chyện kể : sát thủ kinh tế :chương 1:..
Những sát thủ kinh tế (EHMs) là những chuyên gia được trả lương hậu hĩnh để đi lừa các nước trên khắp thế giới lấy hàng nghìn tỷ đôla. Họ đổ tiền từ Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các tổ chức “viện trợ” nước ngoài khác vào két sắt của các tập đoàn khổng lồ và vào túi của một số ít các gia đình giàu có – những người đang nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh này. Công cụ của họ là các báo cáo tài chính gian lận, những vụ bầu cử gian trá, các khoản hối lộ, tống tiền, tình dục và giết người. Họ diễn một trò cũ của chủ nghĩa đế quốc, song đã biến đổi theo những chiều hướng mới đáng ghê sợ hơn trong thời đại toàn cầu hóa.
Tôi biết điều này; tôi đã từng là một EHM. Tôi viết những dòng đó vào năm 1982 để mở đầu cho cuốn sách có tiêu đề là Lương tâm của một sát thủ kinh tế. Cuốn sách này dành tặng cho hai vị tổng thống của hai nước đã từng là khách hàng của tôi, những người mà tôi đã kính trọng và luôn coi như ruột thịt – Jaime Roldós (Tổng thống Êcuađo) và Omar Torijos (Tổng thống Panama). Cả hai đã mất trong những vụ tai nạn khủng khiếp. Cái chết của họ không phải là ngẫu nhiên. Họ bị ám sát vì họ đã đứng lên chống lại phe phái các công ty, chính phủ và các trùm ngân hàng, những người có chung mục tiêu là thống trị toàn cầu. Những sát thủ kinh tế chúng tôi đã không thể mua chuộc được Roldós và Torrijos, và vì thế một loại sát thủ khác, những tên giết người thực sự của CIA, những kẻ luôn đi sau chúng tôi, đã vào cuộc.
Người ta đã thuyết phục tôi không viết cuốn sách đó nữa. Trong 20 năm tiếp sau đó, tôi đã bốn lần bắt tay vào viết tiếp. Lần nào cũng là do tôi bị chứng kiến những sự kiện đang xảy ra trên thế giới: đó là cuộc xâm lược Panama của Mỹ năm 1989, chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất, sự kiện ở Somalia, sự xuất hiện của Osama bin Laden. Nhưng rồi những lời đe dọa hay những khoản đút lót lại níu chân tôi.
Năm 2003, Chủ tịch một nhà xuất bản lớn thuộc một tập đoàn quốc tế hùng mạnh đã đọc bản thảo của cuốn sách mà giờ đây có tên là Lời thú tội của một kẻ sát thủ kinh tế. Ông ta đã mô tả nó như “Một câu chuyện mê ly và cần phải được kể lại”. Nhưng rồi ông ta cười buồn bã, gật đầu và nói với tôi rằng, vì các nhà quản lý tại những cơ quan đầu sỏ thế giới có thể sẽ phản đối nên ông ta không dám mạo hiểm xuất bản nó. Ông ta gợi ý tôi viết nó lại dưới dạng một tiểu thuyết. “Chúng tôi có thể quảng bá ông như một tiểu thuyết gia kiểu John Le Carré hoặc Graham Greene.”
Nhưng đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Nó là một câu chuyện thực về cuộc đời tôi. Một nhà xuất bản khác dũng cảm hơn, chẳng thuộc một tập đoàn quốc tế nào, đã đồng ý giúp tôi kể lại nó. Câu chuyện này phải được kể ra. Chúng ta đang sống trong thời đại của những cuộc khủng hoảng trầm trọng – và cả của những cơ hội vô cùng lớn lao.
Câu chuyện về sát thủ kinh tế này kể lại công việc chúng tôi đã vươn tới vị trí hiện tại như thế nào và tại sao giờ đây chúng tôi phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng tưởng chừng không thể vượt qua. Cần phải kể ra câu chuyện này bởi vì chỉ khi chúng ta hiểu ra những sai lầm trong quá khứ, chúng ta mới có thể tận dụng những được những cơ hội trong tương lai; bởi sự kiện 11/9 đã xảy ra, và chiến tranh Iraq lần thứ 2 cũng đã xảy ra; bởi vì ngoài 3000 người đã chết vào ngày 11/9/2001, mỗi ngày còn có thêm 24000 người chết đói, vì họ không thể kiếm nổi thức ăn (1).
Quan trọng nhất là, câu chuyện này cần phải được kể ra vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia có đủ khả năng, tiền bạc và quyền lực để thay đổi tất cả những điều này. Đó là quốc gia đã sinh ra tôi và tôi đã từng phụng sự với vai trò là một EHM: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Vậy cuối cùng cái gì đã khiến tôi lờ đi mọi mối đe dọa và những khoản hối lộ?