Có một lão nông dắt lừa đi mua đồ. Trên đường đi về, vì quá mệt nên lão đã chọn một góc cây xanh, tán rộng để chợp mắt đôi chút.
Có một lão nông dắt lừa đi mua đồ. Trên đường đi về, vì quá mệt nên lão đã chọn một góc cây xanh, tán rộng để chợp mắt đôi chút. Lúc lão ngủ, con lừa bị ai đó dắt đi mất. Tỉnh dậy, lão vô cùng bàng hoàng và vội vàng chạy đi tìm ngay.
Trên đường đi tìm con lừa, lão gặp một cậu bé. Lão hỏi:
- Này cháu, cháu có thấy con lừa của ta đâu không?
- Có phải con lừa bị mù 1 mắt bên trái, què một chân bên phải và đang chở lúa phải không ạ?
- Đúng, đúng là nó. Thế cháu nhìn thấy nó ở đâu?
- Cháu không nhìn thấy nó ở đâu cả
- Vừa tả con lừa kỹ càng thế mà bảo không thấy hả? Con lừa của ta đâu? Mang ngay ra đây cho ta.
- Ơ kìa, cháu đã bảo cháu không biết cơ mà. Tại sao ông không hỏi ai mà cứ hỏi cháu.
- Ở đây chỉ có mình tao với mày, không hỏi mày thì tao hỏi ai? Con lừa của ta đâu
- Cháu không biết, cháu đã nói là cháu không biết cơ mà
- A, cái thằng này dám láo. Dám đùa giỡn ta hả? Đã trộm cắp lại còn ngoan cố.
Lão nông kiên quyết đổ cho cậu bé tội ăn cắp lừa và đòi kiện
Nhất quyết đổ cho cậu bé tội ăn cắp lừa, lão nông tức giận lôi cậu bé lên gặp quan tòa và đòi kiện. Trước mặt quan tòa, lão nông kể lể sự tình cùng những lập luận của mình. Quan tòa nghe có đôi chút băn khoăn, hỏi cậu bé:
- Này cậu bé, sao cháu lại trộm lừa của ông ta?
- Cháu không ăn trộm, thậm chí, cháu còn chưa hề nhìn thấy lừa khi cháu gặp ông ấy.
- Không trông thấy sao cháu tả tỉ mỉ thế?
Vì cháu nhìn thấy dấu chân của một con lừa nhưng dấu chân trái khác với chân phải nên cháu biết con lừa đang đi khập khiễng. Cháu biết con lừa bị mù mắt trái vì đám cỏ bên phải bị ăn sạch còn đám cỏ bên trái thì không. Và con lừa này có lẽ đang chở lúa mì vì trên đường còn vương vãi đầy hạt.
Nghe những lập luận của cậu bé, vị quan tòa gật gù tỏ vẻ hài lòng. Sau đó, ra lệnh cho quân lính giam lão nông lại nhưng vì lão nông biết lỗi và van vỉ xin tha nên quan tòa mủn lòng đồng ý.
Lương Thế Vinh tên tự là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thuỵ Hiên, ông sinh năm 1411 tại Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản - Nam Định).
Từ bé Lương Thế Vinh đã nổi tiếng trong việc học, việc chơi. Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu, mà chơi cũng rất tài tình. Cậu rất thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng với các trẻ chăn trâu. Khi thả diều, diều của Vinh thường vẫn lên cao hơn, có hình dáng khác lạ và có tiếng kêu trầm bổng, rất du dương vui tai, người lớn cũng say mê lắng nghe.
Cùng đi câu cá với bạn bè, nhưng bao giờ cậu cũng được nhiều cá hơn. Nhìn chiếc bẫy người lớn bẫy chuột, cậu liền nghĩ ra chiếc bẫy nhỏ xíu để bẫy chim chả khá tinh vi làm người lớn phải ngạc nhiên, thán phục.
Người thời đó gọi cậu là "thần đồng", tiếng dùng để chỉ những người giỏi như thần ở tuổi nhi đồng. Nhưng bọn trẻ chả hiểu "thần đồng" là gì. Chúng ngỡ Lương Thế Vinh hay câu cá, thả diều, bẫy chim, chăn trâu ngoài đồng nên người ta gọi là "thần" ở ngoài "đồng". Rồi một chuyện sau đây xảy ra, khiến bọn trẻ tưởng cậu là "thần thánh" thực sự.
Hôm đó, cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma (chỗ bạn bè thả trâu) làm quả bóng để các bạn cùng chơi. Bỗng quả bưởi lăn xuống một trong những cái hố bên mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. Cái hố rất hẹp lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ tưởng thế là mất đồ chơi. Nhưng Lương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi mới hớn hở rủ bạn đi mượn vài chiếc gầu giai đi múc nước đổ xuống hố. Bọn trẻ không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau thấy Vinh cúi xuống cầm quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh.
Từ đó trẻ con trong làng truyền nhau rằng Lương Thế Vinh là thần, có một câu "thần chú" hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với mình.
Thực ra thì Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, sẩy tay cậu làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi trên mặt ao, Vinh đã lấy cành tre khều vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho bưởi nổi lên. Vốn thích thơ ca, hò, vè nên trong khi cúi xuống chờ bưởi, cậu vui miệng đọc lẩm nhẩm:
Bưởi ơi bưởi
Nghe tao gọi
Lên đi nào
Đừng quên lối
Đừng bỏ tao...
Và bọn trẻ cứ nghĩ rằng Vinh đọc "thần chú".