tham khảo:
Biết bao nghề nghiệp đang tồn tại và phát triển trong xã hội. Chúng ta quý trọng tất cả mọi nghề nhưng cũng rất tự hào và vinh dự với nghề dạy học!
Bởi vì dạy học không bao giờ là một nghề tầm thường, hoặc là một kế sinh nhai mà là một “Thiên chức đam mê”. Mac xim Gooc Ki đã viết “Tiền đồ trẻ em và nhân dân đều nằm trong tay thầy giáo, đều nằm trong trái tim cao quý của thầy giáo”.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc sinh thời cũng đã từng dạy bảo: “Những thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo để dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao xây dựng được xã hội chủ nghĩa?”.
Do đó thầy giáo là người “vừa dạy chữ, vừa dạy người”, nên họ phải có kiến thức chắc, tay nghề vững, có đạo đức phẩm chất trong sáng, là tấm gương cho học sinh noi theo.
Nghề giáo là một trong nghề kỳ diệu. Ở đó, năm này qua năm khác người thầy tự nhân mình lên qua các học trò của mình. Người thầy giáo cũng tự nhân mình lên gieo vào tâm hồn, trí tuệ của học sinh những tri thức cao quý, những phẩm chất tốt đẹp của mình và không có gì cao cả hơn sứ mệnh đó!
Lao động của thầy giáo có giá trị cao đẹp ở chỗ là tạo ra cho con người có ích cho cuộc đời. Dù ở địa vị nào trong xã hội, dù làm gì đi nữa thì con người luôn tưởng nhớ đến những người thầy đáng kính, đến những ngôi trường thương yêu của mình đã từng học tập qua thời niên thiếu với một tình cảm tốt đẹp và lòng biết ơn sâu nặng nhất.
Vì vậy, không có lao động nào mà những sai lầm, thiếu sót lại dự đến những hậu quả to lớn như nghề thầy giáo! Do đó xã hội và ngày bản thân nghề nghiệp cũng yêu cầu rất nghiêm khắc đối với nghề thầy giáo. Thiếu nhân cách người thầy, không đủ phẩm chất, giá trị của nghề giáo thì những chân lý đẹp đẽ có thể trở nên tai hại trước con mắt của học sinh. Đối với thầy giáo, trong sáng về mặt đạo đức quan trọng biết chừng nào!
Đã chọn nghề thầy giáo là chấp nhận sự thiệt thòi và hi sinh, đôi khi là sự phũ phàng của cuộc sống, nên người thầy còn phải giàu lòng vị tha, cao thường thì mới có thể tồn tại trong nghề được, mới là “kỹ sư tâm hồn” được.
Thực trạng xã hội, cơ chế thị trường có những mặt tốt, mặt xấu của nó chi phối mọi mặt trong đời sống mỗi con người, trong đó có người thầy. Do vậy, hơn ai hết người thầy phải thực sự cảnh giác.
Thật bất hạnh thay cho những ai quên đi quá khứ, quên đi câu nói của cả dân tộc: “Không thầy đố mày làm nên”.
Riêng tôi, tôi xin lấy những câu thơ của một người thầy đáng kính đã từng đọc cho chúng tôi nghe vào dịp 20-11 của năm nào để làm hướng sống và tự an ủi mình:
“Ai bảo lớn khôn chim rời tổ
Chim bay đi trơ lại những cành cây
Thì tôi bảo chính niềm vui tôi ở đó
Từ đây chim vạn hướng tung bay”
Cuối cùng kính xin gửi đến lòng biết ơn vô hạn của người viết bài này đến thầy cô cũ đáng kính của tôi, đến những ngôi trường thân thường mà tôi đã từng miệt mài sách vở của một thời thơ ấu đã qua, trong số đó ngôi trường THPT Quế Sơn là nơi đáng nhớ nhất của đời tôi.