Bài 34. Sơ lược về laze

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

SƠ LƯỢC VỀ LAZE

I. Cấu tạo và hoạt động của laze

1. Laze

Laze là một nguồn sáng phát ra chùm sáng cường độ lớn dựa trên việc ứng dụng hiện tượng phát xạ cảm ứng.

Tia laze có các đặc điểm:

  • Tính đơn sắc
  • Tính định hướng
  • Tính kết hợp cao
  • Cường độ lớn

2. Sự phát xạ cảm ứng 

  • Nếu một nguyên tử đang ở trạng thái kích thích, sẵn sàng phát ra phôtôn có năng lượng \(\varepsilon=hf\), bắt gặp một phôtôn có năng lượng \(\varepsilon'\) đúng bằng \(hf\), hay lướt qua nó, thì lập tức nguyên tử này sẽ phát ra phôtôn \(\varepsilon\).
  • Phôtôn \(\varepsilon\) có cùng năng lượng và bay cùng phương với phôtôn \(\varepsilon'\)
  • Sóng điện từ ứng với phôtôn \(\varepsilon\) cùng pha và dao động trong cùng một mặt phẳng song song với mặt phẳng dao động của sóng điện từ ứng với phôtôn \(\varepsilon'\)

Như vậy, nếu ban đầu có một phôtôn bay qua một loạt nguyên tử đang ở trạng thái kích thích thì số phôtôn sẽ tăng theo cấp số nhân.

II. Một vài ứng dụng của laze
  • Trong y học, do khả năng tập trung năng lượng vào một vùng nhỏ, laze được làm dao mổ trong các phẫu thuật tinh vi như mắt, mạch máu,...hoặc được dùng để chữa một số bệnh ngoài da.

  • Trong thông tin liên lạc, do tính định hướng và cường độ cao, laze có ưu thế trong liên lạc vô tuyến và truyền tin bằng cáp quang.
  • Trong công nghiệp, laze dùng để khoan, cắt chính xác trên nhiều chất liệu mà các phương pháp cơ học khác không thực hiện được

  • Trong trắc địa, laze được dùng trong các công việc như đo khoảng cách, ngắm đường thẳng,...