Dù mới chỉ học được một năm nhưng em đã có nhiều kỉ niệm dưới mái trường này. Đối với em, ngôi trường nơi em học như ngôi nhà thứ hai và em yêu quý trường của em biết bao.
Ngôi trường nằm ở phía Đông Nam của thành phố. Khi đến gần, chúng ta sẽ bắt gặp biển dòng chữ "Trường THCS Lý Tự Trọng" được làm bằng đá hoa cương. Đó là tên một người anh hùng, một nhà Cách Mạng trẻ tuổi của Việt Nam. Bên dưới là cánh cổng sắt được sơn màu xanh. Vì đã cũ nên mỗi khi bác bảo vệ mở ra, kéo vào là nó lại kẽo kẹt nghe thật vui tai. Cánh cổng lúc nào cũng mở rộng như một người mẹ luôn chào đón chúng em bước vào thế giới của kiến thức, của những lời hay lẽ phải, của tình cảm thầy trò, bè bạn thắm thiết. Đối với em, ngôi trường này không nguy nga và tráng lệ như một tòa lâu đài mà chỉ đơn sơ nhưng vẫn giữ đầy nét trang nghiêm và thân thiện lạ thường.
Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu mở ra. Ngay trước mắt là một vườn hoa rực rỡ sắc màu. Nào hoa hồng đỏ thắm, nào hoa cúc vàng tươi khoe mình dưới ánh nắng mặt trời. Có cả một khóm hoa đồng tiền màu trắng, màu đỏ, màu cam, luôn rung rinh trong gió như cười với thiên nhiên. Cuối vườn là một mảnh đất trồng toàn hoa mười giờ. Cứ đến đúng mười giờ, tất cả các bông đồng loạt nở rộ, mở mắt ngắm nhìn bầu trời, vui đùa cùng bướm chim. Thỉnh thoảng cô gió khẽ lướt qua khu vườn, cùng với ong bướm từ khắp mọi nơi bay về, tạo thành một buổi dạ hội hoành tráng, lộng lẫy, kiêu sa. Các loài đều cố gắng phô hết vẻ đẹp của mình với ngôi trường. Phía bên trái khu vườn là sân cát. Giờ ra chơi nào, các bạn nam cũng ra đây chơi đá bóng. Dù mồ hôi ướt đẫm vai, nhưng các cầu thủ đều chơi rất hăng say, nhiệt tình. Tiếng cổ vũ, tiếng hò hét, tiếng cười vui sướng khi trái bóng vào lưới làm cho khung cảnh thêm rộn rã.
Đánh tầm mắt sang bên phải, sẽ thấy toàn cảnh sân trường. Sân trường được lát bằng xi măng mang một màu trắng xoá. Vào mùa hè, ngôi trường khoác trên mình chiếc áo xanh khổng lồ, chiếc áo được dệt bởi những tán lá cao, rộng của cây bàng, cây phượng, cây xà cừ, cây bằng lăng, cây lộc vừng. Chúng em rất thích được ngồi dưới gốc bàng trò chuyện, chơi đùa, ngắm nhìn toàn cảnh ngôi trường đang đổi thay từng ngày. Giữa sân trường là sân khấu, nơi tổ chức các buổi lễ quan trọng của nhà trường. Bên cạnh là cột cờ với lá cờ đỏ tươi, ngôi sao vàng năm cánh như nhắc nhở chúng em phải biết ơn những người đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc Việt Nam. Trường của em có bốn dãy nhà, gồm hai dãy nhà ba tầng dành cho học sinh, một dãy nhà đa năng và một dãy nhà dành cho giáo viên. Dãy nào cũng được sơn màu vàng óng, nhưng qua thời gian, một vài mảng tường đã tróc ra, chỉ còn lại vệt xi măng. Dãy nhà dành cho học sinh có ba tầng, nằm cạnh nhau. Phòng nào cũng có một cửa chính, một cửa phụ và sáu cửa sổ ở hai bên. Nhìn vào trong lớp học, bàn ghế sạch sẽ, ngay ngắn. Đặc biệt mỗi lớp học đều có ảnh Bác Hồ, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng và nội quy lớp học để cho chúng em không được quên những nội quy của nhà trường. Cuối mỗi phòng, có đóng một giá sách bằng gỗ nho nhỏ để lúc rảnh rỗi chúng em có thể lấy sách ra đọc, tiếp thu thêm nhiều bài học mới về cuộc sống. Ngày trước do điều kiện kinh tế không cho phép nên cơ sở vật chất của mỗi lớp còn thiếu thốn. Ngày nay do có sự hỗ trợ của lãnh đạo, lớp học nào cũng được lắp đặt các trang thiết bị cần thiết cho việc học như máy tính, máy chiếu và loa. Dãy nhà dành cho giáo viên gồm phòng y tế, phòng Hội đồng, phòng Hiệu trưởng, phòng Hiệu phó, phòng Giáo vụ, phòng Phô-tô. Cuối dãy là thư viện trường. Cuối cùng là dãy nhà đa năng gồm ba phòng thí nghiệm cho các môn Sinh, Lý, Hoá và một phòng dành cho thực hành môn Tin Học.
Trường em tuy nhỏ bé, nhưng luôn nằm trong tốp đầu phong trào thi đua "dạy tốt học tốt' của thành phố. Chúng em luôn được các thầy cô quan tâm, dạy bảo. Các thầy cô rất nhiệt tình, hết lòng vì học sinh, luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em học tập.
Em rất thích ngôi trường của em, nơi đã để lại cho em nhiều kỉ niệm của những năm tháng học trò, tình cảm đối với thầy cô, bạn bè. Mai đây dù có đi đâu xa em vẫn nhớ mãi ngôi trường THCS Lý Tự Trọng thân thương này.