nỗi nhớ! cũng chính ở nơi ngôi trường thân yêu này, những tuổi thơ như tôi đã được yêu thương, và đã được trưởng thành. Tôi thầm nghĩ, ở nơi này mỗi gốc cây, mỗi chiếc lá đều được ươm niềm hy vọng của thầy cô và mãi mãi xanh màu kỉ niệm .
Trường tôi đẹp lắm! mọi người đều nhận thấy như thế. Riêng với tôi, trường tôi còn đẹp một vẻ đẹp thiêng liêng bởi ở nơi này tất cả đều lấp lánh một tâm hồn. Viên phấn trắng trên tay thầy đã dẫn đường cho bao thế hệ nối tiếp nhau cùng trưởng thành để rồi từ nơi này bao thế hệ cùng nhau đi xây đắp vẻ đẹp của cuộc đời. Lời giảng của thầy cô đã không đi vào không gian bao la mà đi đến tâm hồn. Đấy là những lời nhắc nhở, động viên, tin tưởng. Thầy cô đã truyền đến chúng tôi không chỉ kiến thức, không chỉ truyền thống văn hoá của dân tộc mình, một dân tộc đã gìn giữ và xây dựng đất nước này bằng mồ hôi và máu, một dân tộc mà mỗi trang lịch sử nghe sang sảng lời thề cứu nước.Tiếng trống trường như tiếng gọi của con tim, bồi hồi, lo lắng. Bây giờ đây ở những phương trời xa xôi của Tổ Quốc mến yêu, có biết bao tấm lòng đang ngày đêm nhớ về quê hương cùng với hình ảnh ngôi trường thân yêu này ...
Rồi mai đây ngôi trường này sẽ khác. Những tường gạch rêu phong kia không còn nữa, những cánh cửa, những mặt bàn mặt ghế cùng bao nét chữ mang tên bạn bè tôi, tất cả sẽ không còn nữa. Trường tôi sẽ khác, sẽ được xây mới từ cổng ngõ tường rào, rồi tường vôi sẽ vàng tươi hơn, rồi cành lá ở sân trường sẽ dày lên hơn...Nhưng trong tâm hồn tôi, ngôi trường yêu dấu vẫn không mất đi, bởi nó gắn với tình thầy, tình bạn rất đổi thiêng liêng !
Đứng ở hàng hiên này đây, tôi nhìn từng cánh phượng thung thăng về bên thảm cỏ, nhìn những công trình đang được hoàn thành, lòng tôi thầm mong ước. Tôi mong sao ngôi trường tôi càng đẹp hơn, mong sao ngôi trường lưu giữ mãi những kỉ niệm tuổi thơ tôi cùng bao bè bạn. Tôi hy vọng mai sau khi chúng tôi trưởng thành, chúng tôi sẽ còn được về trong tình thương yêu của thầy cô như ngày nào còn bé.
Ôi ngôi trường thân yêu của tôi, ngôi trường đẹp và rất đổi thiêng liêng, nơi đã cho tôi tình thương và chắp cánh cho ước mơ của tuổi thơ tôi. Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên tình thầy, tình bạn ở mái trường mến yêu này.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng diễn ra trong không gian và thời gian xác định nhằm cảm tạ, cầu xin và tôn kính các vị thần, tưởng nhớ một sự kiện, nhân vật lịch sử hay huyền thoại, thể hiện phương cách ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên, xã hội. Nhìn tổng thể, lễ hội dân gian Tây Nguyên không có những khác biệt lớn so với 54 tộc người ở nước ta về đối tượng thờ, mục đích, nghi thức, không gian và thời gian tổ chức… Những lễ hội của các tộc người Tây Nguyên được hình thành từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, con người mà từ đó nảy sinh và tích hợp nên các hiện tượng văn hóa dân gian. Tuy nhiên, cũng như các hiện tượng văn hóa tinh thần khác, lễ hội ở đây chịu sự tác động trực tiếp của những yếu tố về địa lý, kinh tế, lịch sử, xã hội và phương thức canh tác nương rẫy. Do vậy, nó vừa có nét tương đồng với các tộc người ở nước ta, nhưng cũng có những sắc thái văn hóa mang đậm dấu ấn của núi rừng Tây Nguyên. Điều đó không hề mâu thuẫn với những đặc điểm chung của lễ hội dân gian các tộc người Tây Nguyên, mà còn góp phần tạo nên tính thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam. Nó giống như sợi chỉ đỏ để gắn chặt và góp phần tạo nên sự cố kết cộng đồng các tộc người Việt Nam. Lễ hội còn là bức tranh sinh động, tổng thể nhất về những sắc thái văn hóa bao hàm nhiều giá trị khác nhau.
Lễ hội bao giờ cũng được nảy sinh và gắn kết với một cộng đồng, tộc người nhất định. Đó là cộng đồng của làng xã trong các lễ hội làng của người Việt, cộng đồng của những người theo Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo…
Đối với các tộc người Tây Nguyên, lễ hội dân gian là thời điểm để biểu dương sức mạnh, sự cố kết tình cảm cộng đồng. Trong đời sống thường nhật và đặc biệt trong những sinh hoạt văn hóa dân gian, người dân còn gắn kết với nhau bởi nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa như âm nhạc cồng chiêng, kể khan, múa… Tính cộng đồng của lễ hội dân gian Tây Nguyên được thể hiện trong bữa ăn, chẳng hạn như ở lễ hội pơ thi (lễ bỏ mả): “Để củng cố sự cố kết cộng đồng giữa những người còn sống và những người đã chết, giữa những người còn sống với nhau, lễ bỏ ma thường tổ chức bữa ăn cộng cảm. Trong thời gian tổ chức lễ hội, hàng trăm ché rượu được huy động, hàng ngàn ống cơm lam được chuẩn bị để dâng tiến thần linh, để cúng ma và để cho mọi người dự lễ hội uống và ăn”(2).
Lễ hội dân gian các tộc người Tây Nguyên cốt lõi là văn hóa dân gian mang tính diễn xướng và tính cộng đồng cao, diễn ra theo mùa vụ sản xuất nương rẫy, hoặc theo vòng đời của con người. Vì vậy, người dân rất có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng, nhiều lễ hội vẫn giữ được nguyên giá trị truyền thống như: bỏ ma, đua voi, văn hóa cồng chiêng…
Là một hiện tượng văn hóa dân gian có sức sống trường tồn trong đời sống các tộc người Tây Nguyên, lễ hội đã trở thành môi trường văn hóa quan trọng tạo nên sự cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra vai trò và sức mạnh của khối đoàn kết các tộc người từ những buổi đầu khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số khu vực miền Nam (6-1946) và Hội nghị các dân tộc thiểu số toàn quốc (12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải yêu thương nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ quyền tự do, độc lập của chúng ta”
Các tộc người Tây Nguyên hướng về nguồn cội cộng đồng của mình thông qua sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa nghệ thuật trong các lễ hội. Mà đặc sắc trong những lễ hội ở Tây Nguyên phải kể đến lễ pơ thi: “Các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên có những nét tương đồng và khá đặc trưng về quan niệm và ứng xử giữa thế giới người sống và người chết, từ đó tạo nên cả một hệ thống những tập tục, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa xung quanh thế giới người chết, tạo nên một hiện tượng văn hóa dân gian mang tính tổng thể - sinh hoạt văn hóa nhà mồ”. Lễ hội là thời điểm cho các tộc người tưởng nhớ và hướng về nguồn cội của mình. Không ở đâu có lễ hội mang tính chất nhân văn như lễ hội pơ thi của người Tây Nguyên. Chia tay người chết bằng một lễ hội, bằng những phẩm vật cả về vật chất và tinh thần, thể hiện lòng thành kính đối với người đã khuất.
Ngoài những nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ giá trị vật chất, các tộc người Tây Nguyên còn có nhu cầu về tâm linh, được thể hiện thông qua các lễ cúng. Ví như lễ cúng thần suối của người Mạ; thần đập nước, thần lúa của người Chu ru; lễ cúng đất của người Ba na ở Kon Tum và Gia Lai. Nghi lễ cúng đất của người Ba na được tổ chức vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch để chuẩn bị cho mùa canh tác nương rẫy mới, thường kéo dài trong hai ngày. Họ cầu xin các vị thần linh phù hộ cho công việc canh tác nương rẫy được thuận lợi, cuộc sống được an bình. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Ba na ở hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai được tổ chức tại nhà riêng hoặc nhà rông sau vụ thu hoạch. Nghi lễ được tổ chức để tạ ơn thần lúa và là lễ hội mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc. Lễ vật dâng cúng thường là lợn hoặc gà. Lễ ăn trâu là lễ hội dân gian phổ biến và tiêu biểu nhất của các tộc người Tây Nguyên. Lễ hội thường được tổ chức tại nhà rông. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, con trâu là vật hiến tế thần giàng. Sau các nghi thức cầu thần linh chứng giám lòng thành và nhận lễ vật, con trâu được mang ra cột giữa sân, trẻ con, trai gái, người già cùng nhau nhảy múa trong âm vang của cồng chiêng. Một đội gồm những thanh niên trai tráng trên tay cầm giáo mác tiến hành nghi thức đâm trâu. Sau đó con trâu được đồng bào mổ ăn mừng. Lễ ăn trâu thường được tổ chức từ 2 đến 3 ngày vào những dịp đặc biệt của buôn làng hay của mỗi gia đình. Trong quan niệm của các tộc người ở Tây Nguyên mọi vật xung quanh con người từ các vật dụng như chiêng, ché, ghế ngồi, đến cây cỏ, sông suối, đồi núi, con vật…đều có yang (hồn, thần). Có yang tốt, yang xấu, phù hộ hay làm hại con người. Từ quan niệm vạn vật có yang đã tạo ra nhiều lớp bao quanh con người những hồn ma, khiến họ luôn lo sợ trước các lực lượng siêu nhiên.
Lễ hội dân gian là nguồn cảm hứng và sáng tạo những giá trị văn hóa của các tộc người. Thời gian diễn ra các lễ hội là dịp để cộng đồng cùng sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Họ là những người tổ chức, sáng tạo, tái hiện các sinh hoạt văn hóa vốn có của cộng đồng. Ví như trong lễ hội pơ thi. Để chuẩn bị cho lễ bỏ ma, các tộc người Tây Nguyên thường làm lại nhà mồ. Nhà mồ được các nghệ nhân dân gian trong buôn tạo dựng, trang trí cầu kỳ, tinh tế. Tiêu biểu nhất trong văn hóa nhà mồ là hệ thống tượng gỗ đa dạng, độc đáo như rồng, rắn, cá sấu, nam nữ khỏa thân, người ngồi xổm,... Tuy nhiên, nhà mồ tộc người Ba na còn tạc biểu tượng mặt trời, người Gia rai thì tạc tượng hình mặt trăng. Việc phục dựng và trang trí nhà mồ đã phản ánh ước mong về cuộc sống sung túc, phồn thực ở thế giới tổ tiên cũng như đời sống hiện tại. Hệ thống các tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả ở Tây Nguyên được xem là một trong những giá trị văn hóa độc đáo của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó những sinh hoạt văn hóa dân gian được trình diễn trong lễ hội bỏ mả như các điệu múa, âm nhạc của cồng, chiêng, trống, kể khan, trò chơi rước rối… cũng là những sáng tạo nghệ thuật. Lễ hội dân gian tổ chức cũng là thời điểm cho những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật được trình diễn và sáng tạo. Đó là âm thanh của dàn cồng chiêng diễn xướng mang tính tập thể, đã thể hiện tài năng và sức sáng tạo, những điệu múa dân gian mang tính khỏe khoắn, hồn nhiên, đơn giản đã tạo nên sự gắn kết các cá nhân lại với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ tầm quan trọng việc sáng tạo văn hóa, văn nghệ. Người nhấn mạnh: “Văn hóa, văn nghệ muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sống sinh hoạt thực tại của con người”. Những lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên các giá trị với những người nghiên cứu văn hóa, và văn nghệ sĩ sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Trong không gian và thời gian của lễ hội, những giá trị văn hóa của cộng đồng được nuôi dưỡng, tái tạo, hồi sinh và trao truyền cho các thế hệ. Nó được gìn giữ và phát huy trong đời sống của người dân. Đó là các hình thức diễn xướng dân gian thông qua các điệu múa, kể khan, nghệ thuật đánh cồng chiêng, văn hóa ẩm thực... Đối với các tộc người Tây Nguyên, cồng chiêng là loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với đất trời. Cồng chiêng được trình diễn trong các lễ hội, cuộc vui của buôn làng… Tiếng cồng chiêng là phương tiện để cho các tộc người giao tiếp với những vị thần linh. Nghệ thuật đánh cồng chiêng vừa đa dạng và mang phong cách riêng của từng tộc người được tái hiện trong những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. “Cồng chiêng Êđê chỉ diễn tấu trong ngôi nhà dài, khu mộ địa, trên rẫy; cồng chiêng Mơ Nông diễn tấu trong ngôi nhà trệt, ngoài sân, trên đường lên nương rẫy; người Gia rai đánh cồng chiêng trước ngôi nhà rông theo điệu xoang (múa) và khu mộ địa”(7). Đến với Tây Nguyên là đến với mảnh đất có nhiều kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà rông, nhà dàn dài. Ngôi nhà rông mang dáng vẻ hoành tráng, đường bệ và thướt tha, mềm mại. Đây là nơi diễn ra lễ cúng thần linh, sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng. Người Ê đê gọi ngôi nhà dài là sang Ê đê. Ngôi nhà sàn Ê đê được chia thành gian trong (ôk) và gian ngoài (gah). Phần ôk là không gian sinh hoạt của gia đình, còn phần gahlà nơi tiếp khách, uống rượu, sinh hoạt văn nghệ, tiến hành các nghi lễ. Ngôi nhà sàn dài Ê đê nhìn từ xa tựa như con thuyền… Nhà sàn dài là nơi cu trú của đại gia đình mẫu hệ Ê đê”. Tây Nguyên từ lâu đã được biết đến là vùng đất của sử thi. Sử thi là kho tàng văn hóa dân gian độc đáo của các tộc người Tây Nguyên. Hiện nay, thông qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, người dân đã bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của sử thi.