Bài 68: Ôn tập các số trong phạm vi 1000

Nội dung lý thuyết

1. Đọc, viết số trong phạm vi 1 000

Số

Số trăm

Số chục

Số đơn vị

Đọc là

205

2

0

5

Hai trăm linh năm

431

4

3

1

Bốn trăm ba mươi mốt

560

5

6

0

Năm trăm sáu mươi

2. Số tròn trăm, số tròn chục

 2.1. Số tròn trăm

Các số 100, 200, 300, 400, 500, 600, 700, 800, 900, 1 000 có hai chữ số 0 ở sau cùng, được gọi là các số tròn trăm.

2.2. Số tròn chục

Các số 10, 20, 30, ..., 990, 1 000 đều có số đơn vị là 0, được gọi là các số tròn chục.

3. Viết số thành tổng các trăm, chục, đơn vị

Mỗi số đều có thể viết thành tổng các trăm, chục, đơn vị.

Ví dụ:

  • 376 gồm: 3 trăm, 7 chục và 6 đơn vị.
    Ta có thể viết 376 thành tổng: 376 = 300 + 70 + 6.
  • 509 gồm: 5 trăm và 9 đơn vị.
    Ta có thể viết 509 thành tổng: 509 = 500 + 9.
  • 610 gồm: 6 trăm và 1 chục.
    Ta có thể viết 610 thành tổng: 610 = 600 + 10.

4. So sánh số trong phạm vi 1 000

Quy tắc so sánh các số có ba chữ số

  • Đầu tiên, ta so sánh số trăm:
    • Số nào có số trăm lớn hơn thì số đó lớn hơn. 
    • Số nào có số trăm bé hơn thì số đó bé hơn. 
  • Nếu cùng số trăm thì mới xét số chục:
    • Số nào có số chục lớn hơn thì lớn hơn.
    • Số nào có số chục bé hơn thì bé hơn.
  • Nếu cùng số trăm và số chục thì ta sẽ xét tiếp đến số đơn vị:
    • Số nào có số đơn vị lớn hơn thì số đó lớn hơn.
    • Số nào có số đơn vị bé hơn thì số đó bé hơn.

Ví dụ: 

  1. Ta có thể thấy 436 và 433 có cùng số trăm và số chục nên ta chỉ cần so sánh số đơn vị:
    Số đơn vị: 6 đơn vị > 3 đơn vị.
    Từ đó suy ra: 436 > 433 hay 433 < 436.
  2. Ta có thể thấy 528 và 538 có cùng số trăm và số đơn vị nên ta chỉ cần so sánh số chục:
    Số chục: 2 chục < 3 chục.
    Từ đó suy ra: 528 < 538 hay 538 > 528.
  3. Ta có thể thấy 613 và 534 khác số trăm, số chục và số đơn vị nên ta chỉ cần so sánh số trăm:
    Số trăm: 6 trăm > 5 trăm.
    Từ đó suy ra: 613 > 534 hay 534 < 613.