“Đọc là biến đi khỏi thế giới
Đọc là tìm lại được thế giới
Đọc là còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay”.
Và yêu cầu: “Qua một tác phầm văn học tâm đắc, em hãy làm rõ ý kiến trên”.
Bài viết của học sinh Ngọc Quỳnh. |
Bài viết của học sinh Lưu Ngọc Quỳnh, học sinh lớp 11CA3 nhận được lời phê khen ngợi của cô giáo: “Bài viết xúc động với lối viết giàu hình ảnh, chân thật đến xót xa. Nhờ đó làm sáng tỏ vấn đề một cách xuất sắc”.
Đúng như những gì nữ văn sĩ người Pháp đã viết, đọc sách là con đường hiệu quả nhất để người ta “biến đi khỏi thế giới” xô bồ, luôn vội vàng trong một khoảnh khắc để tìm lại cảm xúc, mở mang đầu óc và cả trái tim của mình.
Mỗi tác phẩm như một cánh cửa, lại mở ra cho người đọc bao điều mới lạ hay chỉ đơn giản là tìm về cảm xúc xưa cũ, hoài niệm mà người ta lỡ lạc mất trong cuộc sống bộn bề, đầy lo toan.
Bài thơ Cúc ơi của nhà thơ Yến Thanh chính là một tác phẩm như thế. Trang sách đã khép nhưng niềm day dứt, thương xót chị Cúc vẫn còn mãi trong lòng độc giả hôm nay.
Tình yêu Tổ quốc luôn là khái niệm thiêng liêng và quý báu, nhất là với lớp trẻ. Khi Việt Nam chìm trong khói lửa, tuổi trẻ Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt bảo vệ độc lập dân tộc. Đặc biệt, trong số đó có những nữ chiến sĩ chỉ mới mười tám, đôi mươi, đang mang trong mình rất nhiều ước mơ, hoài bão.
Vậy mà những cô gái ấy với tình yêu đất nước bao la đã biến những ước mơ thành ý chí sắt đá để có thể bảo vệ tổ quốc khi kẻ thù xâm lược. Điển hình là mười nữ thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự hy sinh của các chị đã đi vào lịch sử dân tộc, tên của các chị đã hóa thành tên chung “Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”.
Khi các chị hy sinh, thi thể của Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc được tìm thấy cuối cùng sau ba ngày ròng rã. Chính trong những ngày đen tối ấy, với niềm xót thương người em, người đồng đội, tác giả Yến Thanh đã viết bài thơ Cúc ơinghẹn ngào, da diết.
Nhà thơ Yến Thanh tên thật Nguyễn Thanh Bình, khi đó là cán bộ kỹ thuật ngành giao thông, trực tiếp làm việc tại núi bom Đồng Lộc. Đặc biệt, nhà thơ còn là người anh, người đồng đội rất thân thiết với chị Hồ Thị Cúc.
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm hết sức ác liệt, hố bom chồng lên hố bom, không còn một cành cây, ngọn cỏ. Một ngày tháng 7 năm 1968, mười cô gái Tiểu đội Bốn do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng được lệnh ra mặt đường để lấp hố bom do máy bay Mỹ vừa trút xuống. Đó là nhiệm vụ quen thuộc của các chị, vì ở đây không biết mấy trăm lần, ban ngày quân địch phá tan đường, cuối ngày thanh niên xung phong lại nối liền đường để đoàn xe lăn bánh vào Nam. Thế nhưng vào cái ngày định mệnh ấy, những trận bom của giặc Mỹ đã đồng bộ đổ xuống khi các chị đang làm nhiệm vụ, vùi lấp mười cô gái.
Sau một thời gian, thi thể chín người đã được tìm thấy duy chỉ một người cuối cùng là chị Hồ Thị Cúc vẫn bặt vô âm tín.
Đau đớn xót xa tận cùng, bốn câu thơ đầu như lời gọi của nhà thơ dành cho chị Cúc:
“Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt
Nhỏ - Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh”.
Ngọc Quỳnh (đeo kính hàng đầu tiên ) là tác giả của bài văn xúc động. Ảnh: NVCC. |
Hẳn là đau đớn lắm, xót xa lắm nên Yến Thanh mới nhớ mãi cảnh chị Tần điểm danh đồng đội mà cho đến khi thi thể các chị xếp cạnh nhau, tác giả vẫn tưởng họ đang tập hợp. Yến Thanh đã nhắc tới một câu thành ngữ quen thuộc nhưng lại khẳng định câu thành ngữ ấy không thể dùng trong hoàn cảnh này “Chín bỏ làm mười”, là thành ngữ chỉ sự phiên phiến, làm tròn. Nhưng ở đây, mười cô gái hy sinh mới tìm được chín thi thể, không thể “phiên phiến” được. Tiếng khóc quặn thắt, buốt nghẹn, nức nở.
“Bọn anh đã bới tìm vẹt quốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng”.
Những câu thơ mộc mạc mà cứa lòng, cứa da độc giả. Đáng lẽ khi chưa tìm được chị Cúc, các đồng đội phải nôn nóng, nhát cuốc càng nhanh, càng mạnh. Thế nhưng ở đây, các anh chỉ “bới tìm vẹt cuốc” vì sợ chị Cúc đau, sợ em xương tan thịt nát. Thế mới thấy tình đồng đội là bài ca đẹp nhất, còn mãi giá trị qua thời gian.
“Cúc ơi em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng
Cúc ơi em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cả cổ rồi
Cúc ơi”.
Cúc chỉ mười tám, đôi mươi nhưng để tìm chị, đồng đội phải dùng đến “đũa găm, cơm úp”. Hình ảnh ấy như dấu chấm hết cho một kiếp người dang dở, bao khát khao chưa thành hiện thực. Gọi em chưa đủ, nỗi thê lương đã hóa thành tiếng “Gào em”, mong muốn Cúc hãy nghe thấy và trở về.
Bài thơ với câu chữ bình dị, mộc mạc nhưng làm độc giả lay động vì tình cảm tác giả dành cho chị Cúc cùng các chị thanh niên xung phong tròn đầy trong từng câu, từng chữ.
Cái sống – cái chết mong manh là vậy nhưng các nữ chiến sĩ vẫn lạc quan sống, thương yêu Tổ quốc, chiến đấu vì độc lập dân tộc, trở thành những bông hoa đẹp nhất, khắc trên trang sử vàng của đất nước ta.
Cúc ơi đã cho ta “biến đi khỏi thế giới” với hàng trăm ngàn mặt người mệt mỏi, lo toan, để ta “tìm lại được thế giới” sâu trong tâm tư mình. Đọc về những cô gái thanh niên xung phong ngày hôm qua để tìm thấy đam mê, nhiệt huyết của mình ngày hôm nay, nhận thức rõ nhiệm vụ của mình với quê hương, đất nước. Mỗi lần đọc sách là một lần ta có cơ hội “còn lại một mình với cả thế giới trong lòng bàn tay”.
Tóm lại, Cúc ơi với giọng thơ nghẹn ngào đã thể hiện niềm thương xót của tác giả nói riêng, của đồng bào ta nói chung đối với sự hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong, đặc biệt là chị Hồ Thị Cúc.
Để ngày hôm nay, nhìn lại ta càng cố gắng phấn đấu, viết tiếp bản trường ca của các chị, xây dựng đất nước thịnh vượng, giữ gìn hòa bình trên mảnh đất Việt Nam với tâm thế vững vàng.
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu ta cần chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”.