Bài 13: Duyên hải Nam Trung Bộ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Có diện tích khoảng 44,5 nghìn km2, chiếm 13,5% diện tích cả nước. 

- Gồm thành phố Đà Nẵng và 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.

- Lãnh thổ hẹp ngang theo chiều đông - tây, kéo dài theo chiều bắc - nam, giáp với Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và nước láng giềng Lào.

- Phía đông có vùng biển rộng lớn, với nhiều đảo và quần đảo có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc phòng an ninh như quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòà), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quý (Bình Thuận).

- Là cầu nối giữa các vùng phía bắc với các vùng phía nam, cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và Lào. Duyên hải Nam Trung Bộ gần với các tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới => Tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế theo hướng mở.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

1. Thế mạnh

a. Địa hình, đất

- Phía tây có địa hình chủ yếu là đồi núi với đất feralit => Thích hợp cho trồng rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng.

- Phía đông là dải đồng bằng hẹp, bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ngang ra biển, có nhiều cồn cát,... với đất phù sa và đất cát pha => Thích hợp để trồng cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn), cây công nghiệp hàng năm (lạc, mía).

b. Khí hậu

- Có tính chất cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ trung bình năm trên 25°C, số giờ nắng trên 2 500 giờ=> Đem đến tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo.

- Lượng mưa phân bố không đồng đều, mưa nhiều vào mùa thu và mùa đông.

c. Nguồn nước

- Có nhiều sông, chủ yếu là sông ngắn và dốc.

- Sông có giá trị về thủy điện và cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt.

- Hệ thống hồ chứa nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, một số hồ lớn như hồ Phú Ninh (Quảng Nam), hồ Sông Hinh (Phú Yên).

- Có một số mỏ nước khoáng như Thạch Bích (Quảng Ngãi), Vĩnh Hảo (Bình Thuận),...

d. Sinh vật

- Rừng ở Duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu là rừng nhiệt đới.

- Tài nguyên sinh vật phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế như cây dược liệu (quế, sâm đương quy, sâm Ngọc Linh,...),...

- Tài nguyên rừng là cơ sở để phát triển lâm nghiệp, du lịch sinh thái,...

e. Khoáng sản 

Cát thuỷ tinh, ti-tan (Bình Thuận), vàng (Quảng Nam), dầu mỏ và khí tự nhiên (đảo Phú Quý, Bình Thuận),... => Là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

g. Biển, đảo

- Vùng biến rộng, trong vùng biển có nhiều bãi tôm, bãi cá với trữ lượng lớn.

- Đường bờ biển dài, khúc khuỷu, có nhiều đảo, bán đảo (Sơn Trà, Hòn Gốm,...), vũng vịnh kín (Dung Quất, Vân Phong,...), bãi tắm đẹp (Mỹ Khê, Nha Trang,...)

=> Thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển.

ihbLqWNn.jpg

2. Hạn chế

- Địa hình chia cắt, gây trở ngại cho giao thông và khó khăn để phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn.

- Thường xuyên chịu tác động của bão, hạn hán và sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, gây thiệt hại tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

III. Phân bố dân cư và dân tộc

- Năm 2021, số dân của Duyên hải Nam Trung Bộ hơn 9,4 triệu người, chiếm 9,6% số dân cả nước; mật độ dân số là 211 người/km2.

- Phân bố dân cư có sự chênh lệch giữa khu vực đồi núi phía tây và khu vực đồng bằng ven biển.

+ Khu vực đồng bằng ven biển có điều kiện tự nhiên, kinh tế thuận lợi => Dân cư tập trung đông đúc, hình thành một dải đô thị ven biển như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang,...

+ Khu vực đồi núi phía tây có địa hình đồi núi chia cắt, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn hơn => Dân cư thưa thớt.

- Tỉ lệ dân thành thị chiếm hơn 40% tổng số dân (năm 2021).

- Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc: Kinh, Chăm, Cơ-tu, Hrê, Cơ-ho,... trong đó, người Kinh chiếm trên 91%.

+ Các dân tộc ở Duyên hải Nam Trung Bộ phân bố đan xen, cùng sinh sống.

+ Người Kinh phân bố rộng khắp, tập trung ở đồng bằng ven biển.

+ Người Chăm sinh sống nhiều ở đồng bằng ven biển hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

+ Các dân tộc thiểu số khác chủ yếu ở vùng đồi núi phía tây.

IV. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế

1. Chuyển biến trong phát triển kinh tế

Kinh tế của Duyên hải Nam Trung Bộ có chuyển biến tích cực nhờ khai thác thế mạnh kinh tế biển, thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy sự năng động của dân cư trong nền kinh tế thị trường.

a. Quy mô GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn ngày càng tăng, năm 2021 chiếm hơn 7% trong cơ cấu GDP cả nước.

b. Cơ cấu kinh tế

Có sự chuyển dịch theo hướng:

- Tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng; giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ chiếm tỉ trọng cao.

- Các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao như sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, cơ khí chế tạo, năng lượng tái tạo, logistics và du lịch,... được chú trọng phát triển.

c. Phân bố ngành kinh tế

Có sự thay đổi lớn:

- Khu vực đồng bằng ven biển phía đông đã đẩy mạnh:

+ Phát triển tổng hợp kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ

+ Hình thành nhiều khu kinh tế ven biển như Dung Quất, Chu Lai, Vân Phong, Nhơn Hội, Nam Phú Yên,... tạo động lực phát triển kinh tế Duyên hải Nam Trung Bộ.

+ Hình thành dải khu công nghiệp ven biển kéo dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, gắn với hệ thống cảng hàng không như Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Cam Ranh,... và các cảng biển Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hoà.

- Khu vực phía tây phát triển sản xuất nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái và thủy điện.

2. Một số ngành kinh tế thế mạnh

Ngành kinh tếTình hình phát triển
Thuỷ sản

Đứng thứ hai cả nước sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tổng sản lượng.

- Thuỷ sản khai thác:

+ Sản lượng thuỷ sản khai thác tăng nhanh, chiếm hơn 90% tổng sản lượng thuỷ sản Duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó chủ yếu là khai thác biển.

+ Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, đầu tư tàu đánh bắt công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để tàu đi được dài ngày và đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt.

+ Các tỉnh có hoạt động khai thác thủy sản phát triển nhất là Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.

- Thuỷ sản nuôi trồng:

+ Đang được đẩy mạnh theo hướng áp dụng công nghệ cao, nuôi trồng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

+ Các sản phẩm nuôi trồng chính như tôm hùm, rong, trai lấy ngọc,... trở thành các sản phẩm đặc sản vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần thúc đẩy du lịch.

+ Các địa phương nuôi trồng thủy sản nhiều nhất là Khánh Hòa, Phú Yên.

Công nghiệp

- Tổng sản phẩm ngành công nghiệp và xây dựng tăng liên tục, đóng góp hơn 30% vào GRDP của Duyên hải Nam Trung Bộ (năm 2021).

- Cơ cấu công nghiệp khá đa dạng, một số ngành nổi bật là:

+ Sản xuất điện: một số nhà máy điện lớn như thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi (Bình Thuận), nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), các tổ hợp điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận,..

+ Sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế (Quảng Ngãi).

+ Sản xuất, chế biến thực phẩm (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa).

+ Sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (Quảng Nam),...

+ Các ngành công nghiệp tích cực áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất như tự động hóa, đông khô,..

- Hình thành các trung tâm công nghiệp ven biển gồm: Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.

Dịch vụ

- Tổng sản phẩm ngành dịch vụ tăng khá nhanh, năm 2021 chiếm gần 40% GRDP trên địa bàn.

- Cơ cấu ngành dịch vụ đa dạng, trong đó hoạt động giao thông vận tải và du lịch có nhiều thế mạnh để phát triển.

- Giao thông vận tải:

+ Mạng lưới giao thông được đầu tư nâng cấp, với đầy đủ các loại hình giao thông.

+ Các tuyến đường bộ huyết mạch có quốc lộ 1, 19, 24, 25, 26, 27, cao tốc Bắc - Nam; đường sắt Thống Nhất.

+ Các cảng biển quan trọng là Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà.

+ Hai cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển người, hàng hóa trong nước và quốc tế. Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng nhanh.

+ Dịch vụ hậu cần cảng, logistics đang được đẩy mạnh phát triển.

+ Các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn vừa là trung tâm dịch vụ vừa là đầu mối giao thông vận tải, đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu quan trọng.

- Du lịch:

+ Có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch.

+ Các loại hình du lịch phát triển là du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp,...

+ Các sản phẩm du lịch ngày càng có chất lượng; cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí,... được đầu tư hiện đại.

+ Đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng du lịch thông minh, du lịch bền vững,...

+ Các trung tâm du lịch lớn nhất là Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Quy Nhơn,... hằng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch trong và ngoài nước. 

V. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

- Có diện tích khoảng 28 nghìn km2, số dân là 6,6 triệu người.

- Vùng gồm 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định (năm 2021).

 - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thế mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển, bao gồm:

+ Kinh tế hàng hải.

+ Khai thác dầu thô và khí tự nhiên và các tài nguyên khoáng sản biển khác.

+ Nuôi trồng và khai thác hải sản.

+ Công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời),...

- Trong những năm gần đây, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có tốc độ tăng trưởng cao so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Năm 2021, vùng đóng góp 5,4% GDP cả nước.

- Định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là:

+ Tập trung vào khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học công nghệ chất lượng cao, trong đó Đà Nẵng là cực tăng trưởng, giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

+ Tiếp tục hình thành, phát triển các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế, trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, khu công nghệ cao.

+ Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.