Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước Lào với diện tích vùng lõi trên 93.000ha và hơn 108.000ha vùng đệm. Nơi đây ngoài hệ thực vật phong phú còn có nhiều loài động vật đa dạng, quý hiếm với danh mục gồm 53 loài thú, hàng trăm loài chim, bò sát, loài lưỡng cư... Vì vậy, vấn đề nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng như công tác bảo vệ rừng nói chung là nhiệm vụ cấp bách.
Để tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thường xuyên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng làng. Đối với nhiều người dân tại xã Ta Bhing (Nam Giang), điều kiện sống, tập quán canh tác của người dân luôn gắn liền với rừng, vì vậy việc tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã có ý nghĩa đặc biệt trong bảo vệ sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Cách truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu; tuyên truyền trực quan bằng các pa nô, tranh ảnh giúp người dân dễ phân biệt và hiểu rõ hơn về hành vi xâm hại rừng, nhất là việc săn bắn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Anh Bling Thạch (thôn Pà Xua, xã Ta Bhing) cho hay: “Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thường xuyên gửi công văn và cắt cử cán bộ kiểm lâm xuống tận thôn, bản để tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ các động vật hoang dã quý hiếm trong rừng cũng như công tác phòng cháy chữa cháy. Nhờ đó bà con trong bản được nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ động vật hoang dã sống trong rừng”.
Ngoài việc tổ chức các buổi tuyên truyền định kỳ đến các thôn, xã nằm sát khu bảo tồn, cán bộ, nhân viên của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh còn thường xuyên phân công lực lượng tham gia cùng người dân tuần tra, kiểm soát những diện tích rừng tự nhiên mà bà con nhận giao khoán bảo vệ. Trong đó, ngoài việc phát hiện, tháo dỡ bẫy động vật rừng, lực lượng kiểm lâm còn lồng ghép trang bị thêm cho người dân kỹ năng phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã. Ông Lê Đức Tuấn - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nói: “Bên cạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng, đơn vị chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền lưu động với khẩu hiệu “Hãy nói không với động vật hoang dã” ở tất cả thôn, bản trong lâm phận đơn vị quản lý. Những lần họp thôn, họp xã đơn vị thường lồng ghép đưa nội dung bảo vệ động vật hoang dã nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Từ đó, người dân cùng phối hợp chặt chẽ với khu bảo tồn bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã”.