Rèn luyện kĩ năng

Nội dung lý thuyết

Nhiệm vụ 3: Tự bảo vệ khi có bão.

1. Hãy cùng người thân thực hiện những việc làm sau để tự vệ trước khi có bão.

Bảo vệ tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm công nghiệp.Xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi nơi không đảm bảo an toàn, đề phòng nước dâng.Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, các vật dụng thiết yếu đủ dùng trong bảy ngày.

2. Nhận diện dấu hiệu của bão và thực hiện tự bảo vệ khi có bão.

- Nêu những hiện tượng báo hiệu bão.

VD: 

+ Quan sát các hiện tượng trên biển:

Sóng: trước khi bão đến, sóng biển bị gió bão thổi dồn thành từng đợt sóng lừng truyền đi trước bão 1.500 – 2.000 km, nhưng rõ rệt nhất là khi tâm bão còn cách xa chừng 1.000 km, lúc đó chưa có dấu hiệu gì về áp suất và gió. Sóng lừng do bão gây ra có hướng trùng với hướng di chuyển của bão. Sóng được truyền đi dưới tác dụng của gió có hướng khá ổn định.

Nước biển: khi bơi hay lặn xuống nước cảm thấy nước biển nóng hơn bình thường, đồng thời thấy cá chết nổi lềnh bềnh thì sắp có bão. Hoặc khi lặn xuống nghe có tiếng réo ầm ầm từ xa tới, tiếng réo phía nào thì bão ở phía đó. Bình thường trong những ngày trời yên biển lặng thì biển ít có tiếng động.

Khi ngoài biển có bão, gió to sóng lớn làm cho biển động réo ầm ầm, bà con ngư dân còn gọi là “biển kêu”, do tiếng động truyền đi trong nước nhanh hơn trong không khí.

Một dấu hiệu nữa là sóng bão dồn vào bờ làm cho nước biển có mùi hôi tanh (của các vật từ dưới đáy biển xông lên), điều này rất dễ nhận thấy và là một hiện tượng báo hiệu là sắp có bão. Hoặc những giống tôm cua nhỏ thường sống ở những hòn đá ẩm ướt trên bãi biển, trước khi bão đến chúng thường rúc vào những đám cỏ gần bờ biển, những con sứa trắng trong lập lờ gần mặt nước biển cũng từ từ bơi ngược ra ngoài khơi, các loài chim biển như hải âu, hải yến chuyên sinh sống ngoài biển, rất ít khi bay vào bờ, chỉ khi nào có bão chúng mới kéo nhau từng đàn, từng lũ bay vào sâu trong đất liền lánh nạn, đó cũng là dấu hiệu ngoài khơi đang có bão.

+ Quan sát mây và các hiện tượng quang học:

Trước khi có bão bầu trời quang đãng, trong xanh và nắng nóng, oi bức ngột ngạt, sau đó có xuất hiện mây ti, thường xuất hiện khi tâm bão còn cách xa 1.000 km. Mây ti ở rìa bão thường quan sát thấy từng chùm, sợi trắng như lông tơ hoặc như đuôi ngựa, tức hình chữ V, hoặc như một dải lụa mỏng, thường có màu vàng mỡ gà, buổi sớm hay chiều có màu vàng hồng chói hồng hay đỏ thẫm (ngày có dông cũng có mây này nhưng người quan sát lão luyện có thể phân biệt được chỗ khác nhau về bề dày và về rìa mây).

Ca dao tục ngữ có câu:

“Ráng mỡ gà trời gió, ráng mỡ chó trời mưa.”

“Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa.”

Mây này tiến dần vào đất liền theo gần đúng hướng đi của cơn bão. Bão vào gần thì trời sẽ bị một lớp mây che lấp như một tấm màn màu sữa (mây ti tầng). Trên lớp mây này thường có quầng xuất hiện, mây cứ thấp dần, dày dần, đen dần, có khi nổi lên những hình cục. Sau đó khi có mây thấp xuất hiện, màu xám, rải rác, xơ xác, bay rất nhanh và ngày càng nhiều. Lúc đó đã có mưa và gió thổi mạnh.

Kinh nghiệm những người đi biển và quan sát trên đảo cho biết nếu mây có màu nhạt, xung quanh tơi như bông thì báo hiệu một cơn bão lớn và đã hình thành từ lâu; nếu mây rất trắng và từng khối rõ rệt thì báo hiệu cơn bão vừa mới phát sinh, phạm vi nhỏ nhưng mãnh liệt. Hướng di chuyển của mây ti (Ci) là hướng di chuyển của bão. Nếu ta thấy mây ti và Cs không thay đổi suốt một thời gian thì bão đang đi thẳng đến chỗ tàu. Khi đó thấy áp triều bị phá vỡ.

Khi bão tới gần hơn thì thấy mây ti tầng (Cs) gây nên hiện tượng quầng sáng xung quanh mặt trời và mặt trăng. Lúc mặt trời mọc hay lặn, ngoài màu đỏ thẫm thường thấy hàng ngày, còn có màu vàng nhạt làm phản chiếu rõ bóng mây trên nền trời, thậm chí các tia sáng rẽ quạt lúc bình minh, hoặc hoàng hôn có màu xanh lục nhạt, đó là dấu hiệu báo bão cách nơi ta quan sát 80 – 100 km. Khi bão đến gần hơn, thấy có mây trung tích (Ac) bầu trời bị bao phủ một lớp mây như bức màn màu trắng sữa. Sau đó mây thấp dần, sẫm màu và biến thành màu xám xơ xác, rải rác từng cục bay rất nhanh và ngày càng nhiều, đó là khối mây vũ tầng khổng lồ, rồi mưa và gió ập đến, giật từng hồi ngày càng tăng, bầu trời thấp đen nghịt, sóng nổi lên và bão ập đến.

- Khi xảy ra bão, em hãy thực hiện những việc sau:

+ Không trú, tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.

+ Không sử dụng điện thoại khi có sấm sét, không mang vác các vậy dụng bằng kim loại như cuốc, xẻng, búa, liềm,...

+ Trú ẩn nơi an toàn trong công trình kiên cố (nhà ở, trường học,...).

+ Thông tin kịp thời, chính xác: vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ, cứu nạn.

3. Cùng người thân thực hiện một số việc sau để ứng phó sau bão:

- Tiếp tục theo dõi tin bão trên truyền hình, báo đài.

- Kiểm tra những chỗ hư hỏng của nhà để kịp thời sửa chữa.

- Kiểm tra nguồn nước xem có bị nhiễm bẩn không.

Nhiệm vụ 4: Tự bảo vệ trước lũ lụt.

1. Hãy cùng người thân thực hiện những việc làm sau để tự bảo vệ trước lũ lụt.

- Theo dõi thông tin về lũ lụt trên truyền hình, báo đài hoặc loa phóng thanh công cộng. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

- Xác định vị trí an toàn có thể trú ẩn khi có tình huống xảy ra.

- Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc, đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây,...

- Di chuyển nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực, vị trí cao hơn.

2. Khi xảy ra lũ lụt, em hãy thực hiện những việc sau:

- Di chuyển đến nơi cao và an toàn.

- Không lội xuống nước nếu nhìn thấy dây điện hoặc cột điện bị đổ.

- Không đi lại, bơi lội, chơi đùa ở những nơi ngập lụt.

- Mặc áo phao hoặc sử dụng các đồ vật có thể nổi.

3. Thực hiện một số việc sau để ứng phó sau lũ lụt:

- Không đến khu vực gần bờ sông, suối hoặc nơi bị sạt lở.

- Sử dụng màn khi ngủ để tránh côn trùng và muỗi đốt.

- Không dùng lương thực đã bị ngấm nước lụt.

- Vệ sinh môi trường, khử trùng nước sinh hoạt trước khi sử dụng.

Nhiệm vụ 5: Tự bảo vệ khi sạt lở đất.

1. Nhận diện dấu hiệu và tự bảo vệ trước nguy cơ sạt lở:

- Kể tên những dấu hiệu nguy cơ sạt lở mà em biết.

VD: 

Cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sập… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

- Thực hiện những việc làm sau để bảo vệ trước nguy cơ sạt lở:

+ Tìm hiểu khu vực gần nhà đã từng xảy ra sạt lở đất.

+ Quan sát đất quanh nơi ở để phát hiện các dấu hiệu của sạt lở đất.

+ Chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc xẻng, cuộn dây,...

2. Khi xảy ra sạt lở đất, em hãy thực hiện những việc sau:

- Sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

- Di chuyển nhanh ra khỏi nơi sạt lở.

- Không đi lại gần cầu, cống khi nước đang lên, không vớt củi, bơi lội ở sông suối khi có mưa lớn hoặc khi nước chuyển từ trong sang đục.

3. Thực hiện một số việc sau để ứng phó sau sạt lở đất:

- Tránh xa khu vực sạt lở vì nền đất chưa ổn định.

- Không được vào bất kì ngôi nhà nào nếu chưa được người lớn kiểm tra.

Nhiệm vụ 6: Phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.

1. Chia sẻ một số hiểu biết của em về các dịch bệnh thường xảy ra sau thiên tai.

VD: 

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết sau lũ nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường nước, bệnh lây từ động vật sang người, ngộ độc thực phẩm rất cao. Bác sĩ Đạt cũng cho hay dịch bệnh có thể xuất hiện ngay trong lũ, thậm chí kéo dài đến 1 tháng sau khi nước rút. 

Trong thời gian này, nếu không chú ý sẽ bùng phát các dịch lây qua nguồn nước như dịch tả, tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan A, viêm gan E, tiêu chảy do rota virus, bệnh viêm kết mạc, bệnh lý do nhiễm trùng vết thương. Thậm chí bệnh lý liên quan đến bệnh lý do đám đông tập trung khi tránh trú mưa bão.

"Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy dẫn đến thiếu nước sạch sinh hoạt, khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh" - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.

2. Tuyên truyền về cách phòng chống dịch bệnh sau thiên tai: