Đề 1 : Hãy miêu tả cuộc vượt thác của Dượng Hương Thư.
BÀI LÀM : ( Kham khảo )
Nước từ trên cao phóng xuống như định nuốt chửng con thuyền. Nhưng ở phía dưới dượng Hương Thư nhanh như cắt vừa thả sào, vừa rút sào nhịp nhàng, đều đặn. Con thuyền được giữ thăng bằng vẫn xé ngang dòng nước lao nhanh. Nó chồm lên. sấn tới, hùng dũng hơn cả dòng thác dữ. Nhưng dượng Hương Thư cũng không chịu thua. Các bắp thịt cuộn lên, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh.ra, cặp mắt nảy lửa, dượng ghì mạnh trên ngọn sào để giữ cho con thuyền được an toàn. Lúc ấy, nhìn dượng Hương Thư giống như một pho tượng đồng đúc vững chãi và mạnh mẽ. Quả thật, hình ảnh dượng Hương Thư trụ sào giữ thuyền giữa dòng thác dữ còn khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.
ĐỀ 2 : Hãy kể và tả lại lần chứng kiến một đêm Bác không ngủ nơi núi rừng Tây Bắc theo tưởng tượng của em.
BÀI LÀM : (Kham khảo)
Thuở thơ ấu cháu được nghe thơ ông Minh Huệ trong lời ru của mẹ. Lớn lên cháu được đến trường và lại được học thơ của ông. Cháu xúc động đến trào nước mắt khi học bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. Bài thơ đã cho cháu một niềm tự hào lớn, niềm tự hào của tuổi thơ được sinh ra và lớn lên trong thời đại Hồ Chí Minh.
Bài thơ được cấu trúc dựa theo một câu chuyện kể về một anh bộ đội được ở cùng lán với Bác Hồ trong một đêm đi chiến dịch. Hai khổ thơ đầu nhà thơ đã thể hiện cả thời gian, khung cảnh và nhân vật:
Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ
Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Ngoài trời mưa lâm thâm
Mái lều tranh xơ xác
Khi anh đội viên thức dậy thì trời đã khuya lắm rồi, ngoài trời mưa lâm thâm. Cháu hình dung ra cái khắc nghiệt của một đêm có mưa và gió buốt của núi rừng.
Hình ảnh Bác Hồ ngồi trầm ngâm bên bếp lửa đã sưởi ấm lòng người đọc, xua đi cái lạnh lẽo, tối tăm của rừng đêm và dâng lên trong ta một tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Bác Hồ vĩ đại! Vĩ đại ngay trong những việc làm bình thường của Bác. Bác không ngủ, Bác ngồi đó, Bác đốt ngọn lửa sưởi ấm cho bộ đội ngủ ngon giấc. Trước mắt cháu hiện lên hình ảnh một người cha hiền hậu:
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng …
Người đi dém chăn cho từng đứa con mình thêm hơn ấm. Sợ con mình giật thột, người cha già nhón chân đi từng bước nhẹ nhàng. Từ hành động thiết thực của Bác, anh đội viên bỗng thấy người cha lớn lao quá. Anh thấy Bác như một ông tiên hiền hậu:
Anh đội viên mơ màng
Như nàm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
ấm hơn ngọn lửa hồng
Nhà thơ đã sử dụng nhiều câu thơ đối thoại. Ở đây ta thấy lời nói tình cảm của anh bộ đội là tình cảm của người con đối với người cha. Thái độ, tình cảm của Bác đối với bộ đội là thái độ, tình cảm của người cha đối với đứa con ngoan. Và lần thứ ba thức dậy, anh bộ đội hốt hoảng, giật mình khi nhìn thấy Bác vẫn ngồi đinh ninh.
Bẳng cả nỗi lòng thương yêu, kính cẩn của mình, anh đã khẩn khoản, van nài mời Bác đi ngủ. Nhưng Bác làm sao ngủ được khi
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Đọc đến đây khó ai có thể cẩm được nước mắt trước tấm lòng lãnh tụ. Cả giấc ngủ của mình Bác cũng dành cho cháu con, đất nước. “Anh đội viên nhìn Bác – Bác nhìn ngọn lửa hồng”. Bác đã truyền sang cho anh một sức mạnh, tiếp sức cho anh để ngày mai người lính – người con ấy lên đường và giành lấy thắng lợi. Bài thơ đã đưa người đọc trở về với cuộc kháng chiến chống Pháp đầy thiếu thốn, gian khổ, hi sinh. Bác ra trận cũng bình dị như muôn người chiến sĩ khác. Cũng dép cao su, cũng mũ nan, lội suối, bang rừng. Cũng chịu đựng gian khổ, hi sinh … Ta thật sự hạnh phúc, tự hào khi cuộc đời ta có Bác, được đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn:
Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh
Bài thơ được kết thúc bằng một khổ thơ tuyệt đẹp và trong sáng. Đó cũng là một chân lí của hàng triệu con người khi nghĩ về lãnh tụ. Cháu tin rằng ông Minh Huệ viết bài thơ này trong một khung cảnh đặc biệt về nội tâm và hoàn cảnh. Để hoàn thành bài thơ, có lẽ là ông đã bao đêm thao thức, trăn trở. Ông đã viết bài thơ bằng cả trái tim mình, bằng cả tình thương vô bờ bế của mình đối với lãnh tụ. Bằng cả một cảm xúc thiêng liêng, ông đã viết lên những vần thơ bất hủ. Và chắc chắn ông cũng là một người lính được tôi luyện trong cách mạng. Chúng cháu xin thành kính cảm ơn ông Minh Huệ bằng bút pháp tài hòa và chân thực đã để lại cho đời, cho chúng cháu và muốn thế hệ mai sau một bức chân dung bằng thơ về Bác kính yêu.