Bài 1:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào(1) chưa nhấm đà say
Thương nhau chưa đặng(2) mấy ngày
Đã mang câu ơn trượng(3) nghĩa dày bạn ơi.
Bài 2:
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng(4)
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu(5) ơi.
Chú thích:
(1) Rượu Hồng Đào: có nhiều cách giải thích khác nhau về rượu hồng đào. Hiện nay chưa ai biết rượu Hồng Đào được sản xuất cụ thể ở vùng nào của Quảng Nam và cách chế biến ra sao. Nhiều người cho rằng đây là một cách nói tượng trưng để ca ngợi sức thu hút dễ làm đắng say lòng người của vùng đất và con người xứ Quảng.
(2) Đặng: được (ngủ chẳng đặng, ăn chẳng đặng)
(3) Trượng: có nhiều ý kiến cho rằng đây là một biến âm đặc biệt của từ trọng thường được dùng với ý nghĩa là nặng.
(4) Hòn Kẽm Đá Dừng: khu vực có hai dãy núi đá ở hai bên bờ sông Thu Bồn thuộc địa phân huyện Nông Sơn và Hiệp Đức. Đây là một thắng cảnh của Quảng Nam.
(5) Bậu: bạn, có khi dùng với ý nghĩa tình bạn.
Trả lời câu hỏi:
1. Căn cứ vào câu chữ của bài ca dao và căn cứ vào thực tế, theo em, câu ca dao "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" muốn nêu ý tưởng Quảng Nam là vùng đất có nhiều cát và nhiều vùng khô cằn hay vùng đất màu mỡ, tốt tươi?
2. Bài ca dao đã giúp em hiểu về những nét tính cách gì của con người xứ Quảng?
3. Nhận xét về cách dùng từ ngữ của tác giả dân gian trong bài ca dao 2.
4. Tình cảm thể hiện trong bài ca dao Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng là tình cảm gì?