Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
8.8_11_Phạm Nguyễn Khang

làm lẹ mà gọn cho mình tham khảo nha càn ngắn càn tốt

 

Huỳnh Kim Ngân
15 tháng 5 2022 lúc 18:18

Tham khảo

Đề 1:

Từ xưa, mối quan hệ giữa “học” và “hành” vẫn được các học giả đề cập đến. Trong bài “Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng có viết “học rộng rồi tóm lại cho gọn, theo điều học mà làm”. Có thể thấy dù ở thời nào thì việc học cũng cần phải có sự đi đôi với việc hành thì mới mang đến ý nghĩa trọn vẹn cho con đường học vấn.

Để hiểu hơn về mối quan hệ giữa học và hành thì chúng ta cũng cần phải hiểu học là gì và hành là gì. Mỗi ngày chúng ta đều đến trường và đi học, như vậy học chính là cách mà chúng ta tiếp nhận những tri thức của nhân loại. Đây là vốn tri thức quý báu giúp chúng ta trở thành những người có tri thức sau này. Hành có nghĩa là hành động, là làm việc. Bác Hồ của chúng ta cũng có câu nói rất nổi tiếng rằng: “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Qua câu nói của Bác Hồ chúng ta thấy rằng học và hành bao giờ cũng phải song hành với nhau.

 

Vì sao việc học phải đi đôi với việc hành? Mỗi ngày học sinh chúng ta đến trường đều tiếp thu thêm rất nhiều kiến thức mới. Nếu chỉ học lý thuyết suông thì đến một ngày nào đó những lý thuyết ấy chúng ta cũng sẽ quên hết. Quên là bởi chúng ta không được thực hành, không được áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống. Nếu học mà không áp dụng thì việc học không còn ý nghĩa gì nữa. Khi bước ra ngoài xã hội, chúng ta trở thành những kẻ ngu ngơ không biết một chút gì. Kiến thức đã học được coi như bỏ không. Những thành tích học tập tốt trước đây chỉ là cái hình thức, thực chất rỗng tuếch chẳng mang lại cho ta điều gì. Trong Bàn luận về phép học, Nguyễn Thiếp cũng phê phán những người đua học hình thức cầu danh lợi.

Con người ta nếu như không học mà chỉ chăm chăm vào thực hành thì cũng khó có được kết quả tốt. Một chuyện đơn giản như cắm cơm thôi, nếu như trước đó chúng ta không học cách nấu thì sẽ chẳng bao giờ có được một nồi cơm ngon. Có khi cơm sẽ nhão, sẽ khô hoặc có thể bị sống cơm nữa. Nhưng nếu chúng ta học cách nấu từ việc đong gạo sao cho vừa, đổ nước sao cho đủ thì sau vài lần thực hành chắc chắn chúng ta sẽ nấu được những nồi cơm ngon tuyệt. Hay như các môn ngoài ngữ, làm sao chúng ta có thể hành khi mà chúng ta chưa học? Khi gặp người nước ngoài, chúng ta sẽ không hiểu họ nói gì. Nhưng nếu chúng ta học mà lại không bao giờ thực hành, không nói chuyện với người nước ngoài thì sớm muộn gì chúng ta cũng quên mất lý thuyết.

Hiểu được mối quan hệ và giá trị của học với hành nên các trường học hiện nay cũng đã đưa việc thực hành vào song song với giảng dạy lý thuyết. Bằng chứng là trường học chúng ta đã có thêm phòng thực hành tin học, phòng thí nghiệm hóa học,… Không chỉ dừng lại ở việc học và thực hành kiến thức sách vở, chúng ta còn không ngừng vận dụng kiến thức của mình vào các hoạt động xã hội. Những phong trào tình nguyện, những hoạt động tương thân tương ái đã cho thấy rằng trường học ngày càng gần gũi với xã hội hơn. Trường học không chỉ dạy học sinh thành tài mà còn dạy học sinh thành người.

Nếu chúng ta biết theo điều học mà làm, chúng ta sẽ trở thành những người vừa biết nói, vừa biết làm. Chúng ta biết vận dụng kiến thức của mình để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Đưa đất nước Việt Nam tiến bước về phía trước, sánh ngang với các cường quốc khác. Hiểu được vấn đề ấy, chúng ta cũng sẽ xóa bỏ được tình trạng học giả mà bằng thật.

Sự học là vô bờ, xét cho đến cùng học là để có hiểu biết và phải biết vận dụng kiến thức của mình vào những việc có ích. Việc học chỉ đem đến giá trị khi chúng ta biết thực hành, việc thực hành cũng chỉ có giá trị khi chúng ta có kiến thức để thực hành một cách đúng đắn nhất. Mỗi chúng ta hãy ghi nhớ bài học này để tự răn mình phải phấn đấu nhiều hơn trên con đường học vấn.

đề 2:

"Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm
Hát lên như chưa từng được hát
Là la la là lá lá la....."

Ngân nga trong từng câu hát của bài hát Bài ca tuổi trẻ, tôi nhận ra rằng mỗi người đều có một bài ca riêng cho tuổi xuân của mình. Có những bài ca thánh thót, yêu đời nhưng rồi cũng có những bài ca trầm lắng, buồn man mác. Dù bài ca tuổi trẻ của mỗi người là như thế nào thì chúng cũng được viết lên với nhiệm vụ trở thành một con người sống có ích, sống ý nghĩa và góp mình vào xây dựng Tổ quốc. Vì vậy, có thể nói rằng, tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước

Tuổi trẻ, cái tuổi mà người ta thường hay nói đến trong sứ mệnh và nhiệm vụ đối với Tổ Quốc là gì? Tuổi trẻ chính là lứa tuổi thanh thiếu niên, là lứa tuổi được phát triển đầy đủ nhất. Thế hệ trẻ được học tập và tích lũy kiến thức, nhằm xây dựng một tương lai rộng mở, đưa đất nước phát triển phồn thịnh, để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy, tuổi trẻ hay còn gọi là tuổi xuân của đời người là lúc mà con người ta tràn trề nhất, giàu sức sống và có một trái tim mãnh liệt, cháy bỏng nhất. Đây là lứa tuổi mà những thanh thiếu niên mang trong mình bao nhiệt huyết muốn cống hiến cho đời, cho quê hương, đất nước. Thời điểm này cũng là thời điểm mà con người có một nguồn sức khoẻ, sức lực tốt nhất.

Chính vì những lợi thế trên cho nên tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước. Được học tập, phát triển và nghiên cứu khoa học, người trẻ sẽ đem những kiến thức, những gì mình tìm tòi, học hỏi được để đóng góp vào kho tàng chung của đất nước. Từ đó mà xây dựng nên một nền móng vững trãi cho đất nước được phát triển. Tương lai của đất nước là tuổi trẻ, tuổi trẻ bằng sức lực và tâm huyết của mình sẽ cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Sở dĩ là như vậy bởi lẽ, một đất nước nếu có dân số già thì đất nước ấy sẽ rất khó để phát triển. Vì người già sức lao động sẽ giảm sút và không còn khỏe mạnh như lứa tuổi thanh thiếu niên. Những người trẻ là nguồn lao động dồi dào cho đất nước, họ có sức khỏe tốt, có kiến thức và còn cả một cuộc đời dài phía trước để giúp ích cho nước nhà.

 

Trên thực tế đã có rất nhiều những ví dụ chứng minh cho tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Trong lịch sử, ta có thể nhớ đến Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất Việt Nam: Nguyễn Hiền. Nguyễn Hiền nổi tiếng không chỉ bởi học vấn uyên thâm mà còn bởi thái độ sống dứt khoát, nhiệt thành. Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên vào năm 13 tuổi, điều này cho thấy tuổi trẻ, sức trẻ có một nguồn năng lượng và tích lũy kiến thức nhiều như thế nào. Kế đến là chị Võ Thị Sáu, chị đã cống hiến rất nhiều cho đất nước trong thời kỳ chiến tranh khi chị làm một nữ du kích, một người liên lạc thông tin. Chị đã hy sinh khi mới 18 tuổi, góp mình vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc khi tuổi còn rất trẻ. Còn ở hiện tại, rất nhiều những người trẻ vẫn ngày ngày cống hiến cho đất nước. Điều đó thể hiện qua các trách nhiệm xã hội của họ. Điển hình là các doanh nghiệp, các công ty, ngoài việc đưa các sản phẩm của Việt Nam ra thế giới thì họ còn dùng thành công của mình để quyên góp từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Để phát huy được vai trò của tuổi trẻ đối với đất nước thì Đảng và chính phủ cần có những chính sách đúng đắn để phát triển được hết những khả năng cũng như tầm quan trọng của thế hệ trẻ. Đất nước phải tạo cơ hội được học tập và phát triển cho mỗi cá nhân, dù ở đồng bằng hay vùng sâu vùng xa. Ngược lại, thế hệ thanh thiếu niên cũng cần phải cố gắng học tập, nỗ lực hết sức mình để cống hiến cho đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước và công ơn của Hồ Chủ Tịch.

Belinsky đã từng nói: "Tuổi trẻ không có lí tưởng giống như buổi sáng không có mặt trời", tôi và những người bạn cùng chăng lứa sẽ dùng cả thanh xuân và nhiệt huyết của mình để hiến dâng cho Tổ Quốc. Để làm được như vậy thì trước hết, tôi và các bạn hãy cùng nhau tìm ra lí tưởng, tìm ra đam mê của chính bản thân mình. Có lí tưởng, có khao khát rồi thì mới có thể vạch ra được con đường đúng đắn cho tương lai sau này.

Đề 3:

 

Chúng ta đang sống giữa những năm tháng thời bình thật tươi đẹp. Đất nước được mở rộng giao lưu với các quốc gia khác trên thế giới. Cùng với sự du nhập của nhiều nền văn hóa thì kéo theo đó là những tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Nếu như con người chúng ta không tự ý thức được mình, tự cảnh tỉnh mình và nói không với các tệ nạn xã hội thì sớm muộn gì đất nước cũng trở về thời kỳ lạc hậu, đói nghèo.

Nói chính xác thì tệ nạn xã hội là một vấn nạn của nước ta hiện nay. Tệ nạn xã hội chính là những hành vi trái với đạo đức xã hội, vi phạm những quy định của luật pháp và những hành vi ấy có thể gây nên những hậu quả khôn lường cho chính bản thân người thực hiện cũng như toàn xã hội. Điển hình cho những tệ nạn đó là hút chích, cờ bạc, mại dâm,… Trong số những tệ nạn ấy thì ma túy, hút chích là tệ nạn đáng báo động nhất hiện nay. Nó khiến cho con người ta lầm đường lạc lối và hủy hoại cả gia đình, xã hội.

Ma túy là một cái gì đó vô cùng khiếp sợ. Nó khiến cho con người ta nếu đã dính vào thì chẳng thể nào từ bỏ được. Dần dần, người ta sẽ không còn là mình nữa. Sẽ sống như một con ma vật vờ nếu không phê thuốc thì sẽ là gào thét điên cuồng vì đói thuốc. Cơ thể dần trở nên hốc hác, xanh xao và tâm tính thì bất ổn. Để có tiền mua thuốc, người ta sẵn sàng làm những việc xấu như trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hành hung người khác. Những người nghiện ma túy tuổi đời thường rất ngắn. Đa phần trong số họ đều bị sốc thuốc mà chết. Nếu không thì ma túy cũng ăn mòn từng người, khiến họ mắc các căn bệnh mà kinh khủng nhất là AIDS. Người nghiện ma túy trở thành gánh nặng của gia đình, gánh nặng của xã hội. Không chỉ họ bị xã hội xa lánh mà những người thân của họ cũng phải chịu hệ lụy tương tự. Một xã hội với những con người như vậy thì thử hỏi làm sao có thể phát triển được đây.

Xung quanh chúng ta, hẳn đã có những người từng chứng kiến cảnh chồng đánh vợ, cha đánh con chỉ vì nghiện rượu. Rượu cũng là một loại tệ nạn xã hội cần phải loại bỏ trong đời sống của con người. Khi say, con người ta không còn là chính mình nữa. Họ đánh đập, họ chửi bới cả những người thân của mình. Thậm chí có không ít trường hợp lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo và hệ quả tất yếu là gây ra tai nạn giao thông. Nó không chỉ khiến họ mất mạng mà còn làm nguy hại đến cuộc sống của người khác.

 

Rồi còn biết bao nhiêu tệ nạn khác trong xã hội nữa. Chẳng hạn như người hút thuốc lá quá nhiều khiến cho những người xung quanh hít phải và mắc bệnh về phổi. Người cha hút thuốc lá cũng có thể khiến đứa con trong bụng vợ của mình bị dị tật hay từ khi đang thành hình.

Chúng ta có thể ngăn chặn được tệ nạn xã hội hay không? Có, chúng ta hoàn toàn có thể. Tôi và bạn, chúng ta đều là những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta nắm vận mệnh đất nước trong lòng bàn tay. Vì vậy nếu chúng ta có ý thức nói không với các tệ nạn xã hội và tuyên truyền nó đến với những người thân chúng ta thì chắc chắn là tệ nạn sẽ bị đẩy lùi. Nếu gia đình có người thân bị nghiện, hãy đưa họ ngay vào trại cai nghiện. Đừng nghĩ rằng để họ ở nhà và mua thuốc cho họ hút là thương họ. Đó là đang hại họ một cách từ từ. Đó cũng là đang tự hại chính mình và xã hội. Nếu gia đình có người nghiện rượu, nghiện thuốc, hãy khuyên họ nên từ bỏ. Hãy lấy những ví dụ về hậu quả của các tệ nạn ấy để họ thấy rằng hành vi của họ là xấu.

Khi đi ra ngoài đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những biển hiệu có dòng chữ “Nói không với tệ nạn xã hội”. Giữa dòng đời hối hả, có thể có nhiều người không để ý tới những tấm biển như vậy. Tại sao chúng ta không thử tổ chức những buổi giao lưu, gặp gỡ với chính người thân của mình để cùng chia sẻ về tác hại của rượu, bia, ma túy, thuốc lá,… nhỉ. Chắc chắn sẽ vô cùng bổ ích và lý thú.


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Tuấn Tài
Xem chi tiết
Tiên Hồ Đỗ Thị Cẩm
Xem chi tiết
phạm ngọc linh
Xem chi tiết
Name
Xem chi tiết
ngu toán khẩn cấp
Xem chi tiết
Uyên Hồ
Xem chi tiết
Lion
Xem chi tiết
Trần Thị Khánh Vy
Xem chi tiết
_Lương Linh_
Xem chi tiết