Nhà giáo, nhà văn Đặng Thai Mai khi đánh giá về tập thơ Từ ấy đã từng khẳng định "Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca". Tố Hữu không chỉ là một nhà thơ mà còn là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Đọc thơ Tố Hữu ta không chỉ thấy được những bước chuyển mình của lịch sử mà còn bắt gặp một tinh thần sục sôi, nhiệt huyết của một chàng thanh niên trẻ yêu nước, trung thành với sự nghiệp cách mạng. Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét qua bài thơ "Khi con tu hú". Được Tố Hữu sáng tác trong hoàn cảnh tù đày, bài thơ không chỉ thể hiện được khát khao tự do, lí tưởng cách mạng sục sôi mà còn bộc lộ một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, cuộc đời, điều này được thể hiện rõ nét qua bức tranh mùa hè trong 6 câu thơ đầu của bài.
Phải nói nhà thơ rất hay khi mở đầu bài thơ ông đã tái hiện trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên mùa hè sống động với những gam màu tươi sáng và âm thanh rực rỡ:
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần.
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...
Bức tranh mùa hè được gợi mở qua âm thanh tiếng chim "tu hú gọi bầy"- loài chim báo hiệu mùa hè rộn rã, tươi vui của chim tú hú không chỉ gọi về mùa hè mà còn làm bừng sáng cả bức tranh thơ, mang đến cái xốn xang, bồi hồi trong lòng người. Hè về là "lúa chiêm đang chín", là khi "trái cây ngọt dần". Tính từ chỉ trạng thái "đương chín", "ngọt dần" không chỉ gợi ra sự biến đổi của lúa, của trái cây khi vào hè mà còn tạo ấn tượng về một hành động đang tiếp diễn ngay trước mắt. Ôi chao sự sống như bung nở, căng tràn ngay trước mắt khiến nhà thơ lưu luyến, đắm say làm sao !. Nhà thơ Tố Hữu cảm nhận mùa hè bằng tất cả các giác quan, đó không chỉ là thính giác, thị giác mà còn là xúc giác và bằng một trái tim tha thiết yêu đời nữa.