Nội dung lý thuyết
- Năm 1802, triều Nguyễn được thành lập, cai quản đất nước rộng lớn, kéo dài từ Bắc vào Nam. Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thời gian chiến tranh và bị chia cắt lâu dài, đặt ra rất nhiều khó khăn. Dưới thời vua Gia Long, nhà Nguyễn tập trung chủ yếu vào công cuộc ổn định tình hình đất nước và ưu tiên cho sự nghiệp thống nhất về mặt lãnh thổ.
- Bộ máy hành chính nhà nước thời kì này còn chưa hoàn chỉnh.
+ Ở trung ương, nhiều cơ quan chưa được hoàn thiện.
+ Ở địa phương, tính phân quyền còn đậm nét với sự tồn tại của Bắc Thành và Gia Định Thành. Tổ chức hành chính giữa các khu vực thiếu thống nhất.
+ Quan lại trong bộ máy nhà nước chủ yếu do các võ quan nắm giữ.
=> Vấn đề cấp bách đặt ra với triều Nguyễn: khắc phục tình trạng phân quyền, thống nhất tổ chức hành chính trong cả nước, củng cố quyền lực của triều đình trung ương nói chung và của nhà vua nói riêng.
- Để khắc phục tình trạng phân quyền, thiếu thống nhất, sau khi lên ngôi hoàng đế (1820), vua Minh Mạng đã thi hành các biện pháp cải cách để tập trung quyền lực và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
* Ở trung ương:
- Vua Minh Mạng tiến hành cải tổ hệ thống Văn thư phòng và thành lập Cơ mật viện làm hai cơ quan tham mưu và tư vấn tối cao của hoàng đế về hành chính, chính trị và an ninh, quân sự.
+ Năm 1820, đổi Thị thư viện thành Văn thư phòng. Năm 1829, lập Nội các thay thế cho Văn thư phòng với chức năng như một cơ quan hành chính trung ương, chuyển và tiếp nhận công văn từ triều đình đến các địa phương và ngược lại, khởi thảo các chế cáo, lưu giữ công văn.
+ Năm 1834, lập Cơ mật viện làm cơ quan tư vấn tối cao cho nhà vua về những vấn đề quân sự quan trọng, đứng đầu là quan văn, võ do đích thân nhà vua lựa chọn.
- Hoàn thiện cơ cấu, chức năng của lục Bộ và cải tổ các cơ quan chuyên môn như Quốc tử giám, Hàn lâm viện....
- Vua Minh Mạng cũng thực hiện chế độ giám sát, thanh tra chéo giữa các cơ quan trung ương thông qua hoạt động của Đô sát viện và Lục khoa.
* Ở địa phương:
- Xóa bỏ Bắc Thành (năm 1831) và Gia Định Thành (năm 1832), chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc, Tuần phủ. Tổng đốc thường là người phụ trách hai tỉnh, trực tiếp cai trị một tỉnh. Tỉnh còn lại do Tuần phủ đứng đầu, đặt dưới sự kiêm quản của Tổng đốc.
- Đối với vùng dân tộc thiểu số:
+ Vua Minh Mạng cho đổi các động, sách thành xã như vùng đồng bằng, đồng thời bãi bỏ chế độ cai trị của các tù trưởng địa phương, bổ dụng quan lại của triều đình đến cai trị trực tiếp.
- Về bộ máy quan lại: Vua Minh Mạng cũng cải tổ chế độ hồi tỵ bằng việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới rất nghiêm ngặt.
- Kết quả:
+ Xây dựng chế độ quân chủ trung ương tập quyền cao độ. Vua nắm trong tay quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và cả quyền thống lĩnh quân đội.
+ Thống nhất đơn vị hành chính địa phương trong cả nước.
+ Cơ cấu bộ máy nhà nước gọn nhẹ, chặt chẽ, phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.
- Ý nghĩa: hoàn thành thống nhất đất nước về mặt hành chính; làm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn trước.
- Bài học kinh nghiệm: Cuộc cải cách Minh Mạng để lại nhiều bài học kinh nghiệm đối với tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó, cách thức phân chia đơn vị hành chính cấp tỉnh thời Minh Mạng là một trong những di sản lớn nhất của cuộc cải cách, còn có giá trị đến ngày nay.