Câu 1:
-Theo em, văn học là một loại hình sang tác, tái hiện những vấn đề đời sống và xã hội con người. Văn học bao gồm việc tìm hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng về cơ bản là học về ngôn ngữ, tiếng nói, văn chương. Thông qua đó, ta học cách để nói, viết, xây dựng ngôn ngữ diễn đạt riêng cho bản thân. Đặc biệt hơn, văn học là tinh hoa văn hóa của nhân loại, lưu truyền những giá trị tốt đẹp của con người qua các thời đại. Đến với văn học, ta được học về văn hóa, tình cảm, tư duy, nghệ thuật của nhân loại thông qua các tác phẩm ở các đất nước, vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, ta còn thấy rõ, văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Tại sao lại nói vậy? Bởi nếu như âm nhạc dùng âm thanh, hội họa dùng đường nét và màu sắc thì văn học dùng ngôn từ làm chất liệu. Ngôn ngữ trong văn học mang tính nghệ thuật, thể hiện cái vô cùng, vô tận của cuộc đời tâm hồn con người một cách hình tượng. Nó gợi dậy những cảm xúc nơi độc giả, cho ta cảm giác mới mẻ. Tóm lại, văn học là một bộ môn nghệ thuật, lấy con người làm đối tượng nhận thức trung tâm, lấy hình tượng làm phương thức biểu đạt nội dung lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, mang đậm tính nhân văn, có tính thẩm mĩ và quy tụ những gì tốt đẹp nhất của văn hóa nhân loại.
-Em có hứng thú với môn văn vì thông qua văn học, ta tích lũy được vô vàn tri thức quý giá cho bản thân. Văn học giúp ta hiểu thêm về văn hóa, con người, lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại. Qua những tác phẩm văn học, bức tranh cuộc sống, con người lao động, đấu tranh… của ông cha như một thước phim sinh động được tái hiện trở lại, chuẩn xác mà tràn đầy xúc cảm, không khô khan, tẻ nhạt. Đến với văn học, ta được chìm đắm trong những cung bậc khác nhau, tất cả đều sinh động và chân thực đến kì lạ. Văn học cũng hướng ta đến cái chân- thiện- mĩ, giúp ta hoàn thiện nhân cách và sống đẹp hơn. Hơn nữa, học tốt văn cũng là chìa khóa vàng để dẫn tới thành công, nó sẽ giúp ta sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong học tập cũng như sinh hoạt, làm việc. Nhất là trong xã hội bận rộn và ồn ào ngày nay, nhịp sống tất bật, hối hả đôi khi làm chúng ta quên đi những giá trị sống đích thực để làm người. Đọc một bài thơ, lắng nghe một bài văn, suy ngẫm để trân trọng từng giây phút, cảm thấy cuộc đời này thật đẹp, làm cho tâm hồn tình cảm thêm phong phú, nhạy cảm, rung động trước cái đẹp, cái thiện, để tâm hồn được lắng lại, thư thái và thanh tịnh đến lạ kì. Chính điều đó đã làm nên sức hút mạnh mẽ đối với không chỉ riêng em, mà còn rất nhiều người khác.
-Văn thật sự là một môn rất quan trọng. Nhưng hiện nay, một số học sinh dường như đã đánh mất niềm say mê học văn. Đó cũng một phần là do các phương pháp dạy và học trong nhà trường còn nhiều bất cập. Đầu tiên, tình trạng đọc chép vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Giáo viên dạy văn không có nhiều thời gian đứng lớp nên thường cho học sinh chép văn mẫu. Điều đó làm cho học sinh mất đi tính sáng tạo trong học tập, vô tình tạo ra rào cản đối với sự say mê học văn. Bên cạnh đó, em nghĩ rằng nhiều học sinh không hứng thú, đam mê với môn văn bởi các thầy cô dạy văn cũng chưa truyền được cái lửa nhiệt huyết của mình đến học sinh. Một khi giáo viên có nhiệt huyết thì chính cái đó sẽ lan tỏa đến các học sinh. Thêm nữa, tình trạng học nhồi nhét cũng vẫn còn tồn tại. Trong quá trình dạy, nhiều giáo viên không chọn lọc được kiến thức trọng tâm để truyền đạt tới học sinh mà lại dạy hết, học dàn trải, không có thời gian cho học sinh trao đổi, trình bày ý kiến của mình. Không những thế, trong khi yêu cầu của bài học chỉ gói gọn trong việc đọc hiểu, nắm được ý nghĩa, tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc đủ để cảm nhận và gây hứng thú thì cách dạy văn hiện nay lại bắt học sinh học quá nhiều, thưởng thức, cảm nhận phải chi tiết, sắc nét như các học giả. Văn học là phải dùng trái tim, tâm hồn để cảm nhận chứ không có một đáp án nào chính xác, bởi vậy, trong cách chấm văn, các thầy cô cũng nên tôn trọng ý kiến, suy nghĩ của học sinh, tránh chấm bài theo kiểu rập khuôn. Học sinh THCS phải học 13 môn nên áp lực đối với việc học văn thực sự là khá lớn. Theo em, vấn đề thi cử cũng còn rất nhiều bất cập. Học sinh có 90 phút để viết một bài tập làm văn trên lớp, nhưng khi đi thi học kì cũng chỉ có 90 phút, mà lại bao gồm cả tiếng việt lẫn tập làm văn. Điều đó gây áp lực rất lớn về thời gian đối với học sinh. Qua những bất cập vừa nêu trên, các thầy cô giáo, nhà trường cần có giải pháp phù hợp đối với học sinh. Em mong rằng các thầy cô chú ý, quan tâm đến vấn đề này để nâng cao hiệu quả dạy học môn văn cho học sinh.
Câu 2:
Buổi sáng: “Cậu đang làm gì vậy?”- “Tớ đang học online trên mạng”
Sau giờ cơm trưa: “Bố đang làm gì thế?”-“Bố đang đọc báo online”
Và tối khuya: “Chị làm gì mà vẫn chưa ngủ vậy?”-“Chị đang online Facebook”
Các bạn thấy đấy, hiện nay, với những phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin thì internet đã phủ sóng trên toàn cầu, trở thành kênh thông tin quan trọng đối với con người. Chúng ta truy cập internet mỗi ngày, hầu như mọi lúc mọi nơi, thậm chí khi nào rảnh là lại lấy điện thoại ra lướt mạng như một thói quen mà dường như phớt lờ một sự thật: internet là con dao hai lưỡi. Nó đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, sự tiện dụng nhưng cũng không ít tác hại khó lường.
Gần hai mươi năm- một quãng thời gian không hề ngắn để internet phổ biến,chiếm vị trí hàng đầu trong các phương tiện cung cấp thông tin cho con người, trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều người Việt. Tiện lợi hơn truyền hình kĩ thuật số, truyền hình cáp, phát thanh… nhưng lại không khó để truy cập, bản chất internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng được kết nối bởi các thiết bị khoa học công nghệ cao như điện thoại, máy tính…. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu dựa trên một giao thức liên mạng đã được giảm bớt sự dư thừa, mâu thuẫn dữ liệu. Mạng internet cho phép người dùng có thể gửi thư qua hệ thống thư điện tử, trò chuyện trực tuyến, tìm kiếm, học tập, …Internet hiện nay là một trong những thứ không thể thiếu trong sự phát triển xã hội, kinh tế, an ninh và là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của con người.
Trước hết, ta sẽ đề cập đến những lợi ích mà internet mang lại cho con người. Xuất phát từ tính năng của mình, internet là phương tiện truyền thông hỗ trợ đắc lực cho con người. Nó dường như là một siêu kênh thông tin toàn cầu. Internet cho phép người dùng đăng tải nhiều tin tức như một bài báo, một bản tin thời sự, một video, clip… Người ta còn có thể quảng cáo sản phẩm của mình. Sản phẩm dễ dàng được lan tỏa, nhanh chóng được người tiêu dùng cập nhật, chọn lựa. Thông qua internet, người dùng sẽ dễ dàng tiếp cận được thông tin, đặc biệt hơn là những thông tin ấy được xử lí, cập nhật một cách nhanh chóng và rất thời sự. Nhờ đó mà ta có thế chia sẻ hay biết được kịp thời những tin tức vô cùng nóng hổi. Trước đây, nếu mọi người đã quen kiên nhẫn đợi đọc một tin hấp dẫn nào đó trên báo giấy vào sáng sớm của một ngày mới, hoặc nhanh nhất cũng vào một giờ cố định của chương trình phát thanh hay truyền hình thì bây giờ, chúng ta có thể cập nhật thông tin vào bất cứ thời điểm nào trong ngày bằng cách vào Internet thông qua một vài thao tác đơn giản. Khi đọc một bài báo, một tin tức nào đó, ta có thể dễ dàng tương tác, bình luận về thông tin vừa được đưa lên mạng. Nhờ đó, ý kiến của ta có thể dễ dàng đến với nhiều người khác.
Hơn thế, internet còn có thể giúp bạn kết nối với bạn bè, người thân qua các mạng xã hội Facebook, Twitter, … Qua internet, ta có thể kết nối, giao tiếp được với tất cả mọi người trên thế giới mà khoảng cách địa lí không còn là trở ngại. Các bạn có thể dùng email (thư điện tử) để trao đổi thư từ với nhau một cách nhanh chóng. Nếu như trước đây phải mất vài giờ, thậm chí là vài ngày để gửi thư đi xa thì giờ đây chỉ mất vài giây bằng email. Thay vì phải viết thư bằng giấy bút, phải mua tem, bao thư, rồi phải ra bưu điện để gửi đi thì giờ đây bạn chỉ cần gõ thư lên máy tính và gửi file đi bằng email của mình khi máy có kết nối internet, chẳng những tiết kiệm được chi phí mà còn đảm bảo thông tin được an toàn đến nơi người nhận. Hàng triệu người trên khắp thế giới, thuộc đủ mọi quốc gia, dân tộc cũng có thể trao đổi, trò chuyện với nhau về tư tưởng, tình cảm, những kinh nghiệm sống, … qua internet.
Trong việc kinh doanh, hầu hết các hoạt động giao dịch thương mại được thực hiện qua internet. Những bản hợp đồng có giá trị vẫn được các đối tác kí kết qua mạng thông tin toàn cầu khi các đối tác chưa một lần gặp gỡ trực tiếp. Kinh tế Việt Nam đang trong thời kì hội nhập. Nhờ internet, các nhà doanh nghiệp nước ta có điều kiện tiếp xúc với các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhận thức rõ hơn những thời cơ và thách thức mới của nền kinh tế thị trường. Chỉ nhìn những đang người hoạt động trong ngành nông nghiệp, chúng ta đã thấy tác phong của họ khác hẳn so với trước đây. Nông dân Việt Nam không chỉ dựa vào kinh nghiệm canh tác truyền thống mà còn biết lên internet tìm kiếm thông tin về thị trường, giá cả nông sản và học hỏi công nghệ hiện đại... Và thực tế cho thấy, diện mạo nền kinh tế quốc gia đã thay đổi rõ rệt một phần không nhỏ nhờ sự ứng dụng công nghệ internet trong tất cả các ngành nghề.
Không những thế, internet còn là một kho tri thức khổng lồ. Nó giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm hầu như mọi thông tin trong tất cả các lĩnh vực trong nước và quốc tế. Bạn có thể tìm kiếm một vấn đề nào đó mà bạn quan tâm bằng cách search Google. Nó sẽ hiện ra rất nhiều trang web cung cấp thông tin liên quan tới vấn đề mà bạn muốn biết. Là một trong những công nghệ hiện đại tiên tiến bậc nhất trong xã hội loài người hiện nay nhưng Internet không tỏ ra quá “thô cứng”, máy móc. Thế giới thông tin nó mang đến cho con người hàng ngày không chỉ tác động đến đời sống vật chất mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần con người. Sau những giờ làm việc căng thẳng. Internet có thể giúp mọi người thư giãn bằng các thông tin văn hoá, một vài bản nhạc hay các trò giải trí... Mọi người cũng có thể gửi email thăm hỏi nhau… Khi báo chí, thời sự chưa kịp đăng tải thì những tin tức về những thiệt hại do thiên tai, bão lũ, những số phận éo le... đã được truyền gửi, phát tán nhanh chóng trên internet. Những cuộc phát động phong trào quyên góp qua blog, qua diễn đàn... đã được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt tình... Và như vậy, một vai trò internet đang thể hiện chính là vai trò cầu nối sẻ chia, cầu nối của những tấm lòng...
Chưa dừng lại ở đó, internet còn là một hệ thống siêu thị và trung tâm mua sắm tiện ích. Bạn không cần phải chen chúc trong chợ hay xếp hàng chờ thanh toán trước quầy thanh toán của các siêu thị. Internet sẽ mang đến tận nhà những gì bạn cần qua một cú click chuột: một bộ đồ hợp thời trang, một chiếc bánh pizza, thực phẩm sạch hoặc những đồ gia dụng cồng kềnh… Internet cũng đã đóng một phần quan trọng trong lĩnh vực giáo dục. Các hệ đào tạo từ xa, học trực tuyến qua mạng, thậm chí là học các chương trình đào tạo của nước ngoài thông qua Internet đã không còn mới mẻ ở nước ta hiện nay. Học viên có thể học bất cứ lúc nào có thời gian rảnh và trao đổi trực tiếp với giáo viên trên internet. Các bài học và bài tập sẽ được gửi tới người học qua internet. Kết quả các bài thi, bài tập cũng sẽ được đăng tải trên mạng... Internet đã làm thay đổi phương thức sống, phương thức làm việc của con người ở mọi quốc gia. Con người không chỉ tiết kiệm được tiền bạc mà còn tiết kiệm được thời gian sinh hoạt từ chính những thu xếp linh hoạt, tiện ích mà Internet mang lại.
Nhưng mỗi phát minh khoa học đến với con người đều có hai mặt, internet cũng không ngoại lệ. Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, song internet vẫn tồn tại những mặt hại do một số bộ phận xấu gây ra. Nhiều hacker đã viết những đoạn chương trình chứa virus và phát tán lên mạng, chỉ cần truy cập internet thì những chương trình độc hại này sẽ xâm nhập vào máy tính của bạn. Virus có thể phá hoại hệ điều hành, phần cứng của các thiết bị, thậm chí là ăn cắp dữ liệu, làm rò rỉ thông tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền, tống tiền nhiều người. Nguy hiểm nhất là các thế lực thù địch và bọn phản động đang tận dụng các website, blog, mạng xã hội, để tăng cường chống phá, tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương chính sách của đảng, sự điều hành quản lý của nhà nước, triệt để lợi dụng các vấn đề thời sự, nhạy cảm, được dư luận quan tâm, nhưng chưa được giải quyết tốt, để lôi kéo, kích động nhân dân biểu tình, tụ tập đông người chống đối chính quyền.
Hơn nữa, trên internet, ta cũng có thể bắt gặp không ít những tin tức, hình ảnh, clip phản cảm, sai lệch. Trên một số mạng xã hội như Facebook, Instagram…, đôi khi ta vẫn bắt gặp những bức ảnh chụp cảnh ăn chơi thác loạn của các bạn trẻ. Nào là những tấm ảnh hở hang, rồi những kiểu ăn mặc hết sức mát mẻ ngay trên đường phố, nơi công cộng; những pha bốc đầu ngoạn mục của mấy cậu choai choai tóc nhuộm xanh đỏ. Đó còn chưa kể những người thoải mái văng tục, chửi bậy… khi muốn thể hiện thái độ bực dọc. Tóm lại, nhiều thói hư tật xấu vẫn được cư dân mạng bày ra trên internet, coi đó như cách thể hiện cái ''tôi'' của mình.
Bên cạnh đó, nhận thức của không ít cư dân mạng về vai trò của internet vẫn còn chưa thiết thực. Điều này thấy rõ ở sự lạm dụng internet vào những trò vô bổ như chơi điện tử, xem những loại phim không lành mạnh… Đặc biệt, hiện nay, hình thức game online đang được giới trẻ yêu thích. Các “Game thủ” đang hao tốn quá nhiều thời gian, sức khỏe và tinh thần vào những trò chơi vô bổ. Họ có thể bị nghiện game, sẵn sàng làm tất cả để có thể chơi game. Và hậu quả chúng ta không thể lường trước được. Đã có khá nhiều trường hợp con giết cha, cháu giết bà cũng chỉ vì nghiện internet, đua đòi theo những điều tiêu cực trên internet. Hơn nữa, nếu nghiện internet, sử dụng internet không đúng cách thì internet còn gây ảnh hưởng về mặt thể chất của chúng ta. Nếu dùng liên tục trong thời gian dài, ánh sáng nhân tạo và bức xạ từ màn hình vi tính, điện thoại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả mắt và não bộ. Khi ngồi một chỗ trong thời gian dài, ta sẽ không có thời gian tập thể dục, hậu quả là càng ngày chúng ta càng tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương, hay béo phì, tiểu đường... Internet cũng có thể giết thời gian giao lưu, khám phá thế giới bên ngoài của giới trẻ. Từ đó, nó khiến con người rơi vào tình trạng “sống ảo” và thiếu đi những kỹ năng mềm. Họ trở nên rụt rè, thiếu tự tin, đặc biệt là không có trải nghiệm, kĩ năng thực tế. Lúc này, internet thực sự là lưỡi dao giết chết thế hệ trẻ của dân tộc.
Xã hội ngày càng đi lên, các công nghệ tiên tiến ngày càng phát triển để phục vụ đời sống con ngươi thì theo đó, con người lại trở thành nô lệ cho biết bao những tha hóa và tiêu cực phát sinh. Theo tôi, internet không phải là một cái gì đó quá tiêu cực, chức năng của internet không hề xấu, nhưng bên cạnh những điều tốt đẹp mà những người biết sử dụng đúng cách đem lại, thì các bạn xem, con người đã làm gì với chúng? Qua đây, mỗi chúng ta cần rút ra bài học cho riêng mình, cần trau dồi một vốn kiến thức để biết sắp xếp thời gian hợp lý, chắt lọc cho mình những thông tin đúng đắn; rèn cho mình một bản lĩnh và tìm cho mình một mục đích sống để gạt sang một bên mọi cám dỗ tầm thường mà đến với hoài bão. Hãy là một người dùng thông thái: Internet không thể là ông chủ của bạn, chính bạn phải là người điều khiển internet. Hãy sử dụng internet để mở rộng tầm hiểu biết, vốn kiến thức, làm phong phú thêm tâm hồn, mở rộng cánh cửa tương lai của chính mình, bạn nhé!