Trước đây, tình yêu học đường chỉ phổ biến ở lứa tuổi trung học phổ thông, khi các em đạt đến sự phát triển khá hoàn thiện về thể chất và tâm lí, sẵn sàng bước vào cuộc đời rộng lớn.Thế nhưng ngày nay, nhiều học sinh ở cấp trung học cơ sở cũng đã có cảm giác “yêu”và muốn gắn bó thân thiết với bạn khác giới. Thậm chí, ở các lứa tuổi nhỏ hơn cũng xuất hiện hiện tượng yêu sớm này.
Việc tuổi trẻ biết yêu sớm hơn gây ra nhiều vấn đề nan giải đối với gia đình và xã hội. Trong khi, đây đang là một hiện tượng khá phổ biến, là xu hướng tất yếu của thời đại thì nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận và có giải pháp đối phó hiệu quả, giúp con em mình phát triển an toàn, đúng đắn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ, tiện nghi làm cho trẻ em phát triển hơn cả thể chất lẫn tâm hồn. Các nhà khoa học đã chứng minh một khi cơ thể phát triển với dưỡng chất đầy đủ thì sự hoàn thiện cơ thể cũng xảy ra nhanh chóng, tuổi yêu cũng đến sớm hơn.
Do đời sống tinh thần phong phú, tiếp cận nhiều với thông tin sinh lí thông qua các kênh truyền thông và thế giới xung quanh làm nảy sinh tâm lí hiếu kì, tò mò muốn biết cảm giác yêu và được yêu ở học sinh. Với sự phát triển của công nghệ và phương tiện truyền thông, học sinh ngày càng có xu hướng tiếp cận sớm hơn thông tin về giới tính, tình cảm và hình ảnh về con người. Do khả năng nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ đơn giản về tình yêu và trách nhiệm trong tình yêu nên nhiều học sinh liều lĩnh lao vào các mối quan hệ đầy rủi ro và nguy hiểm, dễ trở thành đối tượng lợi dụng của người khác.
Do không muốn thua kém bạn bè và ham thích khám phá bản thân khiến học sinh tìm kiếm cho mình một người yêu. Mặt khác, do sự biến đổi mạnh mẽ của các quan hệ xã hội dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cùng với sự tiếp sức của các phương tiện công nghệ, kĩ thuật hiện đại như phim ảnh, internet, điện thoại di động… nên tình yêu sớm phát sinh ở tuổi học trò.
Tình yêu nam nữ trong học đường là một vấn đề phổ biến, không còn là vấn đề hiếm hoi. Tình yêu tuổi học trò không chỉ là tình yêu giữa trò và trò, mà còn có tình yêu giữa học sinh với giáo viên, thậm chí tình yêu giữa người đồng tính. Tình yêu học đường trở thành phong trào, thành một cái “mốt” mà học sinh muốn có được để “khẳng định mình” với bạn bè.
Tình yêu học đường được công khai và trở nên táo bạo hơn. Không còn che giấu, ngại ngùng, e ấp và chuyển thư kín đáo qua sách vở, qua ngăn bàn như ngày xưa; học sinh bây giờ đã thích nhau thì phải công khai nắm tay, âu yếm nhau như trong phim, thậm chí ngay trong lớp học trước mặt bạn bè thầy cô. Còn có cả những kiểu tỏ tình tốn kém và khá lạ lẫm được tung hô trên mạng.
Những vụ đánh ghen, dọa dẫm, dằn mặt lẫn nhau chỉ vì tình yêu của lứa tuổi học sinh trong những năm qua đã gây nên nhiều vấn nạn trong trường học. Một phần lớn các vụ bạo lục học đường là do tình yêu tuổi học trò gây ra khiến xã hội vô cùng bức xúc.
Tình yêu là điều thiêng liêng và cao đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người. Đã là con người thì ai chẳng có trái tim biết yêu thương và chia sẻ, mong muốn gắn kết giữa người và người. Cùng học tập và sinh hoạt trong một tập thể ngang tuổi nhau, lại cùng chung ước mơ lí tưởng, ngưỡng mộ, thấu hiểu nhau nên rất dễ nảy sinh tình cảm bạn bè chân thành. Từ tình bạn đến tình yêu là điều tất nhiên, chẳng có gì phải né tránh.
Tình yêu chân chính luôn luôn trong sạch, nó nằm trong tim chứ không phải ở giác quan. Tình yêu chân chính cũng là chìa khóa quan trọng để mở những cánh cửa hạnh phúc. Một tình yêu chân chính sẽ trở thành động lực để tuổi trẻ vươn lên phấn đấu trong học tập, trong cuộc sống nhằm thực hiện ước mơ, hoài bão cao đẹp. Bởi vì không muốn thua kém và cũng để chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài, hơn nữa nhờ sự giúp đỡ và quan tâm của người yêu sẽ làm cho học sinh cố gắng hơn, chăm chỉ hơn. Do đó sức học vượt trội hẳn để trở thành những học sinh giỏi.
Tình yêu chân chính cũng là nhân tố giúp rèn luyện nhân cách, nghị lực, tâm hồn trở nên mạnh mẽ. Tình yêu làm cho con người thoát khỏi sự tầm thường hướng đến sự cao thượng. Khi yêu, trái tim trở nên can đảm, thuần khiết, con người sẽ sống tốt hơn, đẹp hơn, cao thượng hơn và hướng đến những điều tốt đẹp ở tương lại, tiếp thêm sức mạnh và nguồn sống dạt dào, cho ta thêm yêu đời và tự tin vào khả năng chiến thắng của bản thân.
Con người luôn có nhu cầu chia sẻ bản thân và tìm kiếm một sự thấu hiểu, đồng cảm và tương trợ từ người khác. Khi đến với nhau bằng tình cảm thật sự, tuổi trẻ có thể thoải mái bày tỏ tình cảm, chia sẻ buồn vui, khó khăn, từ việc học đến những chuyện tế nhị của tuổi mới lớn… Một tình yêu sẽ giúp động viên rất nhiều trước những áp lực bộn bề cua cuộc sống. Tình yêu có thể an ủi được tất cả, có thể an ủi ngay chính mình những ưu phiền mà nó gây ra
Tình yêu giúp tâm hồn thăng hoa, làm ta sống lạc quan, yêu con người, yêu cuộc đời hơn. Tình yêu là sự rung cảm của một tâm hồn khi gặp một tâm hồn đồng điệu, là sự hòa nhịp của trái tim, làm cho người ta cuộc sống tươi màu, đáng sống và mạnh mẽ sống hữu ích, tốt đẹp.
Tình yêu là dấu ấn kỉ niệm không thể nào quên của tuổi học trò. Tình cảm học trò hồn nhiên, thuần khuyết, rất đáng trân trọng. Dù đắng cay hay ngọt ngào thì cũng sẽ là những kỉ niệm rất đẹp, rất đáng yêu, bởi không mang dáng dấp của kinh tế, của địa vị hay danh lợi như khi bước chân vào đời.
Bản chất của tình yêu là ở sự thánh thiện và thanh bình vươn tới một tương lai tươi sáng. Hãy hướng đến một tình yêu mà bạn mong muốn nếu bạn đã sẵn sàng cho điều đó.
Bài làm
“Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.”
Trong “Chút tình đầu”, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về tình yêu tuổi học trò đầy thơ mộng và trong sáng. Môt mối tình thời còn ngồi ghế nhà trường có thể là kỉ niệm tươi đẹp, cũng có thể là chút tiếc nuối về những lầm lỡ đầu đời. Vậy có nên yêu ở tuổi học trò?
Để trả lời câu hỏi này ta cần hiểu tình yêu tuổi học trò là gì. Tình yêu là tình cảm yêu thương, quý trọng giữa những người khác giới, là cảm xúc đẹp đẽ và thiêng liêng của con người. Tình yêu giúp chúng ta hiểu, đồng cảm, chia sẻ và vị tha. Tuổi học trò là lứa tuổi từ mười tám đổ lại, là tuổi ngày ngày cắp sách tới trường. Con người trong độ tuổi này bắt đầu đón nhận những cảm xúc mới mẻ, mong muốn khám phá nội tâm của chính mình. Vậy tình yêu tuổi học trò là sự yêu thương, rung động giữa nam nữ học sinh. Tình cảm này có thể xuất phát từ tình bạn thân thiết, từ sự ngưỡng mộ giữa những học sinh trong lớp hay thậm chí là từ sự đua đòi, chạy theo phong trào hay chứng tỏ bản thân. Vậy, câu hỏi về tình yêu học đường không thể trả lời là “nên” hay “không nên” mà phụ thuộc vào cách yêu của mỗi người.
Không nên yêu ở tuổi học trò nếu yêu không đúng cách, vì nó có thể đem lại những ảnh hưởng tiêu cực. Tác dụng ngược đáng sợ nhất của tình yêu học đường chính là không đảm bảo việc học hành- trách nhiệm chính của người học sinh. Khi yêu, người học sinh có thể quá tập trung vào tình cảm, cảm xúc mới mẻ của tuổi mới lớn mà quên đi nhiệm vụ chính là học. Thời gian học tập sẽ bị chia ra để dành cho những mối quan tâm khác là người yêu, là hò hẹn, là nhung nhớ. Dù biết dành thời gian luyện tập hay nghe giảng, người học sinh đang yêu không dễ giữ cho tâm trí chỉ tập trung vào một việc. Hơn thế nữa, có nhiều học sinh nghỉ học, bỏ tiết để gặp gỡ người yêu – một trong những vấn đề khiến thầy cô và phụ huynh lo lắng. Đây là những ảnh hưởng khó tránh ở tuổi dễ bị cám dỗ bởi những điều lạ, chưa ý thức rõ ràng về nghĩa vụ học tập rèn luyện.
Chưa dừng lại ở đó, tình yêu không đúng cách tuổi học trò chưa chín chắn, chưa phân biệt được tình yêu đích thực. Yêu sai thời điểm đáng sợ, yêu sai người còn đáng sợ hơn. Người học trò còn quá trẻ để nhận biết và chọn lựa đối tượng phù hợp để tin tưởng, chia sẻ, đồng cảm và yêu quý. Sự thiếu chín chắn này dẫn đến việc tốn thời gian, ảnh hưởng xấu đến thói quen, nhân cách đạo đức do tác động từ người kia. Điều này còn mang lại những hệ lụy khủng khiếp hơn thế. Gần đây, “cư dân mạng” truyền tay nhau đoạn phim nhạy cảm của hai học sinh trung học mà tự tay nhân vật nam chính tung ra. Và kết quả thì ai cũng biết, nạn nhân nữ vì không chịu được chỉ trích từ dư luận đã tử tự. Phải chăng cái kết đáng buồn của nữ sinh này bắt nguồn từ sự tin tưởng, trao gửi tình cảm cho nhầm người?
Bên cạnh hai tác hại kể trên, lí do khác khiến các bậc phụ huynh cấm con yêu sớm là những trạng thái, cung bậc cảm xúc mà tuổi học trò chưa thể lường trước và “ứng phó” được. Tình yêu đem đến đủ loại tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố. Khi yêu, người học sinh cũng không tránh được những ghen tuông, hờn giận, đau buồn. Lại là một ví dụ về các đoạn phim trên mạng. Gõ từ khóa “nữ sinh đánh ghen” vào trang tìm kiếm Google, ta sẽ thấy số lượng kết quả thật đáng ngạc nhiên. Những trường hợp học sinh nữ còn khoác áo đồng phục lao vào đánh bạn, lột đồ,.. vì lí do tình cảm cá nhân là không thiếu. Đáng sợ hơn là người trẻ thất tình. Tuổi học trò là lứa tuổi tươi vui, yêu đời, chưa quen với cảm giác hụt hẫng, buồn bã khi tình cảm bị từ chối. Chính vì thế, cảnh tượng học sinh bỏ học, bỏ ăn, thậm chí là tự tử vì thất tình mới nhiều đến vậy.
Sau cùng, mối lo lớn trong lòng người làm cha làm mẹ, làm thầy cô khi thấy con mình yêu không đúng cách là biểu hiện tình cảm quá đà, vượt quá giới hạn. Cảnh nam, nữ sinh ôm ấp nơi công cộng – điển hình là trường học – vô cùng nhạy cảm và thiếu tế nhị, dẫn đến cái những cái nhìn khó chịu, những lời bình phẩm,… Chuyện ra ở nơi công cộng đã đáng ngại, nhưng chuyện diễn ra ở nơi không ai biết đến thì còn đáng ngại hơn bội phần. Tuổi học trò chưa học được cách kiềm chế cảm xúc, lại tò mò về giới tính; đây là nguyên nhân đằng sau cảnh những đôi nam nữ với phù hiệu trường mang trên tay áo dừng lại trước cửa…nhà nghỉ. Hậu quả của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hay ở tuổi vị thành niên ai cũng rõ. Ta dễ dàng thấy những dòng chữ như “Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng hơn 3000 ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên” xuất hiện nhan nhản trên báo, trên mạng. Hay cảnh những cô gái tìm đến chuyên gia tâm lí bày tỏ nỗi tuyệt vọng vì không được gia đình, xã hội coi trọng do “lỡ” trao đi cái trân quý đời con gái từ thời ngồi ghế nhà trường. Từ những lí do kể trên, ta hiểu vì sao xuất hiện nhiều ý kiến không tán thành tình yêu học đường.
Nhưng chuyện gì cũng có hai mặt, tình yêu tuổi học trò cũng vậy – yêu đúng cách, hay phù hợp với lứa tuổi cũng có những điều tích cực. Trước hết, tình yêu học đường là những rung động ngây thơ, trong sáng và đẹp đẽ. Tình yêu ở lứa tuổi này cũng như tình yêu ở mọi lứa tuổi khác, đều đem đến cho con người ta cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Nên nhà thơ Chế Lan Viên mới ca ngợi tình yêu học trò: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên” hay như Nguyễn Duy đã nói “Nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau”. Hầu như ai cũng có một mối tình đầu ở tuổi còn ngồi ghế nhà trường với những kẻ niệm đẹp, kí ức còn mãi theo năm tháng để bồi hồi nhớ lại.
Thêm vào đó, nếu biết cách yêu, tình yêu tuổi học trò sẽ trở thành động lực để học tập. Những bạn trẻ yêu nhau có thể cùng động viên nhau học tập rèn luyện, nhắc nhở bảo ban cùng tiến bộ. Thành tích học tập tốt không chỉ để khẳng định và hoàn thiện mình trước “người bạn đặc biệt” mà còn có thể thuyết phục gia đình và thầy cô: tình yêu thời học sinh cũng có những mặt tốt. Chính vì vậy, những cặp đôi ý thức được điều này có xu hướng tổ chức những buổi học nhóm, kèm cặp để bồi đắp và bù trù cho nhau. Tóm lại, đây là một nét đẹp không thể phủ nhận của tình yêu thời hoa phượng,
Bên cạnh việc tạo nỗ lực học tập, rèn luyện, tình yêu học đường cho con người ta sự trải nghiệm, thấu hiểu bản thân. Những cảm xúc và kinh nghiệm rút ra từ mối tình đầu thơ dại tuổi mười sáu, mười bảy sẽ là bước đệm cho con đường đi tìm hạnh phúc khi trưởng thành. Khi yêu ở độ tuổi có nhiều thắc mắc, muốn tìm hiểu về con người, thế giới nội tâm, ta hiểu hơn về cảm xúc, tâm tư, giải đáp những thắc mắc chính mình đặt ra. Ngoài ra, tình yêu ở tuổi học trò giúp ta tìm hiểu về những tâm hồn khác, phát hiện ra nét đẹp nhân cách đáng quý hay những điểm khuyết cần bù đắp trong trái tim họ. Vậy, xét ở mặt này, tình yêu học trò là nên, không sai.
Chưa dừng lại ở đây, tình yêu thời học sinh chính là liều thuốc bổ cho tâm hồn, để ta sống hạnh phúc, lạc quan và cởi mở hơn. Học sinh ngày nay phải chịu áp lực lớn từ sức ép học hành; cha mẹ thúc giục, thầy cô nhắc nhở, điều này có thể tạo nên những vết thương tâm lí cho người học sinh. Chưa kể đến những chuyện không hay khác trong đời sống hàng ngày, từ gia đình, bạn bè, xã hội. Một người “bạn đặc biệt” để yêu mến, đồng cảm, sẻ chia khó khăn về tinh thần sẽ giúp ta mở lòng. Những niềm vui nho nhỏ từ tình yêu tuổi học trò cũng để ta thêm yêu cuộc sống, lạc quan và vui vẻ hơn.
Sau khi tìm hiểu về hai khía cạnh nên-không nên, biết yêu-không biết yêu của tình yêu học trò muôn màu muôn vẻ, ta rút ra bài học về khái niệm “yêu” và “biết yêu”. Đây là hai định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trong khi “yêu” là rung động của trái tim thì “biết yêu” là sự tỉnh táo của lí trí. Vậy như đã nói ở trên, tình yêu học đường không thể trả lời “nên” hay “không nên” cũng không phải “tốt” – “xấu”, “đúng” – “sai”. Tất cả dựa vào ý thức, nhận thức của mỗi cá nhân. Tình yêu tuổi học trò sẽ đẹp khắc cốt ghi tâm nếu được phát huy những nét tích cực, cũng có thể mất đi sự ngây thơ, trong sáng, tươi đẹp nếu không kiểm soát được các tác hại kể trên.
Vậy yêu thế nào mới đúng, mới nên? “Biết yêu” phụ thuộc vào văn hóa và nhân cách của mỗi người. Khi đã yêu, hãy suy nghĩ về lựa chọn và tình yêu của mình, rằng đối tượng mình yêu có phù hợp hay không phù hợp, tình yêu này đáng hay không đáng. Nếu đã nhất quyết nghe theo con tim, hãy giữ cho tình yêu ở tuổi ngày ngày cắp sách đến trường thật trong sáng và đẹp đẽ, phù hợp với lứa tuổi, đạo đức và khuôn phép của xã hội. Một khi đã yêu, những người học sinh vẫn phải ý thức và phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ lớn nhất của mình là học tập, rèn luyện tốt. Để làm được điều đó, người học sinh nên lấy tình yêu làm động lực hoàn thiện bản thân. Chỉ có vậy, tình yêu tuổi học trò mới có thể trở thành kỉ niệm đẹp mỗi khi nhớ lại.
Tóm lại, mọi vấn đề đều có mặt trái, mặt phải; tình yêu tuổi học trò cũng vậy. Chính vì thế, đừng yêu, nếu để lí trí bị lấn át bởi con tim, để mối tình đầu khiến ta ngậm ngùi nuối tiếc khi nhắc tới. Hãy yêu, nếu trái tim biết nghe theo lí trí, giữ cho những rung động đầu đời thuần khiết và ý nghĩa để “Một lần giở lại trang lưu bút/ Lòng em vấn vương chút ngọt ngào."
Dàn ý
1. Mở bài:
* Dẫn dắt vào vấn đề (qua thơ, lời bài hát, những câu danh ngôn,..)
* Nêu vấn đề: Tình yêu ở tuổi học trò – nên hay không nên ?
2. Thân bài:
a. Giải thích:
* Tình yêu là gì? – tình cảm nam nữ; rung động của trái tim; là sự yêu mến, đồng cảm, sẻ chia của con người với con người.
* Tuổi học trò là gì? – lứa tuổi từ 18 đổ lại, ngày ngày cắp sách tới trường, là tuổi có nhiều biến đổi tâm lí, chưa nhận thức tốt.
=> Tình yêu tuổi học trò là rung động đầu đời trong sáng, tươi đẹp và ý nghĩa của nam nữ học sinh.
b. Phân tích
* Tình yêu học trò là không nên nếu không biết yêu vì:
– Ảnh hưởng đến việc học
– Chưa chín chắn, chưa phân biệt được tình yêu đích thực
– Tác động xấu tới tâm lí: buồn giận, ghen tuông,…
– Biểu hiện tình yêu quá đà, vượt giới hạn
=> Tiểu kết: Tình yêu tuổi học trò không tốt nếu không biết yêu.
* Tình yêu học trò là nên nếu biết yêu vì:
– Là tình cảm đầu đời trong sáng, đẹp đẽ.
– Là động lực học tập
– Là trải nghiệm, bài học đầu đời
– Giúp cuộc sống tươi đẹp, lạc quan
c. Bài học
* Tình yêu ở tuổi học trò nên – không nên phụ thuộc vào cách yêu, nhận thức mỗi con người.
* Thế nào gọi là “biết yêu”
– Chọn lựa đối tượng, cân nhắc kĩ càng.
– Lấy tình yêu làm động lực hoàn thiện bản thân.
– Tình yêu phù hợp với lứa tuổi, đạo đức, khuôn phép xã hội.
3. Kết bài:
* Kết lại vấn đề vừa nghị luận
* Mở rộng và nâng cao vấn đề
1. Mở bài:
* Dẫn dắt vào vấn đề (qua thơ, lời bài hát, những câu danh ngôn,..)
* Nêu vấn đề: Tình yêu ở tuổi học trò – nên hay không nên ?
2. Thân bài:
a. Giải thích:
* Tình yêu là gì? – tình cảm nam nữ; rung động của trái tim; là sự yêu mến, đồng cảm, sẻ chia của con người với con người.
* Tuổi học trò là gì? – lứa tuổi từ 18 đổ lại, ngày ngày cắp sách tới trường, là tuổi có nhiều biến đổi tâm lí, chưa nhận thức tốt.
=> Tình yêu tuổi học trò là rung động đầu đời trong sáng, tươi đẹp và ý nghĩa của nam nữ học sinh.
b. Phân tích
* Tình yêu học trò là không nên nếu không biết yêu vì:
– Ảnh hưởng đến việc học
– Chưa chín chắn, chưa phân biệt được tình yêu đích thực
– Tác động xấu tới tâm lí: buồn giận, ghen tuông,…
– Biểu hiện tình yêu quá đà, vượt giới hạn
=> Tiểu kết: Tình yêu tuổi học trò không tốt nếu không biết yêu.
* Tình yêu học trò là nên nếu biết yêu vì:
– Là tình cảm đầu đời trong sáng, đẹp đẽ.
– Là động lực học tập
– Là trải nghiệm, bài học đầu đời
– Giúp cuộc sống tươi đẹp, lạc quan
c. Bài học
* Tình yêu ở tuổi học trò nên – không nên phụ thuộc vào cách yêu, nhận thức mỗi con người.
* Thế nào gọi là “biết yêu”
– Chọn lựa đối tượng, cân nhắc kĩ càng.
– Lấy tình yêu làm động lực hoàn thiện bản thân.
– Tình yêu phù hợp với lứa tuổi, đạo đức, khuôn phép xã hội.
3. Kết bài:
* Kết lại vấn đề vừa nghị luận
* Mở rộng và nâng cao vấn đề