Kêu gọi nhân dân ta đứng lên chiên đấu.
Chiếu Cần Vương là lời kêu gọi sĩ phu và dân chúng toàn quốc nổi dậy chống lại sự đô hộ của người Pháp lên đất nước Đại Nam sau Hiệp ước Giáp Thân (1884).
Hàm Nghi (chữ Hán: 咸宜; 3 tháng 8 năm 1872 – 4 tháng 1 năm 1943), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch (阮福膺𧰡), là vị Hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Là em trai của vua Kiến Phúc, năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.
Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie) và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày. Do áp lực của Pháp nên nhà Nguyễn không lập miếu hiệu cho ông.
Ngày nay, lịch sử Việt Nam xem ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.
Hàm Nghi húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch. Ông là con thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871(có tài liệu ghi ông sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872) tại Huế. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc Ưng Đăng và Chánh Mông (hay Ưng Kỷ), tức là vua Đồng Khánh sau này.
Sau khi vua Tự Đức qua đời vào tháng 7 năm 1883, mặc dù các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nắm trọn quyền hành trong việc phế bỏ vua này, truất ngôi vua khác, nhưng họ lại rất bị động trong việc tìm người trong Hoàng gia có cùng chí hướng để đưa lên ngôi. Trước thời Hàm Nghi, cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc đều lần lượt đi ngược lại đường lối của phái chủ chiến hoặc bị mất sớm, trở thành những phần tử không thể không bị loại bỏ khỏi việc triều chính đang rối ren. Vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong lúc tình hình đang có lợi cho phái chủ chiến trong triều đình Huế. Sau khi nhà vua mất, đáng lẽ con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi, nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ lập một vị vua lớn tuổi sẽ mất quyền hành và hai ông chủ trương dứt khoát lựa chọn bằng được một vị vua ủng hộ lập trường chống Pháp nên đã chọn Ưng Lịch. Đây là một người có đủ tư cách về dòng dõi, nhưng chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc và quan trọng hơn hết là hai ông có thể định hướng nhà vua về đại cuộc của đất nước một cách dễ dàng.
Ưng Lịch từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ ruột chứ không được nuôi dạy tử tế như hai người anh ruột ở trong cung. Khi thấy sứ giả đến đón, cậu bé Ưng Lịch hoảng sợ và không dám nhận áo mũ người ta dâng lên. Sáng ngày 12 tháng 6 Giáp Thân, tức ngày 2 tháng 8năm 1884, Ưng Lịch được dìu đi giữa hai hàng thị vệ, tiến vào điện Thái Hòa để làm lễ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Khi đó Ưng Lịch mới 13 tuổi. Người ta nói rằng Hàm Nghi được lên nối ngôi theo di chúc của vua Kiến Phúc trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, Hàm Nghi được phái chủ chiến lập lên ngôi. Nhân vật cầm đầu phái chủ chiến là Tôn Thất Thuyết - Phụ chính đại thần đồng thời là Thương thư bộ Binh.
Sau khi vua Kiến Phúc mất tháng 7-1884, triều đình tôn Hàm Nghi lên ngôi. Khâm sứ Pierre Paul Rheinart thấy Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tự tiện lập vua, không hỏi ý kiến đúng như đã giao kết nên gửi quân vào Huế bắt Triều đình nhà Nguyễn phải xin phép. Rheinart gửi công hàm cho triều đình Huế rằng:
“ | “Nam triều có lập ai lên làm vua, thì phải xin phép nước Pháp mới được”. | ” |
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phải làm tờ xin phép bằng chữ Nôm nhưng viên Khâm sứ không chịu, bắt làm bằng chữ Hán. Hai ông phải viết lại, viên Khâm sứ mới chịu và sau đó đi cửa chính vào điện làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi. Công việc đầu tiên mà vua Hàm Nghi phải thủ vai, dưới sự hướng dẫn của Tôn Thất Thuyết là tổ chức đón phái đoàn Pháp từ Tòa khâm sứ ở bờ Nam sông Hương sang điện Thái Hoà làm lễ tôn vương cho nhà vua. Đây là thắng lợi mà phe chủ chiến của triều đình Huế đã đạt được trong việc bảo vệ ngai vàng của Hàm Nghi; còn đối với người Pháp thì sau những yêu sách, đòi hỏi bất thành, họ đành phải nhân nhượng để tránh thêm những rắc rối mới bằng cách chấp nhận một sự việc đã rồi.
Lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 8 năm 1884, phái đoàn Pháp gồm Đại tá Guerrier, Khâm sứ Rheinart, Thuyền trưởng Wallarrmé cùng 185 sĩ quan binh lính kéo sang Hoàng thành Huế. Guerrier buộc triều đình Huế phải để toàn bộ quân Pháp tiến vào Ngọ Môn bằng lối giữa, là lối chỉ dành cho vua đi, nhưng Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt. Cuối cùng chỉ có 3 sứ giả được vào cổng chính, còn lại các thành phần khác thì đi cổng hai bên. Cả triều đình Huế và phái đoàn Pháp đều mang tâm trạng không vừa lòng nhau, nhưng buổi lễ thọ phong cuối cùng cũng kết thúc êm thấm. Lúc phái đoàn Pháp cáo từ, Tôn Thất thuyết đã ngầm cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ Môn lại nên đoàn Pháp phải theo hai lối cửa bên để về. Nhìn nhận về sự kiện này, Marcel Gaultier đã viết:
“ | "Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quan tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn. Thái độ ấy do Hội đồng Phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh lệnh [chống lại người Pháp] không nói ra bằng lời..." | ” |
Năm sau 1885, Thống tướng de Courcy được chính phủ Pháp cử sang Việt Nam để phụ lực vào việc đặt nền bảo hộ. Tướng de Courcy muốn vào yết kiến vua Hàm Nghi nhưng lại muốn là toàn thể binh lính của mình, 500 người, đi vào cửa chánh là cửa dành riêng cho đại khách. Triều đình Huế xin để quân lính đi cửa hai bên, chỉ có các bậc tướng lĩnh là đi cửa chánh cho đúng nghi thức triều đình, nhưng de Courcy nhất định không chịu.