Văn mẫu lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Thanh Lâm Ngô

Đề bài: Ông cha ta ngày xưa thường khuyên nhủ con cháu

" Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng "

Giúp mình với huhu :(( gấp quá

Quỳnh Như
7 tháng 5 2017 lúc 21:41

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là vô cùng thiêng liêng. Tình nghĩa nồng thắm ấy là một nguồn sức mạnh to lớn giúp nhân dân ta chiến thắng được gian nan, thử thách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, ta thấy tinh thần yêu thương, đoàn kết thật là quý báu biết bao! Để nhắc nhở con cháu đời sau phải luôn giữ vững tinh thần này, người xưa đã đúc kết nên câu tục ngữ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Để hiểu rõ hơn bài học mà người xưa muốn truyền đạt, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu ý nghĩa của câu ca dao trên. Ở vế đầu tiên của câu ca dao, hiện lên một hình ảnh khá đẹp: “nhiễu điều” phủ lấy “giá gương”. “Nhiễu điều” ở đây là một tấm vải đỏ mềm mịn, dùng để che phủ bên ngoài “giá gương” – cái giá để đỡ gương soi – cho nó được sáng trong, ngời chiếu. Khi tấm “nhiễu điều” che phủ cho “giá gương” như vậy thì nó phải hứng chịu biết bao bụi bặm, bẩn nhơ của cuộc đời. Tuy thế, sự che chở nhau lại tôn vinh nét đẹp, giá trị cho cả hai: giá gương có tấm nhiễu điều phủ lên thì mới đẹp, và ta chỉ thấy được nét đẹp của tấm nhiễu điều khi nó phủ lên giá gương. “Nhiễu điều” và “giá gương” phải luôn đi đôi, không thể tách rời nhau. Song, ý nghĩa của câu ca dao không chỉ đơn thuần, dừng lại ở đây. Từ hình ảnh “nhiễu điều”, “giá gương”, ta có thể hiểu rộng ra là hình ảnh của những người con đất Việt. Ông cha ta đã mượn một hình ảnh đầy tình cảm để nêu lên một bài học đạo lí có giá trị giáo dục sâu sắc: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Câu ca dao trên phản ánh một truyền thống của mỗi con người Việt Nam: Mỗi người dù ở miền ngược hay miền xuôi đều là “người trong một nước”. Vì vậy, phải đoàn kết một lòng, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, điều đó sẽ tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn giúp chúng ta vươn lên trong cuộc sống, bước đến một tương lai tươi sáng hơn.

Vậy tại sao “Người trong một nước phải thương nhau cùng”? Vì chúng ta – người trong một nước – đều mang chung một dòng máu Việt, đều cùng chung một cội nguồn, cùng được sinh ra từ cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Chúng ta có chung một nền văn hóa, chung một lịch sử, chúng ta đều là những thành viên của đại gia đình Việt Nam. Hơn nữa, trên con đường đời lắm gian truân, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc một mình như một ốc đảo giữa biển khơi mà phải hòa nhập vào cộng đồng. Tình đoàn kết là yếu tố hàng đầu dẫn đến sự thành công. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết sẽ giúp cho đất nước ta ngày một đi lên, giàu mạnh, tiến bộ hơn. Hãy tưởng tượng xã hội mà ta đang sống là một vòng xích khổng lồ, mỗi người sẽ là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích rời ra thì cả vòng xích sẽ đứt. Nếu một người không biết gắn kết thì không chỉ họ, mà cả một tập thể sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên, người dân phải biết gắn kết lại với nhau thì xã hội mới phát triển. Qua những ý nghĩa nêu trên, ta thấy tình yêu thương, đoàn kết thật là cao quý biết bao! Đó là lí do tại sao “Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Để nhắc nhở con cháu đời sau phải luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ông cha ta còn đúc kết biết bao câu ca dao khác như: “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,…

Tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau không phải chỉ được nói qua thơ văn mà nó còn được khẳng định mạnh mẽ bằng những việc làm cụ thể trong thực tế cuộc sống. Khi “khúc ruột miền Trung” oằn mình trong tang thương bão lũ năm 2010 thì đồng bào cả nước đã hết lòng giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần, sức người, sức của ủng hộ cho nhau. Nhờ thế, đồng bào bị nạn đã vươn lên khỏi bờ vực thẳm. Ngay trong trường của chúng ta, các phong trào thể hiện tình đoàn kết cũng được sôi nổi thực hiện như: phong trào “Áo trắng tặng bạn”, “Vòng tay bè bạn”,… nhằm giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, ngày nay, ngoài đồng bào trong nước, chúng ta còn giúp đỡ những người anh em dân tộc khác trên thế giới. Điều đó được thể hiện qua những hoạt động từ thiện như cứu giúp Nhật Bản sau cuộc thảm họa, hay việc bảo vệ quyền lợi của con người trên các quốc gia. Tất cả đã góp phần tạo nên sự gắn bó giữa các dân tộc với nhau, làm cho thế giới này trở nên thân ái hơn. Vì thế, chúng ta hãy biết trân trọng giá trị của tình yêu thương, mở rộng cánh cửa trái tim, mang ngọn lửa yêu thương đến với mọi người.

Bây giờ và mãi mãi về sau, câu tục ngữ sẽ mãi nguyên giá trị vốn có của nó, đem đến cho mọi người một bài học quý báu về tình đoàn kết, sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người trong cùng một dân tộc. Đây là sức mạnh to lớn đưa đất nước ta ngày càng văn minh, giàu mạnh.