Lịch sử Trung Quốc đề cập đến Trung Hoa, 1 trong 4 nền văn minh cổ nhất thế giới, bắt nguồn từ lưu vực phì nhiêu của hai con sông: Hoàng Hà (bình nguyên Hoa Bắc) và Trường Giang (đồng bằng Trường Giang) trong Thời đại đồ đá mới, nhưng cái nôi của nền văn minh dân tộc của quốc gia Trung Hoa đầu tiên được cho là tại trung và hạ lưu của sông Hoàng Hà trước tiên (Đồng bằng Hoa Bắc) mà dần mở rộng và phát triển và duy trì như ngày nay. Với hàng ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển, đây là một trong những nền văn minh lâu đời, vĩ đại nhất thế giới.[1]
Người tiền sử đã bắt đầu cư trú tại Trung Quốc từ ít nhất là gần 1 triệu năm trước, với một số ước tính cho rằng mốc này có thể lên tới 2,24 triệu năm trước.[2]. Các nền văn minh nông nghiệp đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng 10.000 - 13.000 năm trước, đến khoảng hơn 5.000 năm trước thì các nền văn minh nông nghiệp này phát triển hoàn thiện, đã bắt đầu xuất hiện đồ đồng và các cơ cấu Nhà nước đầu tiên như quý tộc, đô thị với các cung điện, công trình tôn giáo... Dân tộc Trung Hoa hình thành từ vùng Trung Nguyên của lưu vực sông Hoàng Hà ở Đồng bằng Hoa Bắc, Văn hóa Hồng Sơn góp phần định hình văn minh cùng đất nước Trung Hoa.
Trải qua hơn 5.000 năm, văn minh Trung Hoa đã phát triển trở thành một trong số nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời cổ đại và trung cổ, đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (trong đó có Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành), các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...), hoạt động giao thương xuyên châu Á (Con đường tơ lụa) và những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc hàng đầu thế giới vào thời trung cổ. Trung Quốc là 1 trong 4 nền văn minh cổ đại lớn của thế giới (cùng với Ai Cập cổ đại, văn minh Lưỡng Hà và văn minh lưu vực sông Ấn), và là nền văn minh duy nhất trong số đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay[3][3][4]. Bề dày lịch sử và văn hoá do các thế hệ nối nhau giữ gìn suốt 5.000 năm là điều mà không nước nào khác có được và là niềm tự hào lớn nhất của quốc gia này.[5][6]
Các di tích cung điện của Trung Quốc có niên đại sớm nhất là từ đời nhà Thương (khoảng 1.600-1.046 TCN), mặc dù một vài bộ sách sử như Sử ký (khoảng 100 TCN) và Trúc thư kỷ niên khẳng định rằng triều đại nhà Hạ (khoảng 2.070 - 1.600 TCN) đã tồn tại trước nhà Thương.[7][8] Một số phong tục văn hóa, văn học, chính trị và cả triết học được phát triển cực kỳ mạnh trong suốt thời kỳ nhà Chu.
Năm 221 TCN, được coi là năm Trung Quốc bắt đầu trở thành một đế chế lớn mạnh, với 1 vị Hoàng đế-Tần Thủy Hoàng cai trị, đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc Trung Hoa. Vào thời kỳ này, Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn lý trường thành để bảo vệ đất nước khỏi các tộc người phương Bắc. Ông cho thống nhất chữ viết, các đơn vị đo lường và tiền tệ. Trong hơn 2000 năm phong kiến sau đó, có hai nền đế chế trên toàn Trung Quốc phụ thuộc vào các tộc người dân tộc thiểu số (không phải người Hán) là người Mông Cổ (Nay đã thành lập quốc gia độc lập và dân chủ riêng) lập nên nhà Nguyên và người Mãn Châu (nay thuộc Trung Quốc) lập nên nhà Thanh. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi nổ ra lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng và mở ra giai đoạn lịch sử hiện đại ở Trung Quốc.
Hiện nay Trung Hoa vẫn chưa hoàn toàn thống nhất lãnh thổ vì đang xảy ra chia cắt giữa 2 chính phủ giống như 2 quốc gia riêng: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Trung Quốc đại lục và Trung Hoa Dân Quốc tại đảo Đài Loan. Sự chia cắt này xảy ra từ năm 1949 và hiện nay 2 bên vẫn ở trong tình trạng thù địch