Để có được ngày này, ông cha ta đã phải đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Đặc biệt, cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thời điểm có ý nghĩa lịch sử này, chúng ta một lần nữa nhớ về công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh - Người không chỉ tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi “đêm trường nô lệ” mà còn là người dẫn đường, chỉ lối, khơi dậy ý thức chính trị, quyền lợi và nghĩa vụ công dân cho người dân Việt Nam qua việc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.
Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Với nhãn quan chính trị sâu rộng, sắc bén và tri thức thực tiễn sâu sắc về tổ chức chính quyền nhân dân, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra sắc lệnh số 14-SL về Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đạu biểu Quốc hội. Sắc lệnh đã ghi nhận quyền chính trị cơ bản, tiến bộ của công dân một nước độc lập “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và những người trí óc không bình thường”. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên về bầu cử, là cơ sở pháp lý, là sự khẳng định các điều kiện chủ quan, khách quan tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Tiếp đến là Sắc lệnh số 39, 51, 71 lần lượt được ban hành chuẩn bị cơ sở pháp lý đầy đủ cho cuộc bầu cử.
Bên cạnh chuẩn bị cở sở pháp lý cho Tổng tuyển cử, Chính phủ còn phải đấu tranh chính trị không khoan nhượng và hết sức không khéo với các thế lực chống phá cách mạng, hòng bóp chết chính quyền cách mạng nước ta còn trong trứng nước. Dưới danh nghĩa Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, quân đội của một số nước đế quốc kéo vào nước ta: 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc vĩ tuyến 16, núp sau là quân Mỹ và hàng vạn quân đội Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16; ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng. Trong nước, bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách tìm mọi cách chống phá Tổng tuyển cử. Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ cho đồng bào: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết”.
Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Ngày mai dân ta sẽ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước… Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Ngày 6-1-1946, Báo Cứu Quốc ra số đặc biệt sáng cũng đã đưa tin lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Chúng ta hãy nghỉ việc, để đến trước thùng phiếu. Chúng ta hãy thúc những người lừng khừng đến trước thùng phiếu, chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của uỷ ban khu mình đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Đến khi đóng hoặc mở thùng phiếu, chúng ta hãy đòi cho được sự phân minh. Ngay cả ở lần viết hộ, chúng ta cũng nên có mặt để xem xét. Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt, ấy là tự mình huỷ quyền của mình. Hỡi các bạn cử tri, ta chớ quên điều ấy”.
Thấm nhuần những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cử tri cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ đến các thùng phiếu để thực hiện quyền công dân. Ngày 6-1-1946, thực sự là ngày hội của toàn dân - ngày nhân dân được cầm trên tay lá phiếu bầu ra đại biểu đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân, bất chấp sự đe doạ và những hành động phá hoại, có nơi hòm phiếu phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tránh sự khủng bố của kẻ thù. Nhiều hình ảnh cảm động đã diễn ra trong ngày bầu cử, ban tổ chức đưa hòm phiếu đến bệnh viện để phục vụ cử tri, có cụ già mù loà đã bảo con cháu đưa đi bầu cử. Cuộc bầu cử tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ diễn ra dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng vẫn không ngăn cản được ý chí và nguyện vọng của Nhân dân ta.
Cuộc Tổng tuyên cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã thành công với 89% cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu từ 3 miền Bắc Trung Nam đại diện cho sức mạnh của toàn dân tộc. 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng, 10 đại biểu là nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đánh dấu mốc phát triển trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ trên đất nước Việt Nam.
Hình ảnh của dân tộc trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của đất nước hòa bình đã và đang được triệu triệu cử tri cả nước hôm nay kế thừa và phát huy. Trong ngày hội non sông tiến hành bầu cử Quốc hội XV, hình ảnh kính yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đang dõi theo tiến trình đi đến thắng lợi của cuộc bầu cử. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình vận động, kêu gọi bầu cử vẫn nguyên giá trị, không chỉ đưa ra quy định về thể lệ bầu cử, nguyên tắc bầu cử trong các văn bản đầu tiên về Tổng tuyển cử, mà còn là cơ sở nền tảng cho phép ta có điều kiện suy ngẫm về tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân, vì dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Vô lí,Bác Hồ mất năm 1969,trước ngày độc lập mà sao lại Bác Hồ đi bầu