Trong thực tế lịch sử, chữ viết hoặc nói văn tự dường như là gắn liền với tôn giáo, nói rộng hơn gắn liền với văn hoá. Du nhập và truyền bá văn hoá trong đó bao gồm việc truyền đạo mang theo sự phổ biến và chọn dùng một thứ văn tự.
Sau mấy trăm năm kể từ khi được truyền vào đế quốc La Mã, Ky Tô giáo đã trở thành quốc giáo của đế chế vào năm 380. Ky Tô giáo ban đầu dùng khẩu ngữ để phổ biến giáo lý cho số đông dân thường mù chữ trong lúc thiểu số quý tộc biết chữ sử dụng tiếng La tinh dưới dạng văn viết (tương tự như văn ngôn của Hán ngữ). Việc đó cũng giống như Phật giáo dùng hình thức thuyết xướng trực tiếp phổ biến kinh nghĩa cho dân thường Trung Quốc buổi đầu (văn tự Phạn đã không truyền được vào Trung Quốc, sư tăng trí thức Trung Hoa đã chủ động dịch lấy kinh Phật). Sau đó nhằm mục đích phiên dịch Kinh Thánh, Ky Tô giáo đã dùng chữ cái La tinh phiên-ghi âm cho một số thứ tiếng châu Âu. Một số dân tộc ở châu Âu nhờ đó đã có chữ viết. Từ một nền ngữ văn La tinh thống nhất dùng chung trong toàn đế quốc La Mã đi đến chỗ các nước lần lượt có được chữ viết cho dân tộc mình – đó là một chặng đường quan trọng của lịch sử Tây Âu. Tình hình khác với đế chế Tần nhất thống văn tự (thư đồng văn) để thống nhất đế quốc Trung Hoa.
Vào thời trung đại, các đế quốc phương Tây đã đưa chữ viết La tinh đến với các quốc gia trên hầu khắp các châu lục. Đó không chỉ là hậu quả của vũ lực quân sự mà còn là kết quả của sức mạnh văn hoá. Nếu không nhận định như vậy ta hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước việc quốc gia Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ năm 1924 chủ động đổi từ văn tự Ả Rập sang dùng chữ cái La tinh.[1] Chính vào lúc đó kinh Coran được dịch ra tiếng Thổ. Một năm sau khi quốc hội Thổ ban hành các đạo luật về văn tự mới, tỷ lệ 90 phần trăm dân số mù chữ đã giảm xuống một nửa. Từ sau đệ nhị thế chiến, ngày càng có nhiều nước Hồi giáo chọn dùng chữ cái La tinh.
Ky Tô giáo dường như không có ý thần thánh hoá văn tự. Ngay từ thời đại La Mã, Ky Tô giáo đã hướng tới đại chúng, đem cái suy tưởng về kiếp sau phổ biến vào dân chúng. Đó là một bổ sung cho văn hoá chỉ nhấn mạnh đến quý tộc và chỉ biết có mỗi hiện thế kiếp này của đế chế La Mã. Các nhà truyền đạo Ky Tô biết Kinh Thánh cảCựu ước lẫn Tân ước đều vốn được viết ra không phải bằng văn tự La tinh. Nhưng lịch sử tồn tại của Kinh Thánh là lịch sử của sự phổ biến các bản dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ đã dùng chữ cái La tinh. Vả chăng bảng chữ cái La tinh cũng có nguồn gốc từ bờ đông Địa Trung Hải. Trước lúc ổn định thành cái gọi là bảng chữ cái La tinh dùng dưới thời đế chế La Mã, chữ cái ghi âm đã kinh qua cả một chặng đường hơn chục thế kỷ (lâu đời không kém văn tự giáp cốt của Trung Hoa).
Hai mươi sáu chữ cái La tinh phối hợp với nhau kèm theo một số kí hiệu gọi là các “dấu” đã giúp nhân loại có thể phiên viết mọi ngôn ngữ ra trên giấy, đó quả thật là một điều kỳ diệu. Các nhà văn tự học và thư pháp Trung Quốc cũng có thể thấy được đặc điểm “khải thư” (Regular script) của Hán tự biểu hiện ra như thế nào ở chữ cái La tinh viết in mà cũng thấy được đặc điểm “hành thư” (Semi-cursive script) hoặc “thảo thư” (Cursive script) của Hán tự bộc lộ ra như thế nào ở chữ cái La tinh trong viết thường. Như vậy là các đặc điểm tạm gọi “đứt-cứng”, “liền-mềm”, “thanh-đậm” tương tự văn tự Hán nơi chữ cái La tinh đều tiện cho in ấn và viết tay.
Chữ cái La tinh theo chân các giáo sĩ người Bồ Đào Nha lần đầu tiên đến Trung Hoa qua ngả Ma Cao vào những thập niên cuối thế kỷ XVI. Các giáo sỹ người Bồ dùng chữ cái La tinh chú âm cho chữ Hán, biên soạn cho mình từ điển phiên âm chữ Hán. Công việc của họ lúc đó dường như chưa bộc lộ một tham vọng to lớn gì về tôn giáo. Trên thực tế việc phiên âm của các giáo sỹ cũng chỉ là để phục vụ cho việc học chữ Hán của họ. Nhiều giáo sĩ đã có thể đọc được Tứ Thư Ngũ Kinh. Hai thế kỷ sau, các đế quốc lớn như Anh và Pháp đem tàu đồng và đại bác cập vào các cảng suốt một giải từ Quảng Châu lên Thượng Hải. Các giáo sỹ phương Tây ồ ạt xâm nhập Trung Hoa Đại Lục. Công cuộc truyền bá văn tự mới được tổ chức quy mô và Kinh Thánh đã có bản dịch chữ Hán. Thế nhưng chữ cái La tinh vẫn không thắng thế được chữ Hán.
Vậy mà trong hơn nửa thế kỷ từ Thanh mạt rồi Trung Hoa Dân Quốc đến Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, từ Đài Loan qua Đại Lục, người Trung Quốc không ngừng thử dùng qua rất nhiều phương án phiên âm chữ Hán. Đó đã là chuyện quan trọng của việc “trị quốc bình thiên hạ” trong thời đại toàn cầu hoá của người Trung Quốc rồi.
Từ cuộc vận động thiết âm tự thời Thanh mạt cho đến Phương án phiên âm chữ Hánngày nay – Trung Quốc đã đi qua cả một chặng đường dài của quá trình tự nhận thức Hoa Hạ cũng chỉ là một phần của cái thiên hạ toàn cầu này. Cuộc vận độngthiết âm tự khởi từ cuối Thanh được tổng kết vào năm 1913. Trung Quốc công bố bộ “chú âm tự mẫu” vào năm 1918, thay thế cho phương pháp phiên thiết cổ xưa dùng hai chữ Hán này chú âm cách đọc cho một chữ Hán kia. Thế nhưng bộ “chú âm tự mẫu” có tính cách như là một bộ “chữ cái” riêng của Trung Quốc dùng để ghi âm chữ Hán đó không thể dùng trong công việc đối ngoại được. Viết một cái danh thiếp khi giao tiếp với người nước ngoài cũng thành vấn đề đối với người Trung Quốc lúc đó. Mười năm sau – 1928, chính phủ Nam Kinh phải công bố bản chữ La tinh phiên âm chữ Hán gọi là “Quốc ngữ La Mã tự”. Đến 1953 Trung Quốc đại lục kế thừa và đổi mới “Quốc ngữ La Mã tự”, chế định “Phương án phiên âm Hán ngữ”[2] (chính thức công bố năm 1958). Đài Loan từ năm 2001 đã bắt đầu tính chuyện theo dùng cách phiên âm của Đại lục. Việc cải cách văn tự đó của Trung Quốc đại lục được bắt đầu ngay từ đầu 1950 (một năm sau lập quốc) do đích thân Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai trực tiếp lãnh đạo. Chu Ân Lai nói rõ trong báo cáo Nhiệm vụ cải cách văn tự hiện nay (10/1/1958): “Phương án phiên âm Hán ngữ không phải là dùng văn tự phiên âm thay thế chữ Hán……Chúng ta chọn dùng chữ cái La tinh có điều chỉnh, nhằm thích ứng với yêu cầu của Hán ngữ. Khi đó chữ cái La tinh đã thành chữ phiên âm Hán ngữ của ta, chứ không còn là chữ cái của tiếng La tinh cổ nữa, càng không phải là chữ cái của bất kì một quốc gia nào. Chữ cái là công cụ để phiên âm ghi viết cho ngữ âm, chúng ta dùng nó phục vụ cho chính mình, giống như việc chúng ta dùng tàu hoả, thuyền máy, ô tô, máy bay vậy, cũng giống như việc chúng ta dùng chữ số Ả rập để tính toán, dùng công lịch để tính năm, dùng cây số để đo khoảng cách, dùng cân ki lô để cân đong vậy.”[3] Mấy lời giản dị giải thích cùng quốc dân về việc phiên âm La tinh “quốc tự” của vị thủ tướng từng lưu học Pháp Quốc này cũng ẩn chứa những ý vị nhất định của thời đại.
Đương nhiên thực tiễn lịch sử – xã hội – văn hoá của Hán ngữ khác biệt với thực tiễn Việt ngữ trên nhiều phương diện. Công cuộc phiên âm Hán tự bằng chữ cái La tinh của Trung Quốc chỉ là một bộ phận của sự nghiệp cải cách ngữ-văn bao gồm các khâu liên quan nhau: dùng bạch thoại thay cho văn ngôn, dùng chữ cái phiên âm La tinh thay thế hay bổ trợ cho chữ Hán, quảng bá cái gọi là tiếng phổ thông. Chỉ đến thập niên những năm 60 thế kỷ XX, Trung Quốc mới cơ bản hoàn thành sự nghiệp cải cách ngữ văn đó. Kết quả là riêng về việc dùng chữ cái La tinh để phiên âm, Trung Quốc đại lục đã công bố Phương án phiên âm Hán ngữ (汉语拼音方案). Cái khuyết điểm chỉ có thể bút đàm, siêu phương ngôn, dễ viết lộn của chữ Hán (tức việc chữ Hán không giữ liên hệ ngữ âm cố định với thực tế ngôn từ) – những cái bị xem là bệnh tiên thiên của Hán tự được phát huy theo chiều tích cực khi đã có phương án phiên âm bằng chữ cái La tinh. Chữ La tinh rốt cuộc đã được dùng trong nhiệm vụ chú âm cho chữ Hán.
Vậy là kể từ lúc thư đồng văn thống nhất quốc gia thời đại Tần Thuỷ Hoàng hai nghìn hai trăm năm trước cho đến thời đại Mao Trạch Đông thế kỷ XX, Trung Quốc đã tiến đến chỗ ngữ đồng âm do chỗ dùng phiên âm bằng chữ cái La tinh để quảng bá cái gọi là tiếng phổ thông – một thứ cộng đồng ngữ[4] cần thiết cho vận hành quốc gia hành chính nhất thống.
Phiên âm La tinh đã giữ vai trò không thể thay thế trong công tác tự điển từ điển, mục lục học, tra cứu của thư viện, quy phạm hoá phiên âm tên người tên đất, dẫn nhập máy vi tính và mạng internet tại Trung Quốc trong quá khứ cũng như hiện tại. Ngay từ 1950, Tân Hoa tự điển – cuốn tự điển đầu tiên dùng chữ cái phiên âm để chú âm Hán tự chỉ hơn 650 trang in kiểu bỏ túi này trên thực tế đã phát huy tác dụng thống nhất âm đọc chữ Hán trong toàn cõi nước Trung Hoa mới. Cuốn đó cùng với cái gọi là chính tự pháp trong phiên âm của Trung Quốc làm ta liên hệ đến vấn đề chính tả trong tiếng Việt của ta. Và chính thức bắt đầu mùa thu 1958, học sinh tiểu học Trung Quốc đại lục đã bắt đầu việc học tiếng Hán qua phiên âm bằng chữ cái La tinh. Trên thực tế nhờ có phiên âm La tinh mà Trung Quốc đã tạo ra văn tự cho hầu hết các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong nước, kết thúc thời đại có tiếng nói mà không có chữ viết cho các tộc người đó. Cho đến 1982, Phương án phiên âm Hán ngữcủa Đại lục đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế ISO 7098. Hội nghị về việc chuẩn hoá cách ghi địa danh của Liên hiệp quốc cũng đã chấp nhận phương án phiên âm Hán ngữ trong phiên viết địa danh Trung Quốc (Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc đã thay đã thay chỗ Trung Hoa dân quốc ở Liên hiệp quốc từ hơn một thập niên rồi). Cũng như chữ Quốc ngữ ở ta, phiên âm La tinh Hán ngữ tại Trung Quốc đem lại thành công phi thường cho công tác xoá nạn mù chữ (literacy).[5] Chỉ có điều phiên âm La tinh đối với họ không thay thế cho chữ viết. Hán tự với vấn đề đồng âm dị tự, đồng tự dị âm kèm theo chuyện cấu tạo chữ đã khiến cho việc xoá nạn mù chữ đi đôi với xoá nạn mù nghĩa. Khi mà trong tiếng Việt có một lượng lớn từ Hán Việt và tiếng Việt thì không biến đổi hình thái từ như ngôn ngữ châu Âu thì phiên âm quốc ngữ chẳng nhẽ không có áp lực gì trong vấn đề tạm gọi là mù nghĩa?[6] Biết đọc biết viết là ngưỡng khởi đầu mà chính tả và năng lực ngữ văn là cả một chặng đường giáo dục dài. Xóa nạn mù chữ, phổ cập tiểu học làm cho toàn dân biết đọc biết viết chỉ là quãng đầu tiên trên con đường dài của sự nghiệp nâng cao dân trí. Tự hào mãi với thành tích xóa mù chữ (biết đọc biết viết với mức đánh vần và chính tả) mà không kiện toàn một chương trình giảng dạy tiếng Việt và ngữ văn để hình thành và nâng cao năng lực diễn đạt (nói-viết) và trình độ đọc hiểu là một điều không nên. Thực trạng viết văn của học sinh trung học hiện nay đã cho ta thấy “học sinh ta viết tiếng ta” như thế nào. Trong lúc ngoài xã hội, từ nhắn tin trên điện thoại di động cho đến giao tiếp gọi là chat qua mạng internet rồi các tiết mục thi mệnh danh là hùng biện, dẫn chương trình (MC) truyền hình, phỏng vấn tuyển người làm… tất cả các hiện tượng đó đều đáng để ta suy nghĩ nhiều hơn nữa.
Trên đây đã nói Trung Quốc đã tiến hành công cuộc phiên âm La tinh ra sao.
Có thể kể ra một trong những kết quả của việc phiên âm La tinh Hán ngữ là kế thừa và phát huy di sản văn hoá cổ. Phiên âm La tinh đưa lại những tiện ích quan trọng trong việc giảng dạy cổ đại Hán ngữ. Các trước tác văn ngôn cũ của Trung Hoa vẫn sống trong lòng Hán ngữ hiện đại, tồn tại song song bên cạnh các bản dịch ra bạch thoại. Ở Việt Nam, ta cũng đã dịch gần hết các trước tác chữ Hán của cha ông. Thế nhưng phiên âm Quốc ngữ hoàn toàn mà không có bổ trợ thích đáng của một chương trình ngữ văn Hán Nôm và từ Hán Việt sẽ làm cho ta có cảm giác các tác phẩm văn học cổ của cha ông trở thành “văn học nước ngoài” ngay trước mắt học sinh ngày nay.
Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong khu vực văn hoá chữ Hán. Nhật Bản từ xưa đã sớm có phương pháp chú âm chữ Hán cho tiếng Nhật. Sau cùng vào thời Duy Tân (1868), Nhật Bản cũng đã chọn dùng chữ cái La tinh. Vậy mà từ sau Đệ nhị thế chiến, Nhật Bản vẫn quy định chọn dùng một lượng chữ Hán nhất định (1945 chữ) trong văn hành chính. Kết quả như ta thấy trong Nhật văn có xen lẫn một ít chữ Hán (漢字Kanji).[7] Cả Nam Hàn và Bắc Triều Tiên đã dùng văn tự biểu âm của họ (1446) nhưng Hàn Quốc không đoạn tuyệt với chữ Hán như CHDCND Triều Tiên, vẫn còn 1800 chữ Hán được dùng ở Hàn Quốc. Trên thực tế cả chữ Hàn dùng lẫn với chữ Hán tạo nên một thể văn tự hỗn hợp vừa biểu ý lại vừa biểu âm. Đó đều là những trường hợp đáng để cho ta suy nghĩ.
Quy luật phát triển của văn tự xét về mặt cách biểu đạt được khái quát thành từ biểu hình đến biểu ý đến biểu âm. Việc ta dùng chữ quốc ngữ cho tiếng Việt không ra ngoài quy luật đó. Ngay nay ta thường nói đến toàn cầu hoá. Trong thực tế cũng đã diễn ra quá trình toàn cầu hoá chữ cái La tinh. Như ta thấy trên Internet ngày nay, văn tự sử dụng chữ cái La tinh chiếm đến 99%. Những nước không dùng chữ cái La tinh cũng cần thông qua Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) để thống nhất một tiêu chuẩn phiên âm La tinh tiện cho giao lưu văn hoá. Quan tâm nhiều hơn đến chữ Việt cũng chính là để tham gia tích cực vào quá trình toàn cầu hoá.
Chúc bn học tốt