Tập làm văn lớp 6

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
lê bảo ninh

1. Nêu cảm nghĩ của em về truyện Bánh Chưng Bánh Giầy

2. Nêu cảm nghĩ của em về truyện Thánh Gióng

3. Nêu cảm nghĩ của em về truyện Thạch Sanh

(viết thật ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa)

Nguyễn Bảo Trung
13 tháng 10 2017 lúc 22:04

1.

1. Phần Mở bài

- Nếu truyện “Con Rồng cháu Tiên” giúp em hiểu được về cội nguồn dân tộc thì truyện “Bánh chưng, bánh giầy” vừa giúp em hiểu được nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy vừa giúp em hiểu được thành tựu văn minh nông nghiệp à buổi đầu dựng nước của cha ông ta.

- “Bánh chưng, bánh giầy” là một truyền thuyết để lại trong lòng em ấn tượng sâu sắc về con người đất Việt với những phẩm chất tốt đẹp: cần cù và sáng tạo trong lao động.

- Những yếu tố thần kì trong truyện cũng giúp em cảm nhận nội dung câu chuyện một cách nhẹ nhàng và lí thú hơn.

2. Phần Thân bài

a). Cảm nhận tác phẩm về mặt nội dung

* Truyện đã giúp em hiển về nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy

- Vua Hừng Vương lúc về già muốn truyền ngôi nhưng trong 20 người con trai, vua không biết nên truyền ngôi cho ai. Nhà vua gọi các con lại và nói rõ yêu cầu rằng trong ngày lễ Tiên vương, ai làm vừa ý nhà vua thì sẽ truyền ngôi cho.

- Các lang đua nhau đi tìm của quý trên rừng dưới biển mong vừa ý vua cha để ngôi báu về mình.

- Lang Liêu là con trai thứ mười tám của vua cha. Chàng nghèo nhất trong các người con. Quanh năm, chàng chỉ biết có ruộng đồng nên trong nhà chi có khoai lúa.

- Trong giấc mộng, chàng nghe tiếng thần dạy báo hãy lấy gạo làm bánh mà làm lễ Tiên Vương. Và chàng đã làm ra bánh chưng và bánh giầy. Bánh chưng hình vuông là tượng Đất. Bánh giầy hình tròn là tượng Trời. Nhờ hai thứ bánh này mà vua Hùng đã chọn Lang Liêu là người nối ngôi.

- Cũng từ đó, nước ta có tục làm bánh chưng, bánh giầy vào ngày Tết.

Truyện “Bánh chưng, bánh giầy” cho em ấn tượng tốt dẹp về tinh thần lao động cần cù vù sáng lạo của cha ông ta

- Là con trai của vua nhưng Lang Liêu quanh năm lao động cần cù. “Từ khi lớn lên, ra ở riêng chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai.

- Lang Lieu là một người lao động rất sáng tạo. Thần chỉ mách báo Lang Liêu lấy lúa gạo làm bánh để tế lễ Tiên Vương. Từ lời dặn còn chung chung đó, Lang Liêu đã tự mình nghĩ ra cách làm hai loại bánh.

+ “Chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ”. Chàng làm được thứ bánh hình vuông mà vua cha đặt tên là bánh chưng vì đó là tượng Đất.

+ “Củng thứ gạo ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn". Chàng Lang Liêu đã làm được thứ bánh hình tròn mà vua cha đặt tên là bánh giầy vì đó là tượng Trời.

- Phái là người có óc sáng tạo, Lang Liêu mới nghĩ ra cách làm hai thứ bánh đó.

* Câu chuyện hàm chứa một bài học giáo dục sâu sắc

- Bánh giày tượng Trời. Bánh chưng tượng Đất. “Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Lá bọc ngoài mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”. Lời nhận xét về bánh chưng thực ra là một lời nhắc nhở con cháu, nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

- Truyện “Bánh chưng, bánh giầy” còn có một ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện cho ta thấy tầm nhìn xa trông rộng của vua Hùng: “Giặc ngoài đã dẹp yên. Nhưng dân có ấm no, ngai vàng mới vững”. Như vậy, vua Hùng đã lấy dân làm gốc, coi trọng nghề nông, quý hạt gạo, biết ơn tổ tiên... trong việc giữ nước.

b). Cảm nhận về mặt nghệ thuật của tác phẩm

- Trong truyện “Bánh chưng, bánh giầy” có yêu tố hoang đường, kì ảo. Đó là nhân vật thần xuất hiện trong giấc mộng của Lang Liêu. Thần bảo Lang Liêu: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thỉ mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”.

- Việc thần xuất hiện giúp Lang Liêu thể hiện mong muốn chính đáng của nhân dân ta. Thần chỉ xuất hiện giúp đỡ Lang Liêu chứ không giúp đỡ những người con trai khác của vua. Lang Liêu là người thiệt thòi nhất trong những người con trai của vua Hùng. Lang Liêu siêng năng, cần cù và sáng tạo. Lang Liêu xứng đáng để được thần giúp đỡ. Nhất định, nối ngôi cha, Lang Liêu sẽ là một ông vua nhân đức, hiểu dân, biết yêu quý nghề nông, một nghề cơ bản của dân tộc.

- Trong truyện có rất nhiều hình ảnh quen thuộc đời thường: thịt mỡ, đậu xanh, lá dong, gạo nếp,... Những hình ảnh này mỗi người dân đều biết. Có lẽ vì vậy mà khi nói đến sự tích bánh chưng, bánh giầy, không ai không biết.

3. Phần Kết bài

- Mỗi khi được cùng ông nội ngồi bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng sôi ùng ục trên bếp, em lại nhớ đến câu chuyện về bánh chưng, bánh giầv.

- Ngày nay, người ta có thể đun bánh chưng bằng ga, bằng than, nhưng sao em vẫn thích nhất bánh chưng được đun bằng củi. Em thèm được cùng anh chị em nếm những chiếc bánh chìa (bánh gói nhỏ bằng 1/4 bánh chưng) vừa được vớt ra từ nồi bánh chưng của ông nội.

- Em yêu quý phong tục làm bánh chưng, bánh giầy của dân tộc. Em mong muốn phong tục này đừng bao giờ bị quên lãng trong cái Tết cổ truyền. Thiếu bánh chưng bánh giầy là thiếu hẳn hương vị ngày Tết.

Nguyễn Bảo Trung
13 tháng 10 2017 lúc 22:05

Trong truyện cổ dân gian, sự xuất hiện của Thần, Tiên, Bụt, Phật,… đã tạo nên yếu tô" hoang đường, yếu tô" kì diệu. Những nhân vật siêu nhiên ấy nhằm giúi đỡ, độ trì người nghèo, bênh vực kẻ yếu, ban phép lạ cho người tốt, trừng phạt bọn xấu xa, gian ác trong cuộc đời. Truyện cổ "Sự tích bánh chưng, bánh giầy" cũng có nhân vật Thần. Thần xuất hiện trong giấc mộng, mách bảo cho Lang Liêu làm bánh để lễ Tiên Vương. Nói rằng: "Nhờ có Thần mách bảo mà Lang Liêu mới được nối ngôi vua" tuy đứng, nhưng chưa thật đầy đủ. Chưa thật đầy đủ ở điểm nào? Vì ý kiến ấy chưa đề cập đến yếu tố con người, vai trò con người. Đó là Lang Liêu và nhà vua.

Lang Liêu là một ông hoàng "chỉ chăm lo việc đồng úng trồng lúa, trồng khoai…". Đó là một ông hoàng giàu nhân đức, rất cần cù, sông gần dân, biết trọng nghề nông là nghề căn bản của dân tộc. Ông mồ côi mẹ, một ông hoàng bị "lép vế" trong hoàng tộc nên mới được Thần hiến kế và độ trì. Chuyện kể Lang Liêu gặp Thần trong giấc mộng, cố nghĩa là Lang Liêu được lòng dân, bởi lẽ: "Thần bảo như nhân bảo".

Lang Liêu là một con người rất sáng tạo. Thần chỉ nói về giá trị của gạo, và mách bảo Lang Liêu nên lấy gạo để làm bánh, chứ không chỉ vẽ cách thức cụ thể làm bánh ra sao – Thế nhưng Lang Liêu đã biết lấy gạo nếp đem vo sạch, lấy đỗ đãi và thịt lợn làm nhân, lấy lá giong gói thành bánh hình vuông đem nấu chín; biết đồ gạo nếp, giã nhuyễn, nặn thành hình tròn. Lang Liêu đã sử dụng chất liệu hương vị sẩn có của nhà nông, của quê hương xứ sở, sáng tạo thành 2 thứ bánh rất ngon. Anh rất xứng đáng nhận mọi phần thưởng cao quý.

Bánh của Lang Liêu sáng tạo nên không chỉ ngon mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp. Bánh giầy tượng Trời; bánh chưng tượng Đất. Thịt mỡ, đậu xanh, lá giong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Có thể nói đó là sự hòa hợp giữa con người với đất trời, thiên nhiên tạo vật. Lá giong bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau. Vua Hùng qua chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá giong mà nêu cao bài học thương yêu đoàn kết. Nhà vua ngầm nhắc các hoàng tử và quần thần bài học giữ nước. Bánh chưng bánh giầy với biểu tượng cao quý ấy đã thể hiện cái tâm và cái tài, nhất là lòng trung hiếu của Lang Liêu. Lang Liêu đã làm vừa ý vua cha, biết nôi chí vua cha, xứng đáng được vua Hùng truyền ngôi báu, có Tiên Vương chứng giám.

Truyện cổ tích này đã giải thích nguồn gốc và tính nhân văn của bánh chưng, bánh giầy. Truyện đã biểu lộ niềm tự hào về một nét tuyệt đẹp: hương vị của đất nước ta rất phong phú, hương vị Tết cổ truyền dân tộc rất đậm đà. Và đó chính là bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa, nền văn hiến Việt Nam.

Sâu xa hơn nữa, "Sự tích bánh chưng, bánh giầy" còn thể hiện ý thức lấy nước, lấy dân làm gốc, coi trọng nghề nông, quý hạt gạo, biết ơn tổ tiên, kính Trời, Đất với tất cả tấm lòng hồn hậu, chân thành của con người Việt Nam chúng ta,

Nguyễn Bảo Trung
13 tháng 10 2017 lúc 22:07

2.

1. Phần Mở bài

- Nhà thơ Tố Hữu đã có những dòng thư tuyệt vời khi viết về nhân vật Thánh Gióng:

“Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng

Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân

Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa

Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân.”

- Thánh Gióng là nhân vật chính của truyền thuyết cùng tên. Đây là một truyền thuyết hay nhất về chủ đề chống giặc ngoại xâm của cha ông ta xưa kia. Truyện thể hiện tinh thần yêu nước thiết tha, sức mạnh phi thường của con người đất Việt trong buổi bình minh của lịch sử.

Sức mạnh phi thường ấy được thể hiện qua hình tượng nhân vật Thánh Gióng với tầm vóc cao cả, kì vĩ.

- Em yêu thích truyện không phải chỉ bởi nội dung sâu sắc mà còn bởi nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện thật độc đáo.

2. Phần Thân bài

a). Cảm nhận tác phẩm về mặt nội dung

- Em yêu thích truyện Thánh Gióng trước hết vì truyện thể hiện được tinh thần yêu nước căm thù giặc của cha ông ta trong buổi bình minh của lịch sử chống giậc ngoại xâm.

- Đất nước Văn Lang bị giặc Ân xâm chiếm. Chúng đã gieo rắc bao đau thương xuống cuộc sống của dân lành.

- Nhà vua cho sứ giả đi rao khắp thiên hạ tìm người tài giỏi cứu nước. Một nhân tài đã kịp xuất hiện để đánh đuổi giặc Ân. Đó là Thánh Gióng.

- Mẹ Gióng mang thai tới 12 tháng mới sinh ra Gióng. Mặt mũi Gióng khôi ngô. Nhưng đã ba tuổi rồi mà cậu bé vẫn không biết nói cười. Vậy mà tiếng nói đầu tiên cậu cất lên trong đời lại chính là tiếng nói đòi đánh giặc cứu nước. Phải chăng ba năm im lặng của Gióng là ba năm dồn nén để chuẩn bị cho sức mạnh của lòng yêu nước bùng lên mạnh mẽ. “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lủ giặc này”. Tiếng nói đòi đánh giặc cứu nước của Thánh Gióng là tiếng lòng của toàn dân tộc. Nó có sức âm vang khắp núi sông và vọng đến muôn đời.

* Truyện Thánh Gióng còn cho em thấy được sức mạnh của sự đoàn kết

- Sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Hai vợ chồng không đủ để nuôi con. Bà con, làng xóm vui lòng gom góp để nuôi Gióng. Vì ai củng mong Gióng giết giặc cứu nước. Gióng lớn lên, mạnh mẽ không chỉ bằng vật chất của cha mẹ mà bằng cả sự đóng góp của dân làng. Điều đó khẳng định rằng, nhân dân ta biết đoàn kết một lòng để tạo nên sức mạnh chống giặc ngoại xâm khi đất nước lâm nguy.

* Truyện Thánh Gióng làm rung động tâm hồn em bởi sự thông minh, mưu trí và dũng cảm của chàng trai làng Gióng.

- Hình ảnh Gióng “vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt” là hình ảnh rất đẹp. Hình ảnh ấy in đậm trong tâm trí em từ thuở em còn thơ bé cho đến bây giờ.

- Một hình ảnh nữa cũng làm em không bao giờ quên chính là hình ảnh Thánh Gióng đánh giặc. ‘‘Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí mấy tiêng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lữa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón dầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. So sánh lực lượng giữa hai bên, ta mới thấy được sức mạnh và lòng dũng cảm của Thánh Gióng. Một bên chỉ là chàng trai với con ngựa sắt, bộ giáp sắt, cái roi sắt. Còn bên là lủ giặc Ân hung bạo. Thế nhưng, giặc xâm lăng đã chết như rạ trước sức mạnh và lòng dũng cảm của chàng trai.

- Khi roi sắt gẫy, Thánh Gióng đã rất thông minh và mưu trí nhổ ngay bụi tre bên đường quật vào quân giặc. Với vũ khí thô sơ trong tay, Thánh Gióng đã làm cho giặc tan vở. Chúng dẫm đạp lên nhau chạy trốn. Thật nhục nhã cho những kẻ đi xâm lược. Sự thông minh của Thánh Gióng trong đánh giặc phần nào đã thể hiện được sự thông minh của ông cha ta trong chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.

* Truyện Thánh Gióng ca ngợi người anh hùng vô tư không màng danh lợi

- Khi giặc tan, Thánh Gióng một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc Sơn, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.

- Bản thân Thánh Gióng không màng danh lợi nhưng nhân dân ngàn đời thì không quên công ơn của vị anh hùng đánh giặc cứu nước. Nhà vua đã phong cho Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Hằng năm, vào tháng tư, nhân dân mở hội thật lớn, thật vui để thể hiện tấm lòng biết ơn của mình đối với vị anh hùng cứu nước.

b). Cảm nhận về mặt nghệ thuật của truyện Thánh Gióng

- Thánh Gióng là truyền thuyết có nhiều yếu tố kì ảo.

+ Người mẹ ra đồng, thấy vết chân rất to, đạt chân mình lên ướm thử và về thụ thai.

+ Người mẹ mang thai tới 12 tháng.

+ Chú bé Gióng vươn vai và biến thành một tráng sĩ. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật.

+ Ngựa sắt phun ra lửa.

+ Người và ngựa hay lên trời.

Tất cả những yếu tố kì ảo trên tạo cho câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Hình tượng Thánh Gióng trở nên kì vĩ, lung linh. Và hình tượng tuyệt đẹp ấy nói lên trí tưởng tượng diệu kì và khát vọng thắng giặc ngoại xâm của ông cha ta trong buổi bình minh của lịch sử.

- Những chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm là những hình ảnh vô cùng quen thuộc và gần gũi với người lao động. Đó là hình ảnh những hạt gạo của bà con nuôi Gióng, là hình ảnh bụi tre bên đường,.... Tất cả những hình ảnh ấy góp phần làm nên một Thánh Gióng vừa phi thường vừa gần gũi.

3. Phần Kết bài

- Hình tượng Thánh Gióng với nhiều màu sắc thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước của ông cha ta.

- Truyện Thánh Gióng thế hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm.

Nguyễn Bảo Trung
13 tháng 10 2017 lúc 22:07

Truyện cổ dân gian Việt Nam vô cùng phong phú và luôn mang trong mình một vẻ đẹp của tinh thần nhân văn cao quý. Câu chuyện, cảnh vật, con người... được nói đến trong truyện cổ dân gian rất gần gũi, thân thiết với cuộc sống vật chất và tâm hồn của mỗi con người Việt Nam chúng ta. Từ truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích cho đến truyện cười, truyện ngụ ngôn,... mỗi truyện đều có một sắc thái riêng, ý vị riêng và thật đáng yêu, đáng nhớ.
Thánh Gióng là một trong những truyện cổ phản ánh sức mạnh Việt Nam từ thuở bình minh của dân tộc vào thời đại vua Hùng Vương thứ 6. Hơn thế nữa, Thánh Gióng còn là một truyện cổ tràn đầy tinh thần yêu nước với hình tượng nghệ thuật đẹp, được xây dựng bằng một tầm vóc cao cả, kì vĩ
Trước hết, truyện Thánh Gióng tràn đầy tình yêu nước - đất nước Văn Lang thân yêu bị giặc Ân xâm lăng. Thế giặc như sóng dữ tràn tới. Làng xóm ta bị giặc đốt phá, nhân dân ta bị giặc tàn sát dã man. Nhà vua kêu gọi bậc hiền tài ra đánh giặc cứu nước. Mới lên ba tuổi, Gióng đã đứng lên ứng nghĩa, đáp lại lời kêu gọi của non sông. Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói yêu nước, nêu cao khí phách anh hùng, quyết tâm đánh giặc, đền ơn vua, trả nợ nước. Một tiếng nói vang dội núi sông đến muôn đời:
- Nhà ngươi hãy về tâu với Đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt, một áo giáp sắt, ta sẽ đánh tan lũ giặc này!
Sau khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không no, áo mới may mặc đã chật. Nhà mẹ Gióng lại rất nghèo. Cả làng thương Gióng, bà con đem cơm gạo, lụa vải đến để nuôi Gióng. Tình tiết ấy nói lên rằng, khi Tổ quốc lâm nguy, nhân dân ta đã biết đoàn kết một lòng, đem nhân tài, vật lực ra đánh giặc cứu nước.
Trên chiến trường, Gióng thúc ngựa sắt xông vào lũ giặc. Ngựa sắt phun lửa. Gióng vung roi sắt đánh cho giặc Ân tơi bời, kinh hồn bạt vía.
Roi sắt gãy khi trận đánh đang diễn ra ác liệt. Gióng mưu trí nhố’ tre làm vũ khí quật vào quân cường bạo. Giặc chết như ngả rạ. Gióng đã biến cái gộc tre bình dị thành vũ khí vô cùng lợi hại để tiêu diệt kẻ thù.
Hình ảnh người con trai làng Gióng xông pha giữa rừng tên mũi giáo của giặc Ân, lúc thì vung roi sắt đánh giặc, lúc thì nhổ tre quật giặc đã thể hiện tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí vô song và sức mạnh vô địch của người anh hùng dân tộc trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Đánh tan giặc, Gióng cùng ngựa sắt bay về trời. Vua sai lập đền thờ, truy phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Thánh Gióng đã trở thành một người anh hùng bất tử, được nhân dân ta đời đời ngưỡng mộ và biết ơn.
Có thể nói, chàng trai làng Gióng là một anh hùng thần thoại, cuộc đời lấp lánh chiến công. Truyện Thánh Gióng mãi mãi là bài ca yêu nước, thể hiện sức mạnh quật khởi của dân tộc ta.
Thánh Gióng còn là một truyện cổ thần kì có hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp. Từ dấu chân người khổng lồ trên ruộng cà, đến cái vươn vai của chú bé làng Gióng thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt đã thể hiện một cách hào hùng bước đi lên của lịch sử dân tộc và sức mạnh vươn mình của đất nước ta trước họa xâm lăng. Ngựa sắt phun lửa, hí vang trời. Gióng vung roi sắt đánh giặc, nhổ tre quật vào đầu giặc tơi bời, truy kích đến chân núi Sóc Sơn thì giặc tan. Gióng cởi áo giáp sắt mắc lên cành cây, Gióng cùng ngựa sắt bay lên trời. Những hình tượng tuyệt đẹp ấy nói lên trí tưởng tượng kì diệu, ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta.
Truyện Thánh Gióng vừa có hình tượng tuyệt đẹp, vừa tràn đầy tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Hình tượng Thánh Gióng đánh giặc và thắng giặc tượng trưng cho lòng yêu nước mãnh liệt và sức mạnh anh hùng quật khởi của đất nước và con người Việt Nam.
Truyện Thánh Gióng bồi đắp tâm hồn tuổi thơ niềm tự hào dân tộc. Thánh Gióng đã đem đến cho ta giấc mơ đẹp:
"Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng

Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân

Cưỡi llưng ngựa sắt bay phun lửa

Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân!"
(Tố Hữu)

Nguyễn Bảo Trung
13 tháng 10 2017 lúc 22:07

3.

1. Phần Mở bài

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”.

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

- Quả đúng như vậy, truyện cổ dân gian nói chung, truyện cổ tích Thạch Sanh nói riêng đã đem đến cho thế giới tuổi thơ của em bao điều kì thú, bao giấc mơ đẹp bởi sự tuyệt vời và sâu xa của nó.

- Em yêu thích truyện Thạch Sanh từ thời em còn thơ bé. Hình ảnh người dũng sĩ Thạch Sanh đã in đậm trong tâm trí của em và lưu giữ mãi trong em cho đến tận bây giờ.

- Mỗi khi đọc truyện Thạch Sanh, em lại như thấy hiện lên trước mắt mình hình ảnh chàng dũng sĩ đang dương cung bắn đại bàng...

2. Phần Thân bài

a). Cảm nghĩ về nội dung tác phẩm

* Em yêu thích truyện trước hết bởi em cảm thương cho hoàn cảnh của Thạch Sanh.

- Cha mất khi Thạch Sanh chưa chào đời. Mẹ mất khi Thạch Sanh vừa khôn lớn. Thạch Sanh sống lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Cả gia tài chí có một lưỡi búa của cha để lại. Thạch Sanh sống bằng nghề đốn củi.

- Thạch Sanh không có ai là người thân. Khi có Lý Thông muốn kết nghĩa anh em với mình, Thạch Sanh hiền lành, thật thà, chât phác đã cảm động và vui vẻ nhận lời. Thật tội nghiệp cho một Thạch Sanh hiền lành và chất phác mà không nơi nương tựa.

* Em yêu thích truyện Thạch Sanh vì câu chuyện lên án những kẻ gian xảo, mưu mô, độc ác.

Truyện lên án Lý Thông, một kẻ tham lam, mưu mô và độc ác.

- Lý Thông kết nghĩa với Thạch Sanh không phải để anh em yêu thương, đùm bọc lẫn nhau mà chí để lợi dụng sức khỏe của Thạch Sanh mà thôi. Hắn nghĩ “Người này khỏe như voi. Nó về ở cùng thì lợi biết bao nhiêu”.

- Đến lượt Lý Thông đi nộp mình cho chằn tinh nhưng lại lừa Thạch Sanh đi thay. Khi Thạch Sanh giết được chằn tinh thì Lý Thông lại tìm cách đuổi Thạch Sanh đi và cướp công của Thạch Sanh. Lý Thông thật là một kẻ mưu mô và đáng ghét.

- Khi nhà vua sai Lý Thông đi tìm công chúa bị mất tích, Lý Thông lại tìm cách lợi dụng Thạch Sanh. Hắn cho dân mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng tin về Thạch Sanh. Khi gặp Thạch Sanh, Lý Thông nói về việc tìm công chúa. Thạch Sanh thật thà kể lại cho hắn nghe. Và hắn đã nhờ Thạch Sanh giúp đỡ. Lý Thông đúng là một kẻ mưu mô xảo trá.

- Khi Thạch Sanh đã cứu được công chúa, Lý Thông liền lấp cửa hang nhằm giết chết Thạch Sanh để cướp công. Điều đó chứng tỏ Lý Thông là một kẻ vô cùng độc ác.

- Qua một loạt những lời nói, hành động của Lý Thông, tác giả dân gian đã vạch trần bản chất xấu xa, mưu mô, xảo quyệt, độc ác của mẹ con nhà hắn. Đó cũng chính là lời tố cáo của những người dân lao động đối với những kẻ xấu xa trong xã hội.

* Em yêu thích truyện Thạch Sanh vì truyện ca gợi tài năng và lòng vị tha của người lao dộng.

- Truyện ca ngợi tài năng của Thạch Sanh. Tài năng ấy được đem ra trừ diệt bọn yêu quái yêu tinh, nhằm bảo vệ cuộc sống cho dân được yên bình.

+ Chằn tinh là con yêu quái có nhiều phép lạ, có sức mạnh ghê gớm. Nó thường ăn thịt người. Người người đều khiếp sợ. Quan quân đã nhiều lần bổ vây định diệt trừ nhưng không thể làm gì được. Vậy nhưng chỉ một mình, Thạch Sanh đã giết được chằn tinh “Chằn tinh hóa phép, thoắt biến, thoát hiện. Thạch Sanh không nao núng, dùng võ thuật đánh con quái vật. Chỉ một lúc, lưỡi búa của chàng đã xé xác nó làm hai..."

+ Đại bàng là một con yêu tinh có nhiều phép lạ nhưng cũng chết thảm hại bởi sức mạnh và tài năng của Thạch Sanh: “Nó vùng ngay dậy, vung cánh, chĩa vuốt lao đến. Thạch Sanh dùng cung tên vàng bắn mù hai mắt, vung búa chật đứt vuốt sắc, bổ vỡ cái đầu con quái vật.. ".

+ Tài năng của Thạch Sanh còn thế hiện qua tiếng đàn. Bằng tiếng đàn, chàng đã chinh phục được quân của mười tám nước chư hầu.

- Truyện ca ngợi lòng vị tha của Thạch Sanh.

+ Lý Thông tìm mọi cách để hãm hại Thạch Sanh. Nhưng khi nhà vua cho Thạch Sanh toàn quyền xử tội hai mẹ con nhà Lý Thông, Thạch Sanh đã không giết mà tha cho hai mẹ con hắn về quê làm ăn. Trời đã không tha cho kẻ xấu xa, độc ác. Mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, bị hóa kiếp thành bọ hung, suốt đời chui nhủi trong bẩn thỉu. Hành động tha tội cho mẹ con Lý Thông của Thạch Sanh thế hiện đức độ lượng, lòng nhân ái bao dung cao đẹp của chàng dũng sĩ cũng là của nhân dân ta.

+ Hoàng tử mười tám nước chư hầu đã từng bị công chúa từ hôn rất tức giận khi nghe công chúa được gả cho Thạch Sanh, người trai nghèo làm nghề đốn củi thì kéo quân sang đánh. Thạch Sanh không dùng mũi tên vàng, búa thần để giao tranh với quân mười tám nước mà chỉ dùng tiếng đàn để đẩy lui quân giặc. Tiếng đàn phân tích phải trái, đúng sai. Tiếng đàn đã làm cho quân mười tám nước phải cúi đầu xin hàng. Tiếng đàn của Thạch Sanh là tiếng đàn của chính nghĩa, tiếng đàn của hòa bình.

+ Khi quân mười tám nước chư hầu xin hàng, Thạch Sanh còn sai thết đãi những kẻ thua trận một bửa cơm. Chỉ một niêu cơm nhỏ thôi mà quân mười tám nước ăn không sao hết được. Cơm cứ vơi lại đầy. Niêu cơm thần chính là niêu cơm của lòng vị tha, lòng nhân đạo của ông cha ta đối với kẻ thù khi chúng đã đầu hàng.

b). Cảm nghĩ về nghệ thuật của tác phẩm

- Truyện được kết cấu theo trình tự thời gian. Việc gì xảy ra trước kể trước. Việc gì xảy ra sau kể sau. Cách kể theo trình tự thời gian giúp người nghe dễ nhớ dễ hiểu.

- Truyện có nhiều yêu tà kì ảo hoang đường. Đó là con chằn tinh, yêu tinh, bộ cung tên vàng, cây đàn, niêu cơm thần, các phép biến hóa thần thông.... Yêu tà kì ảo hoang đường này làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn và lí thú...

- Những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống lao động trong tác phẩrn góp phần làm cho câu chuyện gần gũi, gắn bó hơn với người lao động. Có lẽ vì thế mà không chỉ tuổi thơ chúng em mà người lớn cũng mãi nhớ về chàng dũng si Thạch Sanh giết chằn tinh, yêu tinh, đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước.

3. Phần Kêt bài

- Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng, cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa, mưu mô độc ác và chống giặc ngoại xâm.

- Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin và đạo đức, công lí xã hội, lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.

- Truyện có nhiều chi tiết tưởng tượng thần kì độc đáo và giàu ý nghĩa.

Em yêu thích truyện cổ tích Thạch Sanh bởi vẻ đẹp lung linh về nội dung cũng như về nghệ thuật có nhiều yếu tố thần kì độc đáo của tác phấm.

Nguyễn Bảo Trung
13 tháng 10 2017 lúc 22:08

Thạch Sanh là một truyện cổ tích kì diệu nhất trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Hình ảnh chàng dũng sĩ chém Trăn tinh, bắn Đại bàng; cây đàn thần, niêu cơm thần của chàng dũng sĩ đã đem đến cho thế giới tuổi thơ bao kỳ thú, bao giấc mơ đẹp.

Thạch Sanh là con Trời. Vợ chồng Lục ông hiền lành, tốt bụng, gần xa ai ai cũng quý mến. Ngọc Hoàng đã thương tình cho thái tử xuống trần đầu thai. Khác với người trần, Thạch Sanh nằm trong bụng mẹ (Lục bà) nhiều năm mới cất tiếng chào đời. Yếu tố hoang đường ấy tạo nên chất kỳ diệu của truyện ca ngợi tính phi thường của Thạch Sanh. Vợ chồng Lục ông đã được Ngọc Hoàng thương cho đứa con trai khôi ngô tuấn tú nối dõi tông đường. Đó là niềm tin của dân gian: ở hiền gặp lành.

Mọi thứ hạnh phúc đều có giá và phải trả giá. Con đường của Thạch Sanh cũng đầy gian truân. Phải chăng Ngọc Hoàng thử thách Thái tử? Mồ côi cả bố lẫn mẹ. Nhà nghèo, một túp lều ở gốc đa. Chỉ một chiếc búa cùn, chỉ có một nghề kiếm củi độ thân. Tuổi thơ chàng bơ vơ, thật đáng thương! Thiên thần đã đến với đứa con mồ côi: dạy võ nghệ, các phép thần thông biến hoá, và trao cho chiếc búa thần. Qua các chi tiết hoang đường ấy, nhân dân gửi gắm bao ước mơ: phải có sức mạnh vô địch để sống, để tồn tại, để chiến thắng!

Cuộc đời Thạch Sanh là những năm tháng đầy gian truân thử thách, chiến công nối tiếp chiến công.

Thạch Sanh đến miếu thần là để thế mạng cho Lý Thông. Nhưng chàng đâu có biết? Trăn tinh là một yêu quái khổng lồ, có nanh sắc, có nọc độc, có sức mạnh ghê gớm, lại biết tàng hình, lắm phép lạ, người đời khiếp sợ, vua quan chịu bó tay. Trăn tinh xuất hiện bất ngờ khi Thạch Sanh đang lim dim mắt nằm ngủ... Trong thế bị động, nhưng Thạch Sanh cực kỳ dũng cảm, tài trí đã dùng phép lạ và búa thần giáng trả quái vật. Trăn tinh bị Thạch Sanh chém giết, bị cắt đầu, bị bổ xác. Chàng thu được một bộ cung tên vàng. Thạch Sanh đã diệt trừ quái vật, trừ hậu hoạ cho nhân dân. Chàng dũng sĩ có thêm vũ khí mới: cung tên thần. Thạch Sanh đã có búa thần đế đánh gần, đánh ở tầm thấp, giờ đâý lại có thêm cung tên thần, đế đánh ở tầm cao, tầm xa. Thử hỏi, kẻ thù nào địch nổi chàng dũng sĩ?.

Đại bàng là một kẻ thù rất nguy hiểm vì nó ở trên trời, lại có hang sâu bí mật. Thái tử con vua Thuỷ tề còn bị Đại bàng bắt sống, giam giữ trong cũi sắt! Công chúa con vua còn bị Đại bàng quắp đi giữa thanh thiên bạch nhật trong lễ hội kén phò mã trước mắt bá quan văn võ và đông đủ anh tài trong thiên hạ! Thạch Sanh chỉ bắn một mũi tên vàng đã làm cho Đại bàng bị trọng thương. Lần theo vết máu, dũng sĩ tìm đến hang ổ ác điểu. Đại bàng có mỏ sắc, vuốt nhọn, có sức mạnh ghê gớm lao tới mổ, cắn xé Thạch Sanh. Vung búa thần giáng trả, dùng cung tên thần bắn mù hai mắt quái vật. Đại bàng bị giết, bị phanh xác. Một kẻ thù nguy hiểm nữa của nhân dân đã bị chàng dũng sĩ tiêu diệt! Chiến công diệt Đại bàng là một kì tích vì Thạch Sanh đã cứu được nàng công chúa và Thái tử con vua Thuỷ tề. Chiến công chấn động cõi đời mà còn vang động tới vương quốc Thuỷ tề. Từ thuỷ phủ trở về, Thạch Sanh chỉ cầm trong tay một cây đàn thần làm kỉ niệm một chuyến viễn du thú vị. Chàng lại trở về gốc đa, chốn cũ yêu thương. Với chàng dũng sĩ thì vàng bạc châu báu cũng như dinh thự nguy nga, của ngon vật lạ đều trở nên xa lạ. Túp lều gốc đa là nơi chàng đã sinh ra, lớn lên, với bao kỷ niệm buồn vui. Thạch Sanh trở về gốc đa, một tình tiết, phải chăng nói lên quan niệm nhân sinh tốt đẹp của nhân dân thời xưa: Một túp lều tranh, một trái tim vàng?

Với Thạch Sanh, cây đàn thần không phải là một nhạc cụ để mua vui mà là một vũ khí vô cùng linh nghiệm. Nơi chàng đánh đành, gảy đàn là trong ngục. Tiếng đàn để giãi bày. Tiếng đàn như một thứ "thần dược" làm cho công chúa đang bị câm nghe tiếng đàn mà nói lên được! Nhờ tiếng đàn mà chàng dũng sĩ đưọc gặp lại người đẹp, rồi được minh oanh, để vạch trần bộ mặt thật của Lý Thông, tên bán rượu xảo quyệt, cướp công, độc ác, âm mưu hãm hại người... Thạch Sanh không dùng búa thần, cung tên thần để giao tranh với tướng sĩ 18 nước chư hầu, mà chỉ dùng đàn thần để lui giặc. Đó là tiếng đàn hoà bình. Niêu cơm Thạch Sanh là niêu cơm hàng vạn người ăn mãi không hết; niêu cơm ấm no, hạnh phúc. Đàn thần và niêu cơm thần đã góp phần tô đậm vẻ đẹp kì diệu truyện Thạch Sanh.

Thạch Sanh tha tội cho Lý Thông, kẻ đã cướp công và hãm hại mình. Hành động ấy thể hiện đức dộ lượng, lòng nhân ái bao dung cao đẹp.

Nhân vật Thạch Sanh thật đẹp. Với búa thần, cung tên vàng, đàn thần, với võ nghệ và phép thần thông biến hoá, chàng dũng sĩ đã chém Trăn tinh, giết Đại bàng, trừ diệt cái ác, tai hoạ cho nhân dân, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đem lại hoà bình. Thạch Sanh đã trải qua bao gian truân thử thách, lấp lánh bao chiến công hiển hách. Anh đã được kết duyên với công chúa, chàng đã thể hiện ước mơ của nhân dân, những ước mơ hồn nhiên, trong sáng và rất đẹp. Thật vậy, truyện Thạch Sanh là một truyện cổ tích thần kì, nói lên một giấc mơ đẹp của nhân dân ta bao đời nay.


Các câu hỏi tương tự
Minamoto Sakura
Xem chi tiết
Love Football
Xem chi tiết
Khánh Linh Nguyễn
Xem chi tiết
CÔNG CHÚA CỦA BA
Xem chi tiết
Trân Võ Mai
Xem chi tiết
Đỗ Thị Thanh Nhàn
Xem chi tiết
cấn hồng ánh
Xem chi tiết
phan ngọc minh thư
Xem chi tiết
Love Football
Xem chi tiết