(1) Bên cạnh nhân vật người mẹ mang nhiều nét đẹp, nhân vật chú bé Hồng hiện lên với biết bao suy nghĩ và cảm xúc, cũng thật là đẹp, đáng chia sẻ, đáng trân trọng. Qua nhân vật này, chúng ta không chỉ cảm nhận những cung bật tâm trạng của một chú bé rất mực tin yêu mẹ mà còn hiểu cụ thể, sâu sắc những nét đặc trưng của thể văn hồi kí, một thể văm đậm chất trữ tình. Chất trữ tình thống thiết của ngòi bút Nguyên hồng thể hiện bằng lời kể của nhân vật tôi (tức bé Hồng) với những diễn biến tâm trạng theo trình tự thời gian trong hai mối quan hệ: quan hệ với bà cô và quan hệ với người mẹ, rất cụ thể.
(2) Khi nói chuyện với bà cô, bé Hồng chịu bao nhiêu đau đớn, uất ức, nhưng vẫn một lòng tin yêu mẹ. Nghe lời nói thứ nhất của bà cô, lập tức trong kí ức chú bé sống dậy hình ảnh người mẹ ở nơi xa, cơ cực, vất vả. Từ cử chỉ cúi đầu không đáp đến lúc cười và đáp lại: Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về là một phản ứng thông minh, xuất phát từ sự nhạy cảm và lòng tin yêu mẹ của chú bé. Chú đã nhanh chóng nhận ra ý nghĩa cay độc trong lời của bà cô và cố gắng giữ vững tình thương yêu và lòng kính mến mẹ. [ ... ] Tình thương, niềm tin yêu và một chút ngờ vực đối với mẹ như đang nổi bão, giằng xé trong lòng chú bé. Nhưng chú vẫn cố kìm nén để giữ vững niềm tin và tình yêu. [ ... ] Từ câu chuyện riêng của đời mình, Nguyên Hồng đã truyền tới người đọc những nội dung mang ý nghĩa xã hội bằng những dòng văn giàu cảm xúc và có hình ảnh, rất ấn tượng. Qua cuộc đối thoại và những cung bậc cảm xúc của bé Hồng trước bà cô, chúng ta thông cảm với những nỗi đau thấm thía, đồng thời rất trân trọng một bản lĩnh cứng cỏi, một tấm lòng thiết tha của người con rất mực thương và tin yêu mẹ.
(3) Nhờ tình thương và niềm tin ấy, đến khi gặp mẹ, bé Hồng đã nhận được niềm sung sướng, hạnh phúc lớn lao. Như trên ta đã biết, người mẹ của bé Hồng trở về đúng thời điểm quan trọng nhất, đã xua tan mọi đau đớn, dằn vặt trong tâm hồn chú bé. Mới chỉ thoáng thấy mọt bóng người giống mẹ, chú bé Hồng đã vội vã, bối rối, vừa chạy theo vừa gọi mẹ. Được ngồi lên xe cùng mẹ, chú bé òa lên khóc rồi cứ thế nức nở khiến cho người mẹ cũng sụt sùi theo. Ba từ òa, nức nở, sụt sùi cùng trường nghĩa, nối nhau miêu tả các dạng thức đặc biệt của tiếng khóc , của những dòng lệ. Đây là âm thanh, là nước mắt của biết bao nỗi niềm, tâm trạng hai mẹ con: tủi hận, tự hào, bàng hoàng, sung sướng,... Cảm giác sung sướng của đứa con khi được ngồi kề bên mẹ, được ôm ấp trong lòng mẹ cứ dâng lên từng giây, từng phút. [ ... ] Nhà văn đã dựng lại một bức tranh tràn ngập ánh sáng, đường nét rõ ràng, hài hòa, trong đó là những sắc màu tươi tắn, thoang thoảng hương thơm. Đó là một hình ảnh về một thế giới đang bừng nở, hồi sinh, một thế giới dịu dàng kỉ niệm, ăm ắp tình người. Sống trong thế giới đó, chú bé Hồng bồng bềnh trôi trong cảm giác sung sướng, rạo rực, ru mình trong tình mẹ dịu êm, tự hào, hãnh diện được đề đáp bởi tấm lòng người con hiếu thảo thương và tin yêu mẹ đến cháy lòng. Cái cảm giác mình đang bé lại hay niềm khát khao được bé lại để làm nũng mẹ, để hưởng sự vuốt ve, chiều chuộng của mẹ cứ lâng lâng, tiếp nối khiến chú bé như đang sống trong mơ vậy. Mọi điều xấu xa, sai lệch mà bà cô gieo vào tâm hồn thơ dại của chú bé bay biến đi hết cả. Xung quanh, từ thế giới bên ngoài vào sâu trong tận cùng cõi tâm linh của chú bé và người mẹ dường như chỉ là niềm hạnh phúc giản dị mà thiêng liêng, hiện thực mà lãng mạn, đầy mộng mơ, ... Có thể nói, càng về cuối câu chuyện, ngôn ngữ văn chương càng linh hoạt, sống động, tình cảm người viết càng dạt dào. Đúng là nhà văn đang sống lại những kỉ niệm tuổi thơ của mình để tâm tình, chia sẻ với bạn đọc, cùng bạn đọc thấm thía những khúc nhôi buồn, vui, cay, đắng, ngọt ngào của lòng mẹ yêu con, tình con tin yêu mẹ,...