Qua câu chuyên: Không nên quá ảo tưởng về bản thân mình, nó sẽ khiến con người có những cái nhìn sai lệch về vị trí của bản thân. Đồng thời không nê sống quá ích kỉ, toan tính. Hãy biết hợp tác và chia sẻ, nếu biết hợp tác và chia sẻ tất cả mọi người sẽ cùng có lợi.
Khi bước trên đường đời, mỗi con người sẽ gặp biết bao câu chuyện lý thú, và những bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống. Đến với ” câu chuyện về Chim én và dế mèn” theo Đoàn Công Huy trong mục ” trò chuyện đầu tuần” của Báo Hoa học trò ta lại rút ra một bài học quý giá.
Câu chuyện nói về cách sống của các loài vật trong thiên nhiên, hai con Chim én đã tốt bụng tặng Dế Mèn một món quà thật tuyệt vời là một chuyến thưởng ngoạn khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, ấm áp. Chim Én là con vật biết bay, thế nên chúng thấy tội nghiệp cho Dế Mèn không được bay tận hưởng không gian mùa xuân. Do đó, chúng nghĩ ra sáng kiến để cả ba cùng bay thưởng thức cảnh trời đất gợi cảm, tiếc thay Dế Mèn lại không biết trân trọng món quà ấy. Từ người chịu ơn, Mèn đã ảo tưởng mình là người ban ơn. Từ việc mình là gánh nặng cho người khác Mèn ta tưởng người khác chính là gánh nặng của mình. Lòng ích kỷ, tính toán và ngộ nhận, ảo tưởng khiến Dế Mèn phải trả giá rất đắt ” nó rơi xuống đất như một chiếc lá lìa cành”. Với những ý nghĩ sâu sắc của tác giả, những con vật nhỏ bé này cũng có tâm trạng giống con người, làm tô đậm thêm bài học nhân sinh con người. Câu chuyện có hình thức như một câu chuyện ngụ ngôn phản ánh thực tế của con người hiện nay: đời sống hiện đại giúp con người có thể làm được nhiều việc hơn nhưng cũng khiến họ ảo tưởng về mình nhiều hơn và suy nghĩ , lối sống cũng thực dụng hơn. Câu chuyện cảnh tỉnh mọi người nói chung đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng đừng quá ảo tưởng về bản thân mình và không nên sống ích kỷ, toan tính. Xác định chính mình là ai và giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều hơn những thứ bạn đã cho đi.
Có thể nói câu chuyện ngắn gọn nhưng lại mang ý nghĩa thật sâu sắc. Mỗi người đều có thể học được những bài học nhân sinh từ câu chuyện trên, đó là câu chuyện về giá trị cuộc sống, biết trân trọng những gì mình đang có thì sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Nếu không biết trân trọng những gì mình đang có sẽ rất khó có được hạnh phúc thậm chí còn gặp bất hạnh. Hạnh phúc còn tùy thuộc vào cách ứng xử và thái độ sống của mỗi người. Đó có thể là câu chuyện về niềm tin: Lòng tốt là đáng quý, nhưng niềm tin còn đáng quý hơn. Phải chăng chỉ khi con người tin tưởng lẫn nhau thì cuộc sống mới thoải mái và nhẹ nhàng hơn, và đó có thể là bài học về cách nhìn, cách cảm nhận: với cách nhìn cẩn thận, hời hợt ta sẽ không phát hiện đúng bản chất của cuộc sống, dẫn đến những quyết định sai lầm mà ta sẽ nhớ suốt đời. Đó là bài học về lòng khoan dung, có thể cho và nhận. Cho và nhận đều luôn chuyển hóa: tưởng rằng cho đi nhưng lại được nhận lại và ngược lại, đó có thể là bài học về sự hợp tác và chia sẻ, nếu biết hợp tác và chia sẻ thì mọi người đều có lợi. Vậy mà trong cuộc sống, một số người lại có cách sống toan tính, ích kỷ. Họ giống Dế Mèn trong câu chuyện trên. Họ cho rằng họ là người ban ơn cho người khác nhưng thực chất họ lại là gánh nặng cho mọi người, phải chăng họ không cảm nhận được những gì mình đã cho và đã nhận. Rồi đến một ngày, chắc chắn những người ấy sẽ tỉnh ngộ khi phải chịu kết cục bi thảm trong cuộc sống của mình. Đừng quên những con người hẹp hòi, tính toán như thế đáng bị chúng ta phê phán, tố cáo.
Tóm lại, ” câu chuyện về Chim Én và Dế Mèn” thực sự đã đem lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý báu. Câu chuyện đó đã làm ta thay đổi trong cách sống của mình để con người sống trong một xã hội tốt đẹp mà họ đáng được sống.