Bài 39. Độ ẩm của không khí

Nội dung lý thuyết

ĐỘ ẨM CỦA KHÔNG KHÍ

I. Độ ẩm tuyệt đối và độ ẩm cực đại

1. Độ ẩm tuyệt đối

Độ ẩm tuyệt đối \(a\) của không khí trong khí quyển là đại lượng đo bằng khối lượng \(m\) (g) của hơi nước có trong 1 m3 không khí.

Đơn vị đo của \(a\) là g/m3.

2. Độ ẩm cực đại

Độ ẩm cực đại \(A\) là độ ẩm tuyệt đối của không khí chứa hơi nước bão hòa, giá trị của nó tăng theo nhiệt độ.

Đơn vị đo của \(A\) là g/m3.

II. Độ ẩm tỉ đối

Độ ẩm tỉ đối \(f\) của không khí là đại lượng đo bằng tỉ số phần trăm giữa độ ẩm tuyệt đối \(a\) và độ ẩm cực đại \(A\) của không khí ở cùng nhiệt độ

\(f=\frac{a}{A}.100\%\)

Trong khí tượng học, độ ẩm tỉ đối \(f\) được tính theo công thức

\(f=\frac{p}{p_{bh}}.100\%\)

Không khí càng ẩm thì độ ẩm tỉ đối càng lớn. Có thể đo độ ẩm của không khí bằng các ẩm kế.

III. Ảnh hưởng của độ ẩm không khí

Độ ẩm tỉ đối của không khí càng nhỏ, sự bay hơi qua lớp da càng nhanh, thân người càng dễ bị lạnh.

Độ ẩm tỉ đối cao hơn 80% tạo điều kiện cho cây cối phát triển, nhưng dễ làm mốc và hư hỏng các máy móc, dụng cụ quang học, điện tử, lương thực, thực phẩm...

Để chống ẩm, người ta thực hiện các biện pháp như hút ẩm, sấy nóng, thông gió, bôi dầu mỡ....