Tham khảo!
Nếu như trong các thế kỉ trước chủ nghĩa yêu nước là đề tài chiếm đa phần các sáng tác thì sang đến thế kỉ XVIII, ngòi bút của các tác giả trung đại tập trung về giá trị nhân đạo, với lòng cảm thương sâu sắc số phận của người phụ nữ. Họ - những người phụ nữ hội tụ đầy đủ công – dung – ngôn – hạnh nhưng lại phải chịu số phận hết sức đắng cay. Đó là nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Vũ Nương của Nguyễn Dữ, người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Mỗi nhân vật trữ tình mang một nét riêng, nhưng ở họ đều là hình ảnh tiêu biểu nhất cho số phận cũng như vẻ đẹp người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Trước hết họ là những người phụ nữ có vẻ đẹp ngoại hình, họ đều là những người phụ nữ xinh đẹp. Là vẻ đẹp khỏe khoắn, rắn rỏi, đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Còn Vũ Nương chỉ được khái quát bằng câu văn rất ngắn: “tính đã thùy mị, nết na lại thêm phần tư dung tốt đẹp”. còn nàng Kiều, được Nguyễn Du ưu ái hơn cả, ông dùng những lời thơ đẹp đẽ nhất, tinh tế nhất để miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của nàng:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Nguyễn Du đã lấy những hình ảnh đẹp đẽ nhất của thiên nhiên để miêu tả nàng Kiều, đó là đôi lông mày lá liễu như dáng núi mùa xuân, là đôi mắt có hồn, ẩn chứa trong đó là cả thế giới nội tâm đa dạng, phong phú.
Những người con gái ấy không chỉ là đẹp người mà họ còn đẹp nết, đẹp về tâm hồn tính cách. Nàng Vũ Nương đoan trang, hiền thục, nết na đã khiến cho Trương Sinh cảm mến về đức hạnh mà dùng trăm lạng vàng để lấy nàng về. Khi về làm dâu, nàng biết chồng có tính hay ghen và phòng ngừa quá sức nên luôn giữ gìn khuôn phép, đúng mực trong cách hành xử để hai vợ chồng không rơi vào cảnh bất hòa. Không chỉ vậy nàng còn là một người con dâu hiếu thảo, mẹ chồng luôn được nàng chăm sóc hết mực, khi bà ốm đau nàng thường dùng những lời nhẹ nhàng khuyên lơn để mẹ cố gắng ăn cháo, uống thuốc. Có mấy ai tạo được mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu tốt đẹp đến thế. Đến khi mẹ chồng chết nàng cũng lo tang ma chu toàn. Hơn thế, nàng còn là một người phụ nữ hết sức đảm đang. Chồng đi ra trận, nàng ở nhà một mình nuôi con, quán xuyến công việc gia đình một cách toàn vẹn nhất. Để con không phải chịu thiếu thốn tình cha, nàng còn tự chỉ vào bóng mình, để bé Đản được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cha mẹ. Có thể thấy Vũ Nương là hiện thân đầy đủ nhất của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.
Nàng Kiều lại mang trong mình vẻ đẹp của tài năng và tâm hồn rất đỗi nhạy cảm. Tài năng của nàng đủ cầm – kì - thi – họa, tài nào nàng cũng đạt đến độ xuất sắc. Nhưng nổi bật nhất chính là tài đàn, những bản đàn của nàng làm say đắm biết bao người. Cung đàn bạc mệnh ấy vừa cho thấy tâm hồn nhạy cảm, vừa như một dự báo cho số phận tương lai của chính nàng. Không chỉ vậy, trong lúc gia đình gặp nguy biến, nàng đã sẵn sang xả thân bán mình chuộc cha và em:
Rẽ để cho thiếp bán mình chuộc cha
Và ngay cả những ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích nàng vẫn không thôi lo nghĩ cho cha mẹ, tuổi cao sức yếu không có ai chăm sóc: “Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ/ Sân Lai biết mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Trong trường hợp của Kiều, nàng là người đau khổ nhất, nhưng gạt đi nỗi đau cá nhân, Kiều vẫn một lòng nghĩ về những người thân yêu của mình. Đó là biểu hiện của trái tim nhân hậu, vị tha, bao dung cao cả.
Mặc dù, hội tụ đầy đủ vẻ đẹp về hình thức và tâm hồn, những tưởng những người phụ nữ ấy sẽ được hưởng cuộc sống yên ấm, hạnh phúc. Nhưng không, cả cuộc đời họ là những chuỗi tai ương nối tiếp nhau,. Quả đúng như Nguyễn Du đã từng tổng kết: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Người con gái trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương dù có vẻ đẹp tròn trịa tràn đầy sức sống, có tâm hồn thủy chung, son sắt nhưng cuộc đời lại lênh đênh, phụ thuộc:
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Số phận của nàng Vũ Nương cũng chẳng khác gì cô gái kia. Lấy Trương Sinh không phải vì tình yêu, hơn thế lại có sự phân biệt về đẳng cấp. Ngay từ đầu đã báo hiệu một cuộc hôn nhân không lấy gì làm viên mãn. Khi nàng lấy chồng chưa bao lâu, chưa thỏa tình gối chăn thì chồng nàng bị gọi ra trận. Nàng sống thiếu thốn tình yêu thương lại phải một mình cáng đáng gia đình, nuôi con khôn lớn, chăm mẹ chồng già yếu. Nhưng tất cả nỗi đau về thể xác đó không đau đớn bằng việc Trương Sinh rũ bỏ, vu cho nàng cái tội mà nàng không có. Bị chồng nghi ngờ thất tiết, Vũ Nương đau đớn khôn cùng, và tận cùng của nỗi đau nàng đã lấy cái chết để giải thoát mình và chứng minh sự trong sạch của bản thân. Nàng chết đi, được Linh Phi cứu, sống cuộc đời bất tử song vẫn đầy bất hạnh, bởi tâm hồn nàng vẫn luôn hướng về ngôi nhà nhỏ, nơi có chồng và con nàng. Sống những chuỗi ngày dài, nhớ về quê hương, chẳng phải còn đáng thương hơn gấp bội đó sao.
Số phận nàng Kiều cũng bất hạnh không kém, sau khi bán mình chuộc cha, cuộc đời nàng bước vào mười lăm năm nổi lên, sóng gió. Ngày Mã Giám Sinh đến “Đắn đo cân sắc cân tài” ngã giá, lòng nàng đau như thắt lại “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”. Những giọt nước mắt tủi cho thân phận bọt bèo của chính mình. Những ngày ở lầu Ngưng Bích nàng sống trong cảnh cô đơn, lặng lẽ, nàng nhớ về Kim Trọng – mối tình đầu trong trắng và đau đớn khi đã phụ bạc chàng. Nàng nhớ về cha mẹ, xót thương vì không thể chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu. Và đặc biệt là dự cảm của nàng về số phận của mình khi ở lầu Ngưng Bích: “Buồn trông của bể chiều hôm/.../ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Bức tranh khung cảnh dữ dội, gào thét như báo hiệu trước cuộc đời đầy sóng gió của nàng.
Bằng tất cả tình yêu thương và lòng trân trọng, các tác giả đã cho người đọc thấy vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng ẩn sau đó còn cho thấy số phận đầy sóng gió bất hạnh. Các tác phẩm vừa giàu giá trị hiện thực, tố cáo xã hội phong kiến đã đẩy con người vào bước đường cùng, cướp đoạt hạnh phúc của họ; đồng thời cũng là tiếng nói nhân đạo, thể hiện niềm cảm thương sâu sắc với người phụ nữ.