Bài 26: Địa lí ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. ĐỊA LÍ NGÀNH NÔNG NGHIỆP

1. Ngành trồng trọt

a. Vai trò và đặc điểm

- Vai trò:

+ Là ngành quan trọng trong nông nghiệp, góp phần khai thác hiệu quả các lợi thế sẵn có của mỗi vùng, quốc gia.

+ Cung cấp lương thực - thực phẩm cho người dân; cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến; là cơ sở để phát triển chăn nuôi; là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị.

+ Góp phần giữ gìn, cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

- Đặc điểm:

+ Đối tượng sản xuất chính là cây trồng, đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu.

+ Sự phát triển và phân bố phụ thuộc chặt chẽ vào đất trồng và điều kiện tự nhiên.

+ Có tính mùa vụ.

+ Có sự thay đổi về hình thức tổ chức sản xuất và phương thức sản xuất.

b. Một số cây trồng chính trên thế giới

- Cây lương thực: lúa mì, lúa gạo, ngô. Mỗi loại cây lương thực đều có đặc điểm sinh thái và vùng phân bố khác nhau.

- Cây công nghiệp: Mía, củ cải đường, bông, đậu tương, chè, cà phê, cao su. Mỗi loại cây công nghiệp đều có đặc điểm sinh thái và vùng phân bố khác nhau.

Một số cây trồng chính trên thế giới

2. Ngành chăn nuôi

a. Vai trò và đặc điểm

- Vai trò:

+ Là ngành quan trọng trong nền nông nghiệp hiện đại:

+ Cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa); là nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

+ Kết hợp với trồng trọt góp phần sử dụng hợp lí tài nguyên và môi trường, tạo ra nền nông nghiệp bền vững.

- Đặc điểm:

+ Sự phát triển và phân bố phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở nguồn thức ăn.

+ Hình thức chăn nuôi khá đa dạng như chăn nuôi chăn thả, chăn nuôi nửa chuồng trại, chăn nuôi chuồng trại và chăn nuôi công nghiệp.

+ Ứng dụng thành tựu khoa học - kĩ thuật và công nghệ vào trong chăn nuôi.

+ Liên kết trong chăn nuôi: sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

b. Một số vật nuôi chính trên thế giới

- Các vật nuôi chính như bò, lợn, cừu, gia cầm. Mỗi loài vật nuôi đều có đặc điểm sinh thái, thích nghi và vùng phân bố khác nhau.

Một số vật nuôi chính trên thế giới

II. ĐỊA LÍ NGÀNH LÂM NGHIỆP

1. Vai trò và đặc điểm

a. Vai trò

- Là ngành sản xuất vật chất quan trọng

- Cung cấp nguồn lâm sản phục vụ cho các nhu cầu của xã hội.

- Đảm bảo chức năng nghiên cứu khoa học.

- Đảm nhận chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sống và cảnh quan.

- Đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

b. Đặc điểm

- Gồm các hoạt động: trồng và bảo vệ rừng, khai thác gỗ và lâm sản khác.

- Đối tượng sản xuất là rừng (cần thời gian sinh trưởng, trong quá trình khai thác cần chú ý đến thời gian để rừng phục hồi trở lại).

- Quá trình sinh trưởng tự nhiên của rừng đóng vai trò quyết định trong sản xuất lâm nghiệp.

- Sản xuất lâm nghiệp được tiến hành trên quy mô rộng, chủ yếu hoạt động ngoài trời và trên những địa bàn có điều kiện tự nhiên đa dạng.

- Việc khai thác hợp lí và bảo vệ rừng ngày càng thuận lợi nhờ ứng dụng thành tựu khoa học - kĩ thuật và công nghệ.

2. Phân bố sản xuất lâm nghiệp trên thế giới

- Thế giới có khoảng 4,06 tỉ hecta rừng với tỉ lệ che phủ khoảng 31%. Diện tích rừng trên thế giới ngày càng suy giảm, đang đe doạ đến sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và môi trường toàn cầu.

- Trồng rừng là vấn đề cấp bách được nhiều nước chú trọng. Các quốc gia có diện tích rừng trồng lớn trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên bang Nga,…

- Quốc gia có diện tích rừng lớn hoặc ngành trồng rừng phát triển thì ngành khai thác gỗ cũng phát triển. Các nước đứng đầu về sản lượng gỗ khai thác là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin, Ca-na-đa,...

các quốc gia có diện tích rừng đứng đầu thế giới năm 2020

III. ĐỊA LÍ NGÀNH THUỶ SẢN

1. Vai trò và đặc điểm

a. Vai trò

- Thuỷ sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người.

- Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

- Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Góp phần khai thác tốt các tiềm năng về tự nhiên, kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

b. Đặc điểm

- Ngành thuỷ sản bao gồm nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và dịch vụ thuỷ sản.

- Diện tích mặt nước và chất lượng nguồn nước là tư liệu sản xuất quan trọng không thể thay thế được.

- Sản xuất thuỷ sản có tính hỗn hợp và tính liên ngành cao.

- Công nghệ nuôi trồng và khai thác thuỷ sản ngày càng hiện đại góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

2. Phân bố sản xuất thuỷ sản trên thế giới

- Sản lượng thuỷ sản khai thác trên thế giới ngày càng tăng, ngư trường khai thác ngày càng được mở rộng, công nghệ khai thác được cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

- Các nước có sản lượng khai thác thuỷ sản hàng đầu thế giới là Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Pê-ru, Hoa Kỳ, Ấn Độ,...

- Nhiều quốc gia đã chú trọng việc đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản. Hình thức và công nghệ nuôi trồng thuỷ sản ngày càng cải tiến và hiện đại. Các nước có sản lượng thuỷ sản nuôi trồng hàng đầu thế giới là Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Việt Nam, Phi-líp-pin,...

Phân bố sản xuất thuỷ sản trên thế giới