Trong kho tàng các câu chuyện dân gian Việt Nam, có rất nhiều nhân vật quen thuộc, mỗi nhân vật đều đều mang lại cho ta một bài học cuộc sống thật sâu sắc. Và nhân vật mà em yêu thích nhất đó chính là nhân vật ông bụt trong truyện "Cây Tre trăm đốt".
Ngày xưa có một anh trai cày khỏe mạnh, chăm chỉ. Vì nhà nghèo nên phải đi làm thuê cho lão bá hộ. Vốn tính keo kiệt, bủn xỉn, và nham hiểm, một hôm hắn gọi anh trai lại và nói: Con hãy ráng làm việc đi, ta sẽ gả con gái cho. Tưởng thật, anh trai cày lao vào làm việc quần quật.
Hai năm sau, nhờ công của anh mà lão bá hộ tậu được rất nhiều nhà cửa, ruộng vườn. Hắn lại gọi anh lại và bảo: "Hai năm qua con đã làm việc thật vất vả, nay ta se gả con gái cho con. Nhưng con hãy vào rừng kiếm cho bằng được cây tre trăm đốt". Anh trai cày liền chạy vội vào rừng, chặt mãi chặt mãi mà không thấy.
Biết bá hộ lừa mình, anh òa khóc. Trong lúc đó, lão bá hộ cho người chuẩn bị hôn lễ cho con mình và cậu con trai nhà giàu làng bên. Bỗng lúc đó, một làn khói trắng tỏa ra che lấp cả mặt trời chói chang. Đằng xa, một ông bụt đầu tóc bạc phơ bắt đầu hiện ra. Ông có khuôn mặt hình chữ điền cùng chiếc cằm chẻ trông rất hiền lành và cái tráng cao chứa đầy những nếp nhăn hằng sâu đến lạ.
Phía sau khóe mắt hình chân chim là đôi mắt to tròn, luôn ánh lên một cái nhìn nhân hậu. Nằm cân đối giữa hai gò má đồi mồi đã nhan nhúm đi nhiều là một chiếc mũi khoằm trông rất ngộ nghĩnh. Hàm răng ông tuy không được trắng bóng nhưng lại đều như hạt bắp, nằm ẩn sau đôi môi đầy đặn, hồng hào.
Nhưng điều khiến ông trông thật gần gũi là hàm râu dài đến ngực và cũng trắng tinh một màu.Tất cả tạo cho ông một cái nhìn tuy đơn sơ như những cụ già Việt Nam nhưng lại mang đậm tính thương người, sẵn sàng giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Ông khoác trên mình một chiếc áo trắng tinh luôn óng ánh dưới những tia nắng mặt trời và được tô điểm bằng những hình vẽ long, phụng.
Tay ông dài dài, lúc nào cũng phe phẩy cây phất trần trắng xóa như mái tóc của mình. Chân ông cao cao nhưng bước đi vẫn còn nhanh nhẹn. Thấy anh trai cày ngồi khóc ông bước đến cất một tiếng cười lớn. Tiếng cười lan rộng và xa đến mọi ngóc ngách của khu rừng. Rồi với một giọng nói trầm, ấm, ông hỏi: "Tại sao con khóc?"
Anh trai cày mếu máo kể lại hết mọi việc cho ông tiên nghe. Sau một hồi trầm ngâm ông bảo anh trai cày đem một trăm đốt tre về và xếp thành một hàng dài. Thế rồi ông bắt đầu làm phép. Ông phất pha phất phới cây phất trần của mình, một làn gió mạnh bắt đầu thổi, cuốn phăng tất cả những lá cây rơi rụng trên đường. Một vầng hào quang bắt đầu xuất hiện sau lưng ông.
Ông hô: "Khắc nhập - khắc nhập". Tiếng hô thật dõng dạc mà nghe đầy quyền năng. Những đốt tre bắt đầu bị hút vào với nhau tạo thành một cây tre trăm đốt. Một lần nữa, ông lại cất tiếng cười vang vọng cả núi rừng. Anh trai cày chưa kịp cảm ơn thì ông tiên đã hóa phép biến ra một làn khói trắng rồi bay về trời từ lúc nào không biết.
Ông cũng không quên căn dặn anh phải nhớ kĩ hai câu thần chú. Anh trai liền chạy về để cản buổi lễ thành hôn. Xấu hổ quá, hai vợ chồng lão phú hộ đành gả con cho anh trai cày. Và thế là hai người đã sống với nhau đến trọn đời.
Qua hình ảnh ông tiên trong câu chuyện này và nhiều câu chuyện khác nữa. Người xưa muốn khuyên dạy chúng ta: Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác. Ông tiên luôn là người xuất hiện để giúp đỡ những người nghèo khó trước sự tàn bạo của bọn phú hộ. Sau này, lớn lên, em sẽ kể cho con nghe các câu truyện dân gian này để chúng sẽ là người lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc.
_JK_
Với ta, người ấy chính là cả thế giới
Hoàng Tử Bé đem lòng yêu một đóa hồng ở quê nhà - tiểu tinh cầu B612. Nàng tự nhận nàng là độc nhất trong giống loài mình. Các cô gái hay ôm sự tự mãn dễ thương như thế, và đó đồng thời là nỗi tự ti thầm kín cùng lòng kì vọng vào sự độc tôn trong trái tim người họ yêu.
Đặt chân tới Trái Đất, Hoàng Tử Bé ngỡ ngàng đứng trước một vườn hồng có tới hàng nghìn đóa hoa giống hệt bông hồng của cậu. Cậu đau khổ và cảm thấy bị lừa dối.
Thế nhưng, sau cuộc trò chuyện với chú Cáo có bộ lông đỏ rực, loài vật của sự im lặng, một sự im lặng không rõ là tinh ranh hay thông thái, cậu hiểu ra rằng đóa hồng của cậu là duy nhất. Sự duy nhất của đóa hồng ấy là bởi nàng là bông hoa cậu yêu.
Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi. Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu.
Giống như cuộc chiến giữa cừu và hoa, là chuyện phù phiếm với viên phi công, nhưng là điều tối quan trọng với Hoàng Tử Bé; giống như mọi sự trên thế gian, kể cả tính mạng cậu bé (khi cậu mượn nọc độc của rắn để mong trút lại thân xác nặng nề mà trở về với bông hoa)… Tất cả, tất cả đều không quan trọng bằng sự tồn tại của một đóa hồng.
Cái cách mà Hoàng Tử Bé luôn hướng về ngôi sao của cậu - nơi có đóa hồng với bốn cái gai mỏng manh - khiến ta nhớ tới một bộ phim hoạt hình sản xuất năm 2009 của hãng Walt Disney: The Princess and the Frog.
Chú đom đóm Ray đem lòng yêu ngôi sao mà chú gọi là nàng Evangeline, một tình yêu ai cũng ngán ngẩm rằng vô vọng, nhưng rồi cuối cùng, bởi sự một lòng một dạ ấy, chú đom đóm cũng trở thành một ngôi sao.
Hình ảnh hai vì sao lấp lánh cạnh nhau làm ta liên tưởng đến “second star to the right” dẫn lối tới Neverland - vùng đất của những đứa trẻ không lớn. Kể ra, trong tình yêu, ai cũng là những đứa trẻ, hay phạm lỗi và cần được yêu thương.
Tình yêu được cảm nhận bằng trái tim
Cáo lông đỏ tiết lộ với Hoàng Tử Bé: “Đây, cái bí quyết của tớ. Rất giản dị thôi: Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy.”
Nhiều khi những quyết định mang tính trực giác, bản năng đem tới kết quả tốt hơn sự phân tích bằng lí tính. Cái “nhiều khi” ấy đúng trong tình yêu. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định, để kết nối bản năng và lí trí.
Tình yêu khiến thế giới của ta tốt đẹp hơn
Mặc những lý thuyết về việc tình yêu chỉ là bản năng từ thuở hồng hoang để con người gắn kết với nhau cùng chống kẻ thù, thú dữ, tình yêu vẫn là điều được loài người ngợi ca. Nếu không ngửi hoa và nhìn một ngôi sao thì chỉ là một cây nấm không hơn không kém, Hoàng Tử Bé đã giận dữ thốt lên như vậy.
Hoàng Tử Bé nói với viên phi công rằng cồn cát đẹp vì nó ẩn chứa nguồn nước, và các vì sao đẹp bởi trên một vì sao có một bông hồng. Nếu ai đó yêu một đoá hoa mọc lẫn giữa hàng triệu và hàng triệu vì sao, thì chỉ cần ngước nhìn các vì sao cũng đủ khiến người ấy thấy hạnh phúc.
“Khi một người yêu một đóa hoa, hoa ấy chỉ có một đóa thôi, trong hàng triệu hàng triệu ngôi sao, chừng ấy đủ làm cho anh sung sướng khi nhìn những ngôi sao.”
Tình yêu rất hiếm có, những thứ na ná tình yêu thì rất nhiều
Hoàng Tử Bé, thời còn ngụ trên tiểu tinh cầu B612, mỗi ngày đều thông muội ba ngọn núi lửa và nhổ những cây bao báp nhỏ. Hình tượng những cây bao báp khiến ta liên tưởng đến những thứ na ná tình yêu ta va phải hàng ngày, để đến được nơi ta tìm thấy người ta thật lòng thương yêu.
“Đều đặn phải lo việc nhỏ bọn bao báp từ lúc ta còn kịp phân biệt chúng với các cây hoa hồng, mà bao báp hồi còn thơ thì lại giống cây hoa hồng lắm.” Xuất phát điểm của những mối quan hệ thường đều tốt đẹp, nhưng khi ta “nuôi lớn” tình cảm, có những mối quan hệ là độc hại, tình yêu thì không nhiều.
Những cây bao báp sẽ phá hủy cả hành tinh, còn đóa hồng thì mang lại cho ta tình yêu và trải nghiệm sống. Hạnh phúc không tồn tại nhan nhản xung quanh ta. Để tìm thấy nó, ta phải mở thật to mắt tìm kiếm, và phải thật cẩn trọng phân biệt các chồi non.
Thời gian để chăm sóc tình yêu khiến tình yêu trở nên quan trọng
Đóa hồng là duy nhất đối với Hoàng Tử Bé, bởi cậu đã dành từng ấy thời gian và tâm sức chăm sóc nàng. Cáo bảo cậu: “Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế.”
Nếu không phải ngày ngày cậu tưới hoa, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì nàng là đoá hồng của cậu, có lẽ bông hồng ở tiểu tinh cầu B612 sẽ chẳng khác gì những đóa hoa trống rỗng trong vườn hồng nơi Trái Đất. Hoàng Tử Bé đã dành thời gian cho hoa, hoa cũng dành thời gian cho cậu, tình yêu phải là sự vun đắp, sự “thuần hóa” đến từ hai phía.
Khái niệm “thuần hóa” mà Saint-Exupery đã để Cáo định nghĩa vô cùng thấm thía: “thuần hóa” là tạo nên những mối liên hệ để hai người cần đến nhau. Người ta chỉ hiểu những gì người ta đã thuần hóa, và việc thuần hóa, giống như Hoàng Tử Bé đã thuần hóa Cáo, là việc phải dành nhiều thời gian và công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn và dịu dàng, từng chút một.
“Nếu ai đó không thể chịu đựng tôi lúc xấu xí nhất, thì cũng không xứng đáng có được tôi lúc huy hoàng nhất”
Kiêu kì, đỏm dáng, có phần nông cạn - bông hồng của Hoàng Tử Bé gợi nhớ tới nàng Holly trong tác phẩm Breakfast at Tiffany's, câu chuyện nổi tiếng được Hollywood chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng không kém công chiếu năm 1961.
Bông hoa ấy yếu đuối như một cách nói yêu, những mánh khóe và sự tinh khôn đáng thương của nàng chính là sự dịu dàng. Bông hồng đỏng đảnh, giống như con gái kiêu kỳ, thường hay nhõng nhẽo, khó chiều. Nhưng thật ra, các cô gái chỉ giận dỗi những người mà họ tin rằng dù thế nào cũng sẽ không quay lưng bỏ đi.
Bông hồng đã trao cho Hoàng Tử Bé tình yêu, vẻ đẹp và hương thơm của nàng, để đẹp và để ngát hương như vậy, chắc chắn nàng cần phải được bảo vệ khỏi lũ sâu, khỏi gió lùa và khỏi cảm giác sợ hãi khi không được chở che.
Tình yêu rất mỏng mảnh, dễ tan vỡ
Bối rối và mệt mỏi - như tất cả chúng ta vẫn thường vậy trong tình yêu - Hoàng Tử Bé chọn cách rời xa đóa hồng để khám phá thế giới và chính mình. Sau này, cậu thú nhận với viên phi công rằng cậu đã “chạy trốn” và hối tiếc về hành động của mình.
Nhưng có lẽ, việc Hoàng Tử Bé rời B612 là việc nên làm, phải làm, và thực sự cậu đã làm vậy. Nếu không ra đi, cậu sẽ mãi băn khoăn, chán ngán, và chẳng bao giờ nhận ra tình cảm và bản chất sự độc nhất của đóa hoa hồng. Giống như trong bài hát Let her go của Passenger: “Only know you love her when you let her go/ And you let her go” (Ta chỉ biết ta yêu nàng khi ta để mất nàng. Và ta đã đánh mất nàng).
Trong chuyến phiêu lưu của Hoàng Tử Bé, cậu đã gặp một nhà địa lý ở tinh cầu thứ sáu cậu đặt chân đến. "- Chúng tôi không ghi chép những loài hoa" - Nhà địa lý nói. "- Sao vậy! Hoa là thứ đẹp nhất kia mà". "- Bởi vì hoa vốn phù du".
Bởi vì vẻ đẹp chóng tàn, và tình yêu không được nuôi dưỡng sẽ tan đi như bọt bể. Một khi đã khiến đối phương tổn thương, giống như cậu đóng những chiếc đinh lên hàng rào, rút đinh ra thì những lỗ đinh vẫn còn mãi đó. Tổn thương có thể lành, nhưng sẹo không xóa đi được.
Hoàng Tử Bé rời tiểu tinh cầu B612 rất dễ, chỉ cần theo một đàn chim di cư, nhưng để trở về, cậu phải chấp nhận rủi ro bằng nọc rắn, và người đọc chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng thứ chất độc rủi ro đó đã thực sự đưa cậu về với đóa hoa hồng.
Mất đi tình yêu nhiều khi là cách để chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn
"What doesn't kill you makes you stronger" - Friedrich Nietzsche viết.
Việc Hoàng Tử Bé bỏ đi, nếu tạm coi như sự tan vỡ trong mối quan hệ của cậu với bông hoa, ta có thể thấy, từ mối tan vỡ này, cả Hoàng Tử Bé và bông hồng đều trở nên mạnh mẽ và sáng suốt hơn.
Đến Trái Đất, lần đầu tiên nghe thấy tiếng vọng, Hoàng Tử Bé nhận xét rằng nơi đây thật nhạt nhẽo, thật khác với ngày cậu còn ở cùng một bông hoa luôn cất tiếng trước. Cậu dần nhận ra tầm quan trọng của những điều giá trị mà vì đã có trong tay, cậu không mấy để tâm.
Cậu bắt đầu biết nghĩ về sự hy sinh của người khác, biết thương một cô nàng không sợ hổ, nhưng sợ gió lùa, một bông hoa chỉ có bốn cái gai để chống chọi với cuộc đời dữ dội, nhưng can đảm đẹp nhất để làm cậu ưng lòng.
Bông hồng, vốn là hiện thân của sự nông cạn, đỏng đảnh, kiêu kỳ, cũng lớn lên từ mối quan hệ đổ vỡ này. Nàng không cần lồng kính nữa, nàng chấp nhận sự ra đi của cậu bằng vẻ bình tĩnh dịu dàng, không hề trách móc, bằng sự kiêu hãnh, và hơn hết, nàng yêu cậu, nên nàng không muốn người mình yêu thấy nàng rơi nước mắt.
Và bông hoa cũng dạy chúng ta cách vượt qua sự sợ hãi, tổn thương và khó khăn, bởi: “Em muốn biết bươm bướm là thế nào, em phải chịu đựng vài ba con sâu".
Thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng của trẻ em Việt Nam là một thế giới đầy màu sắc. Ở nơi thiên đường đó có cô Tấm dịu hiền, có anh Khoai chăm chỉ, cần cù và chàng Thạch Sanh khỏe mạnh, dũng cảm. Tuy nhiên, người mà những đứa trẻ chúng tôi thích nhất lại là ông Tiên – cụ già tốt bụng, luôn mang đến những điều ước màu nhiệm.
Trong trí tưởng tượng của tôi, ông tiên chắc cũng chẳng khác gì ông nội là mấy. Ông cũng có mái tóc trắng, búi củ tôi như các cụ ngày xưa. Ông có đôi mắt to, tròn nhìn hết cả thế gian xem ai khó khăn, đau khổ thì giúp đỡ. Đôi mắt ấy rất hiền hậu, nhân từ như chính con người ông.
Ông tôi ngày xưa có chùm râu dài đến rốn, bạc trắng nên tôi nghĩ bụt cũng vậy thôi. Da dẻ ông hồng hào, trắng trẻo vì ăn nhiều đào tiên trên thiên đình. Ông Tiên hay đi giúp đỡ người khác. Mỗi lần ông xuất hiện là lại có những đám khói trắng xóa ở đâu hiện ra mà chúng tôi thường gọi là "cân đẩu vân" của ông. Xung quanh ông Tiên, những luồng ánh sáng có thể soi sáng cả thế gian.
Ông thường mặc bộ quần áo màu vàng, đôi guốc mộc trông giản dị và gần gũi như ông mình. Giọng nói của ông ấm áp và ôn tồn xoa dịu hết mọi nỗi đau. Nhưng điều làm tôi yêu ông nhất chính là tấm lòng của ông. "Ông Tiên tốt bụng", "cụ già mang đến nhiều điều ước" là những cái tên mà tôi đặt cho ông. Ông Tiên giúp đỡ chị Tấm gặp được nhà vua. Khi chị Tấm không có quần áo đi dự hội, ông đã hóa phép biến đống xương cá ở bốn chân giường thành bộ quần áo đẹp, thành đôi hài đỏ dễ thương và thành con ngựa hồng để chị Tấm đi dự hội.
Ông Tiên đã dạy cho anh Khoai hai câu thần chú để trị tội tên địa chủ và cưới được con gái hắn. Trong câu chuyện cổ tích “Bông cúc trắng” ông tiên đã chỉ đường cho cô bé hái được hoa cúc mang về chữa bệnh cho mẹ. Ông còn đến tận nhà khám bệnh, chữa trị cho mẹ cô bé hiếu thảo kia…
Vậy đấy! Với cây phất trần trong tay ông đã đi khắp mọi nơi, gặp đủ hạng người, tốt có, xấu có. Nhưng chỉ những người tốt, những đứa bé ngoan ngoãn, học giỏi và hiếu thảo mới gặp được ông tiên, được ông giúp đỡ và cho điều ước. Còn những đứa trẻ hư, những người xấu sẽ phải chịu hình phạt thích đáng.
Tôi yêu ông Tiên lắm. Tôi coi ông như ông ruột của mình ấy. Từ hồi còn nằm nôi, tôi đã được các bà các mẹ kể về ông Tiên. Đến trong mơ, tôi cũng nhìn thấy những việc mà ông đã làm để giúp đỡ bà con nghèo, người gặp hoạn nạn. Tôi không phải là một đứa trẻ ngoan. Đôi lúc tôi còn lười biếng và cãi lại mẹ nhưng tôi sẽ sửa chữa, tôi sẽ cố gắng chăm học hơn, ngoan ngoãn hơn để một lần được nhìn thấy ông tiên – cụ già tốt bụng và nhân hậu của tôi.
Có những câu chuyện đọc rồi sẽ quên. Nhưng cũng không ít quyển sách đã để lại ấn tượng khó phai, là tiền đề, mục đích, lí tưởng và là bệ phóng hướng con người tới những chân trời tương lai tươi mới. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một quyển sách như vậy.
Tôi tin với bất cứ ai từng đọc tác phẩm này đều không thể quên được thế giới mông lung và đầy mơ mộng trong con mắt của cậu bé tám tuổi tinh nghịch. Nhưng thế giới ấy chẳng hề xa hoa, bí ẩn hay mĩ miều như trong những câu chuyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ mà nó chính là góc khuất thầm kín trong tâm hồn, là những kí ức chân thật nhất, là tấm gương rọi vào quá khứ phản chiếu lại biết bao kỉ niệm của một thời thơ ấu đã qua.
Nguyễn Nhật Ánh đã tặng bạn đọc một tấm vé trên chuyến tàu đặc biệt để mỗi người chúng ta có thể lật lại trang sách thời gian nhuốm màu dĩ vãng này trở về dòng sông trong trẻo của tuổi thơ và gột rửa hết những bụi bặm, những bế tắc, những phù phiếm ở thế giới người lớn. Xin đừng vội nghĩ rằng đây chỉ là tác phẩm sáo rỗng, vô vị dành cho bọn trẻ con mà đánh mất đi cơ hội tìm về chính bản thân mình, tìm về chính bản chất đơn thuần nhất của cuộc sống, cũng như tác giả đã từng khẳng định “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.
Xuyên suốt quyển sách là câu chuyện xoay quanh nhóm bạn bốn người với những “ông cụ, bà cụ non” khoác trên mình hình hài trẻ thơ gồm: nhân vật tôi (cu Mùi), con Tí sún, thằng Hải cò và Tủn - hoa khôi của xóm. Qua hành trình khôn lớn của những “bé con” đó, tôi như được chứng kiến một thước phim quay chậm lúc thì mờ ảo, nhiễu loạn nhưng có lúc hình ảnh về ngày tháng tuổi thơ lại hiện lên rõ nét, sinh động ngỡ như mới chỉ ngày hôm qua.
Cô Tấm dịu hiền - Truyện "Tấm Cám"
“Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa”.
Mỗi con người Việt Nam có ai lớn lên mà không gắn bó với những câu chuyện cổ tích. Khi còn bé, những câu chuyện cổ tích theo ta vào giấc ngủ, lúc trưởng thành, truyện cổ tích lại thành bài học theo ta suốt cuộc đời. Ta quên làm sao những nhân vật tuy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng lại sống động lạ kì. Và trong tâm trí tôi, hình ảnh cô Tấm dịu hiền luôn để lại nhiều ấn tượng nhất.
Từ hồi còn nhỏ, câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã luôn có sức hút đặc biệt đối với tôi. Tôi thương cô Tấm dịu hiền bao nhiêu thì căm ghét mẹ con Cám độc ác bấy nhiêu. Cô Tấm trong tâm trí tôi là một người con gái đoan trang, hiền lành, nết na. Cô có dáng người mảnh khảnh như cây mai, khuôn mặt tròn, đầy đặn, phúc hậu như trăng rằm.
Làn da của cô thì trắng như trứng gà bóc. Đôi mắt cô đen láy, cái nhìn ánh lên sự dịu dàng, hiền từ, giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tiếng chim hót buổi sớm mai. Trên người cô chỉ là bộ quần áo nâu giản dị nhưng không hề làm mất đi vẻ xinh đẹp vốn có.
Tấm không chỉ đẹp người mà còn đẹp nết. Từ nhỏ cô đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì mẹ mất sớm, dì ghẻ thì chỉ yêu thương Cám và đối xử bất công với cô. Tấm phải làm việc vất vả từ sáng đến tối bởi dì ghẻ đầy đọa cùng đứa em ích kỉ đùn đẩy, tuy vậy, cô chẳng bao giờ thở than lấy một lời, cố nén tất cả nhẫn nhịn, uất ức vào trong lòng.
Tấm vừa là người con hiếu thảo, vừa là cô gái chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Khi đã trở thành hoàng hậu, có một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, hằng năm, Tấm vẫn nhớ tới ngày giỗ bố, biết bố thích ăn trầu, Tấm trèo lên cây hái một buồng cau để thắp hương bố. Bị mẹ con dì ghẻ hãm hại hết lần này đến lần khác nhưng Tấm vẫn tái sinh một cách kì diệu, có lúc Tấm hóa thân thành con chim vàng anh, có lúc lại biến thành cây xoan đào, khung cửi, quả thị.
Cuối cùng, sau bao khó khăn, thử thách Tấm cũng có được hạnh phúc viên mãn, mẹ con dì ghẻ bị trừng trị thích đáng. Câu chuyện về cuộc đời cô Tấm làm em thấm thía hơn triết lí ở hiền gặp lành của ông cha ta. Những người hiền lành như cô Tấm dẫu có phải trải qua nhiều bất công, thử thách nhưng đến cuối vẫn sẽ có được một cuộc sống xứng đáng với những gì cô đã phải trải qua.
Cô Tấm hiền lành, chăm chỉ tiêu biểu cho những người nông dân thật thà, chất phác. Hình ảnh cô Tấm đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ, chiếm một vị trí quan trọng trong thời thơ ấu của mỗi người.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – một quyển truyện kể về những giai đoạn mà đời người ai cũng từng trải qua nhưng đôi khi bộn bề với cuộc sống, cơm áo gạo tiền và những nỗi lo không đặt hết tên chúng ta quên mất đi sự tồn tại của nó. Nó là “tuổi thơ”.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Thiều - một học sinh lớp 7 sống ở vùng quê nghèo cùng với người em trai tên tường, là một cậu bé dễ thương, hiền lành, rất yêu mến anh trai và rất thích chơi đùa cùng các loài động vật, lại say mê những câu chuyện cổ tích, đặc biệt là Cóc Tía. Thiều lại là một người hướng ngoại, tinh quái, nhiều lần khiến em mình chịu những tai họa nhưng lại rất thương em. Về gần cuối câu chuyện Thiều thích một cô gái cùng lớp nhưng lại lớn hơn mình một tuổi tên là Mận. Mận xinh xắn lại ngây thơ nhưng lại học không được tốt do chăm sóc người cha mắc bệnh phong bị mẹ giam trên gác nhà. Lại một nhân vật khác tên Đàn, chú Đàn là em trai của ba Thiều, bị mất một cánh tay do tai nạn nhưng vẫn yêu đời và thường kể chuyện cho hai anh em Thiều, Tường nghe. Nỗi muộn phiền duy nhất do ở chuyện tình trắc trở do cánh tay cụt gây ra. Chú đang yêu chị Vinh – một cô gái cùng xóm, lại là con gái thầy chủ nhiệm lớp Thiều, người thầy mà lúc nào Thiều cũng sợ chết khiếp. Nhiều chuyện liên tiếp xảy ra. Phải kể đến chính là khi căn gác nhà Mận bị bốc cháy. Mận suy sụp hoàn toàn bởi chịu cú sốc lớn gia đình Thiều đã giúp đỡ Mận trong lúc khó khăn nhất và đưa cô bé về ở chung với mình. Về sau, và sau khi chú Đàn và chị Vinh cùng dắt nhau bỏ trốn vì không nhận được sự chấp thuận của hai gia đình cùng với những tai họa khác nhau mà Thiều đã gây ra cho Tường. Mận lại được mẹ đón đi tìm cha và Thiều lại tận tình chăm sóc cho Tường sau những rủi ro mà chính Thiều gây ra cho em. Một hôm, Thiều mừng rỡ khi hay tin em mình tỉnh dậy, và được nghe em kể chuyện về nàng công chúa. Nàng công chúa ấy là Nhi – con một người mổ lợn trong làng. Người làng lầm tưởng Nhi đã chết sau vụ tai nạn ba năm trước nhưng đã có vấn đề về thần kinh. Sự nôn nóng muốn gặp Nhi càng làm cho Tường quyết tâm tập đi lại. Một ngày nọ hai anh em nhìn thấy Nhi đang bị đám trẻ trong làng bắt nạt, Tường đã dùng hết sức bằng chính đôi chân mình để bảo vệ Nhi. Kì diệu thay, nghĩa cử này lại giúp cô bé nhớ ra mọi chuyện và trở lại bình thường. Ngoài ra câu chuyện còn xuất hiện các nhân vật khác như ba của Thiều, thầy chủ nhiệm, thằng Sơn, bạn Xin, Sơn... Họ đều giúp ta mở ra chân trời mới và biết yêu thương nhau, biết trân trọng tuổi thơ của mình nhiều hơn.
Ta bắt gặp thấy trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một thế giới đầy bất ngờ và thú vị, non trẻ với những suy ngẫm giản dị thôi nhưng vẫn giản dị đến lạ. Giúp ta soi mình trong đó một chút của bản thân khờ khạo. Một chút ký ức về tuổi thơ tươi đẹp, có thể là những lần bóng mát của hai anh em, có thể là cái tình yêu trẻ con của Thiều và mận... thật rất ngây thơ, khờ khạo.
Tôi thấy mình của ngày hôm qua trong từng trang sách. Tôi thấy cánh diều nhỏ bay giữa trời, thấy mình ngỗ ngịch, hơn thua, tôi thèm viết một bức thư tay ngày ấy, thèm một buổi chiều hóng gió sau bãi đất đầy hoa vàng, đỏ, xanh,...tôi thấy sự nhọc nhằn của ba, thấy lo toan của mẹ, con người trên đất nước này đã được bước qua khổ đau như thế nào,...tuổi thơ mình đẹp biết bao sau khi khép lại quyển sách thấy lòng mình nhẹ tênh, thấy yêu thương mình và cả những tuổi thơ đầy màu sắc.
Có thể xem quyển sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một chiếc máy bay về tuổi thơ, mỗi một mẩu chuyện nhỏ là một toa tàu, mỗi một toa tàu là những màu sắc thú vị khác nhau, có người sẽ bật cười, có người sẽ rưng lệ. Với người trẻ có thể đó là hình bóng của mình, nhưng với người lớn, câu chuyện cũng có thể là nỗi ăn năn về tuổi thơ, những hoài bão cao đẹp. Nguyễn Nhật Ánh đã dùng sự chiêm nghiệm cả cuộc đời để viết nên quyển truyện dài tuyệt vời đến thế, còn bạn? Liệu bạn có muốn viết cho mình một cuốn sách về cuộc đời đầy màu sắc ấy không?