Tháng 6-1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người An Nam yêu nước ở Pháp gửi đến Hội nghị Vécxây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7-1920, Người được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin”. Luận cương của V.I.Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường đấu tranh giành độc lập tự do thật sự cho dân tộc mà trải qua 9 năm tìm kiếm (1911-1920) Người mới bắt gặp. Lý luận của V.I.Lênin và lập trường đúng đắn của Quốc tế Cộng sản là cơ sở để Nguyễn Ái Quốc ủng hộ việc gia nhập Quốc tế Cộng sản tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở Thành phố Tua (Pháp) tháng 12-1920. Đây là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người đầu tiên tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc - con đường cách mạng vô sản.
Cuối năm 1929 đã xảy ra tình trạng hai tổ chức: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng tranh chấp ảnh hưởng trong quần chúng, bài xích lẫn nhau và mỗi tổ chức đều muốn đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản. Trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng trong nước, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng duy nhất ở Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị thông qua các văn kiện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Vừa mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương phát động quần chúng đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, chống địch khủng bố… Trong Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi toàn thể những người bị áp bức, bóc lột ủng hộ Đảng, đi theo Đảng, gia nhập Đảng nhằm đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến… làm cho nước An Nam hoàn toàn độc lập! Thực hiện chủ trương của Đảng và hưởng ứng Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, một phong trào cách mạng mới, mạnh mẽ đã dâng lên thành cao trào cách mạng 1930-1931; phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) làm tiền đề để tiến đến cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945).
Trước tình hình phong trào cách mạng ở trong nước dâng cao, ngày 28-1-1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tại Khuổi Nậm (Cao Bằng), lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941). Hội nghị xác định cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh.
Tháng 5-1945, với tên gọi mới - Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, Người chọn Tân Trào làm căn cứ để chỉ đạo cách mạng cả nước. Từ ngày 14 đến 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với nhân dân cả nước và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do.
Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, cả dân tộc phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức: Tài chính khánh kiệt, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm(5); ở phía Nam vĩ tuyến 16, quân đội Anh đã kéo vào từ ngày 6-9-1945. Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 3-9-1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời để đề ra những nhiệm vụ cấp bách như: Giải quyết nạn đói, nạn dốt, tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và đặc biệt là chống giặc ngoại xâm và bài trừ nội phản.