Bài 18: Thực hành: Tìm hiểu thực tế về một số hoạt động và sản phẩm dịch vụ của địa phương

Nội dung lý thuyết

1. Yêu cầu cần đạt

  Tìm hiểu thực tế, viết được đoạn văn ngắn giới thiệu,quảng bá về một số hoạt động và sản phẩm dịch vụ độc đáo của địa phương, nhất là về du lịch.

2. Nội dung thực hành

Tìm hiểu thực tế, viết được đoạn văn ngắn giới thiệu, quảng bá về một số hoạt động và sản phẩm dịch vụ độc đáo của địa phương.

Lựa chọn một trong các nội dung sau đây:

- Một tuyến đường giao thông: tên đường, chạy qua địa phương nào, ý nghĩa đối với hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống.

- Một chợ hoặc siêu thị, trung tâm thương mại ở địa phương: tên, địa điểm, ý nghĩa đối với hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống.

- Một địa điểm du lịch ở địa phương: tên, vị trí, ỹ nghĩa đối với kinh tế - xã hội và bảo tồn.

3. Chuẩn bị

- Bản đồ về giao thông vận tải, thương mại và du lịch Việt Nam năm 2021

- Các tài liệu của địa phương về giao thông, thương mại và du lịch.

4. Gợi ý thu thập tài liệu

- Website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố.

- Website của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.

- Thu thập, tài liệu từ sách báo, tạp chí và các tài liệu về giao thông, nội thương, du lịch của địa phương

5. Bài báo cáo tham khảo

TUYẾN CAO TỐC HẠ LONG - HẢI PHÒNG

       Được khởi công vào tháng 9 năm 2015, sau gần 4 thi công  cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã hoàn thành. Đây là dự án mang ý nghĩa quan trọng không chỉ với Quảng Ninh mà còn đối với sự phát triển của khu vực Bắc Bộ, của cả nước. Đặc biệt hơn, đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh và hợp tác công tư, thể hiện tư duy, hướng phát triển giao thông mới không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh mà còn là hình mẫu về cách làm trong phát triển hạ tầng giao thông của cả nước.

       Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng dài 24,6km, rộng 25m được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Cao tốc bao gồm 2 dự án thành phần là cao tốc Hạ Long – cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng vốn ngân sách, có tổng vốn 6.416 tỷ đồng, chiều dài 19,3km; cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,3km, đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn 7.277 tỷ đồng.

       Sau hơn 4 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành, không những mang lại những lợi ích lớn cho phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh và khu vực mà còn khẳng định được sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí quyết tâm đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế…

      Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh mà còn đối với các tỉnh lân cận và khu vực Bắc Bộ. Đó là giải quyết dứt điểm những bất cập về hạ tầng giao thông mà Quảng Ninh đã tìm cách tháo gỡ lâu nay, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; rút ngắn thời gian đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm 2/3 (từ 75km còn 25km).

        Sự đầu tư xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã đóng góp tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội, đặc biệt là du lịch, tăng lên nhanh chóng. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2017 đạt 10.783 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, 6 tháng đầu năm 2018, số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 7,5 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó: khách quốc tế đạt 2,46 triệu lượt, tăng 14% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 12.787 tỷ đồng, tăng 31% cùng kỳ.

          Cao tốc nối cao tốc, đường lớn đã mở thênh thang sẽ là động lực để Quảng Ninh hiện thực hoá khát vọng vươn tới những tầm cao mới. Đồng thời, hình thành tuyến đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến đường cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành hệ thống cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và kết nối với cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế Bắc Bộ, tuyến đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc