Rừng xanh là vệ sĩ của thiên nhiên, là trụ cột cân bằng sinh thái. Rừng có thể duy trì sự cân bằng giữa khí cacbonic và oxi trong không khí, còn có thể thanh lọc những khí độc và khí có hại. Vì vậy rừng được mọi người gọi là “lá phổi của Trái Đất”.
Oxi trong không khí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh vật. Con người có thể nhiều ngày không ăn không uống, nhưng không thể ngừng thở một phút. Trên Trái Đất, tuyệt đại đa số oxi là do thực vật trong rừng sản xuất ra. Khi thực vật tiến hành quang hợp, chúng hấp thụ khí cacbonic, nhả ra khí oxi. Mặt khác, thực vật cũng phải hô hấp, song dưới ánh nắng Mặt Trời, tác dụng quang hợp của nó so với tác dụng thở lớn gấp 20 lần. Do đó con người gọi thực vật là “xưởng chế tạo thiên nhiên” khí oxi.
Cây cối thông qua tác dụng quang hợp hấp thụ một lượng lớn khí cacbonic, đồng thời nhả ra khí oxi. Điều đó đối với sự sinh tồn của sinh vật trên Trái Đất và ổn định khí hậu có một ảnh hưởng cực kì lớn. Người ta đã đo và tính toán: một cây dẻ có đường kính 33 cm, có 11 vạn lá, diện tích bề mặt tất cả các lá là 340 m2. Trong khi đó một cánh rừng có hàng ngàn, hàng vạn cây, diện tích bề mặt lá là vô cùng lớn. Thực vật trên Trái Đất mỗi năm hấp thụ 400 tỉ tấn khí cacbonic, nhả ra 200 tỉ tấn khí oxi. Vì vậy có thể nói rằng : không có rừng thì con người và các loài động vật đều không thể sinh sống.
Rừng còn có tác dụng làm sạch không khí rất lớn. Thực vật trong rừng có thể loại bỏ các loại khí độc, như khí sunfurơ, florua hiđro, khí clo. Sunfurơ là loại khí độc phân bố ở khắp nơi, gây nguy hại rất lớn. Khi nồng độ khí sunfurơ trong không khí đạt đến 10 ppm thì sẽ gây ra các chứng bệnh như tim hồi hộp, khó thở. Rừng có thể hấp thụ khí sunfurơ và chuyển hóa chúng thành các gốc axit nitơ trong thân cây. Florua hiđro cũng là loại khí rất có hại cho cơ thể người. Nếu chúng ta ăn phải những hoa quả, lương thực hay rau có hàm lượng flo cao sẽ bị ngộ độc. Nhiều loài cây có thể hấp thụ khí florua hiđro trong không khí. Mỗi hecta cây ngân hoa có thể hấp thụ 11,8 kg khí flo, mỗi hecta cây dâu có thể hấp thụ 4,3 kg khí flo, mỗi hecta cây liễu có thể hấp thụ 3,9 kg khí clo.
Rừng còn được con người ví là “máy hút bụi thiên nhiên”. Ví dụ, nếu triển khai toàn bộ mặt lá của một mẫu rừng thì có thể phủ đầy 75 mẫu đất. Vì lông trên mặt lá nhiều cho nên lá còn có thể tiết ra chất dính và chất dầu khiến rừng có thể ngăn cản, lọc và hấp thụ các chất gây ô nhiễm trong không khí. Các nhà khoa học tính toán rằng, cứ một hecta rừng thông có thể thanh lọc được 36 tấn khói bụi, mỗi kilômét vuông lá cây du có thể lưu giữ được 3,39 tấn bụi bột. Khi luồng gió mang bụi thổi qua cánh rừng, vì lá rừng dày đặc nên đã làm giảm thấp tốc độ gió, phần lớn bụi trong gió đều rơi xuống. Sau trận mưa bụi thẩm thấu vào đất, không khí trở nên trong sạch. Lá cây sau khi được nước mưa rửa sạch, lại khôi phục khả năng giữ bụi, làm sạch không khí.
Rừng quả là “lá phổi của Trái Đất”. Không có rừng mọi sinh vật đều không thể hô hấp, càng không thể tồn tại.
Đó là bởi vì con người không thể thiếu oxy, vì oxy là nguyên liệu cho mọi tế bào con người hoạt động.
Rừng cây cũng có sự trao đổi khí hàng ngày, nên ví rừng cây là một lá phổi. Rừng cây trao đổi khí, nhưng trao đổi kiểu tạo ra thêm oxy cho con người sử dụng, nên rừng cây gọi là lá phổi của con người.