Nói và nghe: Trình bày ý kiến về những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng

Nội dung lý thuyết

Trong phần Viết ở trên, em đã có dịp chia sẻ tình cảm, suy nghĩ về một con người hoặc sự việc. Chắc hẳn, con người hoặc sự việc mà em lựa chọn để viết đã có tác động đến cuộc sống của nhiều người, để lại cho em những ấn tượng sâu sắc. Trong phần này, em sẽ thực hành trình bày ý kiến về những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Đây cũng là vấn đề được xã hội quan tâm và có những quan niệm khác nhau. Với tư cách người nói, em hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề được bàn sao cho lan tỏa được tới người nghe. Với tư cách người nghe, em hãy chú ý lắng nghe, tôn trọng người nói, ghi nhận những suy nghĩ của người nói.

1. TRƯỚC KHI NÓI

a. Chuẩn bị nội dung bài nói 

- Viết ra giấy các ý chính của bài nói thành dạng dàn ý. Có thể tham khảo một số gợi ý sau:

+ Giới thiệu khái quát suy nghĩ của em về bản chất và vai trò của những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

+ Chỉ ra được những hoạt động thiện nguyện tiêu tiểu: đóng góp tiền của, tham gia hoạt động cứu trợ,... Đối tượng được giúp đỡ có thể là người gặp nạn vì thiên t ai hay dịch bệnh, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ mồ côi,...

+ Nhấn mạnh một số ý nghĩa quan trọng của hoạt động thiện nguyện: giúp cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn; lan tỏa nghĩa cử cao đẹp tới cộng đồng, góp phần làm cho xã hội ngày càng trở nên nhân văn; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta;...

- Đánh dấu những chỗ cần nhấn mạnh, những từ ngữ then chốt, những câu quan trọng mà khi trình bày không thể bỏ qua, như:

+ Câu giới thiệu khái quát suy nghĩ của em về ý nghĩa quan trọng của hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

+ Những từ ngữ thể hiện suy nghĩ của em trước những hành động, việc làm cụ thể của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng,...

+ Những câu nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các hoạt động thiện nguyện.

- Chuẩn bị tranh ảnh, đoạn phim ngắn, bài hát,... liên quan đến các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng (nếu có).

b. Tập luyện 

Để nói tốt, em cần tập luyện trước khi trình bày trên lớp. Em có thể tập luyện trước bạn bè, người thân, lắng nghe góp ý của họ để rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện bài nói. Em cũng có thể đứng trước gương và tập nói một mình.

2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

 

@2841294@@2841352@

 

Khi trình bày, em cần lưu ý:

- Đi vào trọng tâm vấn đề là trình bày, chia sẻ với người nghe suy nghĩ của em về những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Các ý trong bài nói cần được trình bày mạch lạc, sáng rõ.

- Trình bày bài nói theo các ý đã chuẩn bị. Mở đầu, nên giới thiệu rõ ràng, mạch lạc để người nghe nắm bắt được suy nghĩ của em về vấn đề cần trình bày. Ở phần nội dung chính, cần chú ý tập trung vào việc trình bày một số hoạt động tiêu biểu để làm nổi bật ý nghĩa của hoạt động thiện nguyện nói chung, không nên sa đà vào việc liệt kê quá nhiều những hành động cụ thể. Kết thúc bài nói, cần khẳng định lại tầm quan trọng của các hoạt động thiện nguyện đồng thời có thể liên hệ để rút ra bài học cho bản thân.

- Điều chỉnh giọng nói, tốc độ nói phù hợp với nội dung bài nói.

- Sử dụng ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp; thể hiện sự tương tác tích cực với người nghe.

3. SAU KHI NÓI

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người ngheNgười nói

Trao đổi về bài nói với tinh thần xây dựng và tôn trọng. Có thể trao đổi một số nội dung như:

  • Sự nổi bật của vấn đề được trình bày.
  • Sự phù hợp của các lí lẽ, bằng chứng được sử dụng.
  • Những điều khiến em xúc động hoặc có ấn tượng sâu sắc trong bài trình bày của bạn.
  • Sự phù hợp của việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,...) với nội dung bài trình bày.
  • Một vài điểm có thể bổ sung để phần trình bày trở nên hoàn thiện hơn.

Lắng nghe từng ý kiến phản hồi của người nghe với tinh thần cầu thị:

  • Cảm ơn sự đồng cảm của bạn và có thể chia sẻ thêm lí do khiến em chọn nói về những điều này.
  • Trao đổi lại các ý kiến phản biện, bảo vệ ý kiến của em nếu thấy cần thiết; tiếp thu những ý kiến góp ý mà em thấy hợp lí.