Trung thực là lối sống thật thà, ngay thẳng; không gian dối, lừa gạt làm hại người khác để mưu lợi cho mình. Người có tính trung thực không nhận những món lợi (vật chất, tinh thần) không phải do mình làm nên. Người trung thực luôn can đảm nhận lỗi hoặc những hạn chế yếu kém của mình; dám phản ánh những vấn nạn của xã hội… Trung thực rõ ràng là đức tính cần thiết và quan trọng nhất đối với mỗi con người. Sống trung thực thì lòng sẽ được thanh thản, lương tâm trong sạch, hưởng được hạnh phúc cuộc sống; được nhiều người tin tưởng, kính trọng. Sống trung thực giúp ta tin yêu con người, làm cho xã hội văn minh tiến bộ. Trung thực là đức tính đáng quý ở con người cần được trân trọng, biểu dương. Để đề cao tính trung thực trong đời sống, chúng ta cần quyết liệt phê phán những ai sống lừa gạt, kiếm tiền bằng cách nói dối lừa đảo. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, lòng trung thực nhường chỗ để thực hiện một điều cao cả hơn: đó là tình thương yêu. Ví dụ: bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà bác sĩ vẫn nói tình hình sức khỏe tiến triển tốt để đem lại sự thanh thản cho bệnh nhân trong những giờ cuối cuộc đời…Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Thiếu trung thực, các giá trị đạo đức khác cũng không thể hình thành được ở con người. Bởi vậy, mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính trung thực để có thể thành công và sống một cuộc đời hạnh phúc.
Con người cần phải trau dồi nhiều đức tính tốt đẹp để trở thành một công dân gương mẫu, sống đúng đắn, một trong số đó chính là tính trung thực. Trung thực có thể coi là giá trị cốt lõi trong kho tàng đạo đức, cái làm nên nhân cách, nhân phẩm của con người. Trung thực là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật vì một mục đích nào đó. Người có đức tính trung thực luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật nhằm mưa cầu lợi lộc cho bản thân mình. Trong cuộc sống, đức tính trung thực được thể hiện rõ ràng nhất đó là thật thà, thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc lỗi, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình. Trong học tập, thi cử, những biểu hiện của tính trung thực của mỗi học sinh huy cần được phát huy như không quay cóp, chép bài của bạn, không mang theo tài liệu và lật tài liệu trong lúc thi hoặc kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả. Bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người bạn và mọi người trong xã hội. Nhờ có tính trung thực trong học tập, chúng ta sẽ có được những kiến thức thực do chính ta học tập chứ không do học vẹt, học máy móc hoặc qua loa, đối phó. Cùng với việc biểu dương những tấm gương tốt về tính trung thực chúng ta cũng cần lên án sự thiếu trung thực và từng bước đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên tùy theo khả năng của mỗi người. Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời một cách trung thực và can đảm. Không ai có thể yêu mến và giúp đỡ một người không trung thực. Mỗi chúng ta hãy luôn trung thực trong công việc và trong đời sống để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, thành công trong công việc và sống một cuộc đời hạnh phúc trong tình yêu thương của mọi người.