Chủ đề 1. Đô thị: Lịch sử và hiện đại

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Vai trò của đô thị đối với sự phát triển vùng

Đô thị đóng vai trò là trung tâm quyền lực và kinh tế của vùng, đất nước hoặc khu vực.

- Là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp.

- Là hạt nhân kinh tế của khu vực, động lực phát triển: tạo việc làm, thúc đẩy kinh doanh, sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động,...

- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: hỗ trợ hiện đại hóa các ngành kinh tế, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao.

- Tăng cường liên kết, hội nhập: đô thị là các đầu mối giao thông, thông tin, trung tâm thương mại, tài chính nên góp phần liên kết các vùng trong nước và quốc tế.

- Lan toả về văn hóa, xã hội: đô thị là trung tâm văn hóa, xã hội, có sức ảnh hưởng đến các vùng lân cận.

- Thúc đẩy tăng trưởng xanh: đô thị đi đầu trong giải quyết khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu.

II. Xu hướng đô thị hoá trên thế giới

1. Quá trình đô thị hoá thời kì xã hội công nghiệp

a. Bối cảnh

- Thời kì xã hội công nghiệp bắt đầu từ nửa cuối thế kỉ XVIII, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Máy móc thay thế lao động thủ công làm cho năng suất lao động tăng lên, kinh tế phát triển mạnh.

- Từ cuối thế kỉ XIX, nền sản xuất cơ khí chuyển sang nền sản xuất điện, cơ cấu lao động thay đổi và số dân ở các trung tâm công nghiệp tăng nhanh.

- Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị tăng liên tục, tuy nhiên có sự khác nhau giữa các nhóm nước.

+ Các nước phát triển: quá trình đô thị hóa diễn ra sớm và gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Quá trình công nghiệp hóa làm gia tăng số dân ở đô thị.

+ Các nước đang phát triển: quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa ở giai đoạn đầu. Quá trình công nghiệp hoá vẫn đang tiếp tục, trình độ đô thị hóa khác nhau làm cho tỉ lệ dân thành thị ở nhóm nước đang phát triển khác nhau. Các đô thị lớn tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ.

b. Đặc điểm

- Quy mô đô thị có xu hướng tăng lên:

+ Năm 1900, thế giới có 1 thành phố trên 5 triệu người (Luân Đôn).

+ Đến năm 1970, toàn thế giới có 18 thành phố trên 5 triệu người, trong đó, thành phố có số dân lớn nhất là Tô-ky-ô (23,3 triệu người).

+ Các thành phố mở rộng do sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng, dịch vụ nên người lao động có thể sinh sống ở xa trung tâm thành phố.

- Đô thị gắn với sản xuất công nghiệp và dịch vụ: 

+ Các thành phố công nghiệp điển hình là Man-chét-tơ (Anh), Si-ca-gô (Hoa Kỳ),...

+ Các thành phố có hoạt động dịch vụ phát triển là Niu Oóc (Hoa Kỳ), Pa-ri (Pháp),...

- Đô thị phát triển thiếu kiểm soát:

+ Sự mở rộng các đô thị đã làm giảm diện tích đất nông nghiệp.

+ Đô thị hóa tự phát ở một số thành phố đã dẫn đến các tác động tiêu cực như: ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội,...

2. Quá trình đô thị hoá thời kì hậu công nghiệp

a. Bối cảnh

- Xã hội hậu công nghiệp bắt đầu từ cuối thế kỉ XX, chủ yếu diễn ra ở các nước phát triển.

- Sự ra đời của internet và nền kinh tế tri thức làm thay đổi cơ cấu sản xuất và phương thức tổ chức đô thị.

b. Đặc điểm

- Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị tăng nhanh:

+ Ở các nước phát triển, quá trình đô thị hóa đã ổn định, số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở mức cao và tăng chậm. Cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ.

+ Ở các nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa nhanh và xuất hiện ngày càng nhiều siêu đô thị.

+ Năm 2021, thế giới có 32 siêu đô thị, trong đó 28 siêu đô thị ở các nước đang phát triển.

- Quy mô các đô thị phát triển mở rộng thành vùng đô thị, dải siêu đô thị:

+ Vùng đô thị là khu vực gồm các thành phố, các thị trấn và vùng ngoại ô, cấu trúc tương tự như các thành phố nhỏ trong một thành phố lớn.

+ Dải siêu đô thị được hình thành khi các vùng ngoại ô và thành phố phát triển lớn đến mức hợp nhất với các vùng ngoại ở và thành phố khác, tạo thành một khu vực đô thị gần như liên tục.

- Hoạt động kinh tế của đô thị tập trung vào công nghiệp hiện đại và kinh tế tri thức:

+ Các thành phố đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông tin và tự động hóa sản xuất, làm tăng năng suất lao động.

+ Sản xuất ngày càng được tự động hóa và thông minh hơn.

+ Lao động tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, xuất hiện nhiều dịch vụ mới như phân tích dữ liệu, truyền thông số.

- Đô thị phát triển theo xu hướng đô thị xanh, đô thị thông minh:

Các thành phố tập trung vào các lĩnh vực như: phát triển không gian xanh, tăng cường kết nối, chuyển đổi số,..

III. Quá trình đô thị hóa và tác động của đô thị hoá ở Việt Nam

1. Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam

a. Thời kì phong kiến

- Đô thị cổ đầu tiên ở nước ta là thành Cổ Loa, ra đời vào thế kỉ thứ III trước Công nguyên, là kinh đô của nhà nước Âu Lạc.

Cổ Loa: Một đô thị quan trọng thời cổ đại
Đô thị Cổ Loa xưa

- Trong thời kì phong kiến, các đô thị có chức năng chủ yếu là hành chính, thương mại, quân sự và được hình thành ở những nơi thuận lợi về vị trí địa lí như: thành Thăng Long (thế kỉ XI); Phú Xuân, Hội An, Đà Nẵng, Phố Hiến (thế kỉ XVI – XVIII).

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đô thị cổ Hội An
Đô thị Hội An xưa

b. Thời kì Pháp thuộc

Thời kì Pháp thuộc, nước ta có thêm một số đô thị lớn với chức năng chủ yếu là hành chính và quân sự như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định,...

c. Từ năm 1945 đến năm 1975

Từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975, quá trình đô thị hoá diễn ra chậm, tỉ lệ dân thành thị và số lượng đô thị tăng chậm.

d. Từ năm 1975 đến nay

Từ năm 1975 đến nay, quá trình đô thị hoá ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là từ sau khi thực hiện công cuộc Đổi mới (1986), quá trình đô thị hoá đã diễn ra nhanh.

- Năm 2021, tỉ lệ dân thành thị của nước ta là 37,1%. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn nhất nước ta, trở thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

Phê duyệt đề cương phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2030
Một góc đô thị Hà Nội

2. Tác động của đô thị hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Đô thị hóa có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
- Đô thị hóa tạo động lực phát triển kinh tế cả nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Đô thị là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đầy tăng trưởng kinh tế và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
- Đô thị có thuận lợi về cơ sở hạ tầng hiện đại, lao động chất lượng cao nên thu hút được vốn, khoa học công nghệ.
- Tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, phổ biến lối sống thành thị.
- Các đô thị tạo hiệu ứng lan toả, phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực. Đô thị nhỏ ven đô hỗ trợ nông thôn qua các mối liên kết đô thị - nông thôn, như ngoại thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Một số nơi ở các đô thị còn tình trạng quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm,...