I.Từ đơn: Là từ chỉ có một tiếng (VD: sách, bút, điện, trăng...)
II. Từ Phức là từ do hai hay nhiều tiếng ghép lại thành một ý nghĩa chung.
VD: Sông núi, sách vở, xe đạp, bạn học. Từ phức chia thành hai loại: Từ ghép và từ láy
1. Từ ghép
* Khái niệm: là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa
* Phân loại từ ghép: có hai loại
- Từ ghép có nghĩa tổng hợp là từ ghép mà nghĩa của nó là nghĩa của các từ đơn tạo thành theo quan hệ song song (hợp nghĩa), nghĩa khái quát hơn nghĩa từng tiếng.
VD: Núi sông/ sông núi, thay đổi/ đổi thay, mạnh khoẻ/ khoẻ mạnh, vui sướng/ sướng vui; ông cha / cha ông; đau khổ/ khổ đau, quần áo/ áo quần, nhà cửa / cửa nhà,
- Từ ghép có nghĩa phân loại : là từ ghép có sự phân biệt về nghĩa so với các từ cùng loại (tức là có chung một tiếng nào đó), nghĩa cụ thể hơn.
VD: hạt thóc, bà nội, thợ mộc…
2. Từ láy
* Khái niệm: từ láy là những từ được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ láy âm
VD: Đẹp đẽ (tiếng gốc là “đẹp”, tiếng láy là “đẽ ”); lướng vướng (tiếng gốc là “vướng”, tiếng láy là “lướng”.)
* Phân biệt các kiểu từ láy: Trong tiếng việt có bốn kiểu từ láy
- Láy tiếng: các tiếng láy hoàn toàn giống nhau
VD: Xanh xanh, ngời ngời, gâu gâu..
- Láy âm: bộ phận phụ âm đầu các tiếng láy giống nhau
VD: khó khăn, hăm hở, rì rào…
- Láy vần: bộ phận vần của các tiếng láy giống nhau
VD: lom khom, bồn chồn, lim dim…
- Láy cả âm và vần: bộ phận phụ âm đầu và bộ phận vần được láy lại (chỉ khác nhau về âm điệu)
VD: khít khịt, dửng dưng, rười rượi..
* Phân biệt các dạng từ láy: có 3 dạng khác nhau:
- Láy đôi: từ láy có hai tiếng: dào dạt, lơ mơ…
- Láy ba: từ láy có 3 tiếng: Sạch sành sanh, dửng dừng dưng…
- Láy tư: Từ láy có 4 tiếng: Hớt hơ hớt hải, lúng ta lúng túng…
+ Láy từng đôi một: quần quần áo áo, cười cười nói nói…
* Nghĩa của từ láy: Nghĩa của từ láy rất phong phú, nhưng có hai dạng cơ bản sau đây:
+ Nghĩa mạnh hơn so với nghĩa của tiếng gốc
VD: xanh xao> xanh; đoàng đoàng > đoàng; lạnh lẽo> lạnh….
Thẳm -> thăm thẳm
+ Nghĩa giảm nhẹ so với nghĩa của tiếng gốc:
VD: xinh => xinh xinh < xinh; đo đỏ < đỏ
đẹp => đèm đẹp
+ Nghĩa phong phú, tinh tế hơn… so với nghĩa của tiếng gốc:
VD: Nhà thơ Tố Hữu đã dùng nhiều từ láy để miêu tả dáng vẻ tinh nghịch, hồn nhiên, yêu đời của bé Lượm trong những câu thơ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, chan chứa một tình cảm yêu thương tha thiết:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.