Bài 12: Bắc Trung Bộ

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Vị trí và phạm vi lãnh thổ

- Có diện tích hơn 51 nghìn km2, chiếm 15,5% diện tích cả nước (năm 2021).

- Gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

- Tiếp giáp Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ và Lào.

- Theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 - 01 - 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

- Phía đông của Bắc Trung Bộ có vùng biển rộng lớn. Trong vùng biển có một số đảo ven bờ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc phòng an ninh như hòn Mê (Thanh Hoa), hòn Ngư (Nghệ An), đảo Yến (Quảng Bình), Côn Cỏ (Quảng Trị).

=> Vị trí địa lí tạo cho Bắc Trung Bộ trở thành cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng trên cả nước, với nước láng giềng và thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

1. Phân hoá tự nhiên

a. Lãnh thổ, địa hình, đất

Từ tây sang đông, địa hình chia thành ba dạng phổ biến là:

- Đồi núi chủ yếu ở phía tây, có đất feralit đỏ vàng.

- Đồng bằng chuyển tiếp, chủ yếu có đất phù sa và các cồn cát.

- Biển, thềm lục địa, đảo ở phía đông.

=> Ba dạng địa hình này tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; đặc biệt là địa hình bờ biển tạo thuận lợi cho phát triển hoạt động du lịch.

b. Khí hậu

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có một mùa đông lạnh.

- Có sự phân hóa giữa khu vực phía đông với khu vực phía tây và phân hóa theo độ cao địa hình => Cho phép phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới với cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Sự phân hoa khí hậu cũng có tác động đến các ngành kinh tế khác.

c. Nguồn nước

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, sông thường ngắn, dốc => Có giá trị nhất định về thủy điện, thủy lợi.

- Một số sông lớn như sông Mã, sông Cả, sông Gianh; hồ, đầm (Kẻ Gỗ, Cầu Hai,...) => Có thể phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch.

- Ngoài ra, có một số nguồn nước khoáng có giá trị trong công nghiệp và du lịch như Sơn Kim (Hà Tĩnh), Suối Bang (Quảng Bình), Thanh Tân (Thừa Thiên Huế).

d. Sinh vật và rừng

+ Hệ sinh thái rừng đa dạng gồm rừng nhiệt đới ẩm và rừng cận nhiệt đới.

+ Rừng có một số loài gỗ quý như lim, táu,...

+ Rừng phòng hộ đầu nguồn các sông và ven biển có vai trò quan trọng trong phòng, chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai.

+ Bắc Trung Bộ có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia như Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, => Là cơ sở để phát triển du lịch sinh thái.

Quản lý rừng Bắc Trung Bộ bền vững, Việt Nam sẽ được 'rót' hơn 50 triệu USD  - Tuổi Trẻ Online

e. Khoáng sản

+ Bắc Trung Bộ có tài nguyên khoáng sản khá phong phú.

+ Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như sắt (Hà Tĩnh), đá vôi (Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình), crôm (Thanh Hoa), thiếc (Nghệ An), ti-tan (Thừa Thiên Huế) => Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều ngành công nghiệp.

g. Biển, đảo

Vùng biển rộng với đường bờ biển kéo dài, cùng hệ thống các đảo, đầm phá, vũng vịnh, bãi tắm đẹp => Thuận lợi cho xây dựng cảng biển, phát triển du lịch biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp và dịch vụ biển.

2. Vấn đề phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

a. Phòng, chống thiên tai

- Bắc Trung Bộ là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng => Việc phòng, chống thiên tai ở Bắc Trung Bộ cần được đặt lên hàng đầu.

- Để phòng chống thiên tai có hiệu quả, cần thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai như:

+ Phòng ngừa: cảnh báo về thiên tai trên các phương tiện thông tin; diễn tập phòng chống thiên tai; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, ven biển; di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ để giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra,...

+ Ứng phó: sơ tán kịp thời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi có bão, lũ, sạt lở đất; gia cố nhà cửa, tài sản; gia cố đê sông, đê biển;...

+ Khắc phục hậu quả thiên tai: ổn định đời sống của người dân; tăng cường công tác cứu trợ, cứu nạn; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai; tổ chức lại sản xuất và thay đổi cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ sản xuất.

b. Ứng phó với biến đổi khí hậu

- Ở Bắc Trung Bộ, biến đổi khí hậu đã làm cho:

+ Nhiệt độ và lượng mưa tăng lên, số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng tăng và mạnh hơn về cường độ.

+ Mùa đông trở nên ngắn hơn.

+ Gió Tây khô nóng ngày càng gay gắt và có xu hướng kéo dài hơn.

- Để giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Bắc Trung Bộ, cần thực hiện các biện pháp:

+ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, công sở và hộ gia đình.

+ Hạn chế sử dụng nhiên liệu hoa thạch.

+ Phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió

+ Áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, ít phát thải khí nhà kính,...

- Để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bắc Trung Bộ, cần thực hiện một số biện pháp như:

+ Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo.

+ Củng cố đê chắn sóng và đê biển

+ Trồng rừng và bảo vệ rừng

+ Trồng giống lúa ngắn ngày và giống lúa chịu hạn.

+ Tuyên truyền và nâng cao năng lực thích ứng cho người dân.

III. Đặc điểm phân bố dân cư

- Năm 2021, số dân của Bắc Trung Bộ khoảng 11,2 triệu người, chiếm 11,3% số dân cả nước, mật độ dân số khoảng 218 người/km2.

- Dân cư phân bố khác nhau giữa:

+ Khu vực đồng bằng ven biển phía đông, dân cư tập trung đông đúc. Khu vực đồi núi phía tây, dân cư thưa thớt hơn

+ Dân cư sinh sống chủ yếu ở nông thôn (tỉ lệ dân nông thôn chiếm hơn 74% tổng số dân năm 2021).

- Bắc Trung Bộ có nhiều dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Thái, Mường, Tày, Bru - Vân Kiều,... Phân bố dân tộc có sự đan xen và phân hóa giữa khu vực phía tây và phía đông.

+ Người Kinh phân bố rộng khắp nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng ven biển.

+ Các dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu ở khu vực đồi núi phía tây. Phân bố dân cư của Bắc Trung Bộ có sự thay đổi theo thời gian.

- Trước đây, phân bố dân cư theo các khu vực nhất định.

- Hiện nay, do tác động của quá trình chuyển cư, đô thị hóa và công nghiệp hoá, sự phân bố dân cư ở Bắc Trung Bộ có sự thay đổi: Mật độ dân số của khu vực phía tây tăng lên, dân cư tập trung vào một số trung tâm công nghiệp và đô thị.

- Bắc Trung Bộ có văn hóa đa dạng, trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Các dân tộc trong vùng sống đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

IV. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế

- Tổng sản phẩm trên địa bàn của Bắc Trung Bộ tăng khá nhanh qua các năm, chiếm 7,1% GDP cả nước (năm 2021).

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và xây dựng; dịch vụ chiếm tỉ trọng cao. Các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao được chú trọng phát triển, nhất là các ngành kinh tế biển.

Ngành kinh tếTình hình phát triển
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

Cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Trung Bộ rất đa dạng, các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát huy tối đa lợi thế của lãnh thổ.

- Nông nghiệp:

+ Sản xuất đang chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ dựa vào kinh tế hộ gia đình sang sản xuất hàng hoa tập trung, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Công nghệ gen, lai tạo giống,... đã được áp dụng vào sản xuất để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có khả năng thích ứng với bệnh dịch và hạn hán.

+ Cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Bắc Trung Bộ khá đa dạng.

- Lâm nghiệp:

+ Có diện tích rừng lớn, với 3,1 triệu ha (năm 2021), trong đó rừng tự nhiên chiếm 70%.

+ Nghề rừng từng bước phát triển nhờ chính sách giao đất giao rừng. Các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, canh tác trên đất dốc được mở rộng đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần phòng, chống thiên tai.

+ Nghệ An là tỉnh có sản lượng gỗ khai thác lớn nhất, chiếm 31,4% sản lượng gỗ của Bắc Trung Bộ.

+ Ngoài gỗ, người dân Bắc Trung Bộ còn khai thác các lâm sản khác như luồng, tre, mây, măng, dược liệu,... 

+ Rừng đặc dụng trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn như Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng,... được bảo vệ nghiêm ngặt.

- Thuỷ sản:

+ Được đẩy mạnh theo hướng phát triển nuôi trồng và đánh bắt xa bờ,...

+ Sản lượng đóng góp hơn 10% của cả nước.

Công nghiệp

- Tổng sản phẩm ngành công nghiệp tăng nhanh qua các năm.

- Công nghiệp đang được tái cấu trúc theo hướng gia tăng các ngành công nghiệp công nghệ cao, tận dụng lợi thế cạnh tranh của Bắc Trung Bộ và chiến lược phát triển công nghiệp của đất nước.

- Cơ cấu công nghiệp khá đa dạng, các ngành công nghiệp quan trọng nhất là sản xuất điện; khai khoáng; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ.

- Công nghiệp sản xuất điện:

+ Bao gồm thủy điện, nhiệt điện, tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa (nhiệt điện Nghi Sơn), Nghệ An (thủy điện Bản Vẽ), Hà Tĩnh (nhiệt điện Vũng Áng 1) và Thừa Thiên Huế (thuỷ điện Hương Điền, A Lưới),..

+ Điện gió, điện mặt trời phát triển mạnh ở Quảng Bình, Quảng Trị.

- Công nghiệp khai khoáng chủ yếu là khai thác đá vôi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... khai thác nước khoáng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

- Sản xuất vật liệu xây dựng với các sản phẩm chủ yếu là xi măng, gạch, đá xây dựng,... tập trung ở Thanh Hóa, Nghệ An,..

- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ được phát triển với quy mô vừa và nhỏ ở hầu hết các địa phương.

Du lịch

- Bắc Trung Bộ có thế mạnh để phát triển du lịch, đó là vị trí địa lí thuận lợi và tài nguyên du lịch hấp dẫn.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên của Bắc Trung Bộ rất đa dạng, gồm bãi biển, vườn quốc gia, hang động, cảnh quan núi, sông suối, hồ, đảo,... Các địa điểm khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật như hệ thống hang động Sơn Đoòng, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoa), Cửa Lò (Nghệ An), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia như Bến En, Pù Mát, Bạch Mã, Phong Nha - Kẻ Bàng,..

+ Trên địa bàn còn có nhiều tài nguyên du lịch văn hóa là các di sản văn hoá thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh,...

- Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Bắc Trung Bộ tăng nhanh.

- Các loại hình du lịch của vùng đa dạng, như du lịch biển, du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm,...

- Nhiều điểm du lịch của Bắc Trung Bộ trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Sơn Đoòng, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Kinh tế biển, đảo

Phát triển kinh tế biển, đảo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Trung Bộ và đảm bảo quốc phòng an ninh của cả nước.

- Bắc Trung Bộ có bờ biển dài với nhiều vũng vịnh, đầm phá, nhiều bãi biển đẹp và vùng biển rộng với trữ lượng thủy sản lớn; phát triển tổng hợp kinh tế biển với các ngành khai thác, nuôi trồng hải sản; giao thông vận tải biển; du lịch biển; điện gió,...; hình thành một số khu kinh tế ven biển và đang khai thác có hiệu quả như Nghi Sơn (Thanh Hoa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)...

- Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển, đảo như thiên tai, biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường biển, nguồn lợi hải sản suy giảm,...

- Trong tương lai, để khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng kinh tế biển, đảo, Bắc Trung Bộ cần tập trung vào một số giải pháp:

+ Phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh.

+ Phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế khác.

+ Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.

+ Phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh; phát triển các trung tâm, du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.

+ Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.

+ Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.