Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Vua Hùng đi nhiều nơi để tìm đất đóng đô của nước Văn Lang. Vua đi tới một miền phong cảnh đẹp đẽ, đất phẳng mà rộng, có nhiều khe suối. Vua cho là thế đất chưa đủ, bèn sai chim đại bàng đắp một trăm quả gò, hẹn trước khi trời sáng phải xong. Chim đại bàng khuân đá đắp được 99 quả gò, chợt có con gà ngủ gáy sáng, chim đại bàng ngỡ trời sáng, vỗ cánh bay đi. Vua Hùng đi tìm đất khác.
Lại tới nơi khác, vua thấy có một ngọn núi cao sừng sững như cái trụ chống trời vươn lên giữa hàng trăm quả đồi vây quanh. Vua thúc ngựa lên ngọn núi, dừng ngựa đứng trông bốn phương tám hướng, rộng hẹp, thấp cao, rừng trải ra xa, khe ngòi quanh lượn, vua đẹp lòng vừa ý, mới dong ngựa từ từ xuống núi. Chợt con ngựa quay đầu, vó ngựa đập mạnh, núi lở xuống sạt mất một góc. Vua chê thế đất không vững, bèn bỏ đi.
(…) Vua đi mãi nơi này nơi khác mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Đi tới một vùng, trước mặt có ba con sông tụ hội, hai bên có núi Tản Viên, Tam Đảo chầu về có đồi núi gần xa, có ruộng đồng tươi tốt, có dân cư đông vui. Lại giữa vùng đồi có một quả núi cao hẳn lên như đầu một con rồng, còn những dãy núi kia như những khúc rồng uốn lượn. Vua cả mừng thấy núi non kì thú, đất tốt, sông sâu, cây cối xanh tươi. Vua Hùng chọn nơi đây làm đất đóng đô, có thế hiểm để giữ, có thế để mở, có chỗ cho muôn dân hội tụ. Đó chính là kinh đô Văn Lang ngày xưa.
(Trích “Vua Hùng chọn đất đóng đô”, theo Viện Văn học,
Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập I: Thần thoại- Truyền thuyết,
NXB Giáo dục, 1999, tr. 463 – 464).
Ghi chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng nhất cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5):
Câu 1. Đoạn trích kể về mấy lần vua Hùng phải lựa chọn để tìm ra vùng đất đóng đô?
A. Ba B. Bốn C. Hai D. Một
Câu 2. Nhân vật Vua Hùng được khắc họa chủ yếu thông qua yếu tố nào?
A. Hành động B. Suy nghĩ C. Trang phục D. Hành động và suy nghĩ
Câu 3. Biện pháp tu từ nào sử dụng trong câu văn: “Lại giữa vùng đồi có một quả núi cao hẳn lên như đầu một con rồng, còn những dãy núi kia như những khúc rồng uốn lượn.” ?
A. Biện pháp ẩn dụ B. Biện pháp nhân hóa
C. Biện pháp so sánh. D. Biện pháp hoán dụ
Câu 4. Dòng nào nêu không đúng tác dụng của biện pháp tu từ được xác định ở câu hỏi 3?
A. Ca ngợi một thế đất đẹp và linh thiêng.
B. Gợi tả cụ thể hình ảnh vùng đồi cao thoáng, dãy núi uốn lượn mềm mại, hùng vĩ.
C. Thể niện thái độ ngạc nhiên, vui mừng của vua Hùng khi tìm được đất đóng đô.
D. Miêu tả hình ảnh con rồng uốn lượn mềm mại nơi vùng đồi núi.
Câu 5. Theo em, việc lặp lại chi tiết vua Hùng đi hết nơi này đến nơi khác để chọn đất đóng đô thể hiện dụng ý gì của tác giả dân gian?
A. Ca ngợi vua Hùng đã có công chọn đất đóng đô của nước Văn Lang ngày xưa.
B. Chọn đất đóng đô là việc hệ trọng, quyết định vận mệnh và sự phồn thịnh của đất nước.
C. Được đi đây đi đó, khám phá những vùng đất mới là sở thích của vua Hùng.
D. Nhà vua là một người cẩn thận, kĩ tính.