Chị Dậu là một người phụ nữ nông dân hiền lành, giàu đức hi sinh. Người mẹ nào sau những ngày tháng “mang nặng đẻ đau” mà chẳng thương yêu con. Bây giờ, phải đem con đi bán, người mẹ đó vẫn không đủ cam đảm nói ra cái điều đau đớn đó để trút bớt nỗi đau đang đè nặng trong lòng. Nỗi đau đó cứ nhân lên, nhân mãi lên như những mũi dao cứa vào lòng chị khi chị thấy cái Tí ngoan quá, hiếu thảo quá vậy mà phải đi làm tôi tớ ở nhà mụ Nghị Quế nổi tiếng độc ác, nhẫn tâm. Phải có tình yêu sâu nặng lắm, thiết tha lắm đối với cái Tí, chị Dậu mới nén được nỗi đau mà chỉ lộ ra “rầu rĩ nét mặt, những giọt nước mắt rơi xuống càng mau”. Tình thương yêu con vô bờ như vậy đã khiến chị Dậu một người mẹ lại phải van xin con của mình, van xin con chấp nhận hoàn cảnh. Bằng những lời nói thấm thía, chị khuyên cái Tí: “U van con, u lạy con, con có thương thầy, thương u thì con cứ đi với u đừng khóc lóc nữa, đau ruột u lắm... Bây giờ phải đem con đi bán, u đã chết từng khúc ruột đấy con ạ”. Thái độ van xin của chị đối với cái Tí thể hiện việc chị cảm thấy mình có lỗi với nó. Người đau đớn, khó xử nhất chính là chị Dậu. Muốn cứu chồng thì chị phải bán con. Không còn con đường lựa chọn nào khác. Nhưng qua thái độ tình cảm của chị đối với cái Tí ta thấy đây vẫn là người mẹ yêu thương con hết mực.Và tình thương đó, chị còn dành cả cho cái Tỉu, thằng Dần. Khi cái Tí cứ khóc mãi, chẳng chịu đi, lại thêm thằng Dần cứ kêu gào ầm ĩ nhất định không cho cái Tí đi nếu là một người nhẫn tâm thì sẽ nổi cáu dọa ông lí sẽ bắt nó nếu không để chị đi. Khi thằng Dần đồng ý để cho chị đi thì chị Dậu hối vì mình đã nói dối trẻ con, tức thì chị nói chữa: “ừ, hễ cụ Nghị bằng lòng để cho chị con về nhà vài hôm thì u đem nó về với con”. Việc không dám nói dối trẻ con, rồi dù rất đói nhưng chị vẫn cho cái Tỉu bú trước đã thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của chị đối với con cái. Chị quan tâm tới chúng mọi lúc, mọi khi có thể, dù có lúc chị bỏ lơ. Nhưng đó vẫn là tình cảm thương yêu sâu nặng, đằm thắm chị dành cho các con. Và nét nổi bật nhất ở chị Dậu là sự hi sinh, sự hi sinh vốn có của những người phụ nữ Việt Nam. Khi phải bán con, chị giả điếc trước những lời lẽ van xin được ở lại nhà của cái Tí dù chỉ ăn khoai thôi. Chị phải hi sinh tình mẫu tử của mình - điều thiêng liêng và cao quý nhất của người mẹ là vì cái gì? Đó là vì “tiền sưu không có, thầy con đau ốm là thế, vẫn bị người ta đánh trói, sưng cả hai tay lên kìa (...). Để cho thầy con khổ đến nước nào nữa?”. Rồi chị phải cầu khẩn cái Tí như với người ban ơn dù chính chị cũng đang còn đau đớn gấp trăm ngàn lần nó. Bởi vì chị đang đứng giữa hai con đường: một là chị phải bán con để cứu chồng, để gia đình khỏi mất đi trụ cột. Và rồi một lần nữa, chị Dậu phải liều mạng để cứu chồng. Việc chị nhẫn nhục chịu đựng, xưng hô “ông - cháu” rồi đến việc chị đấu lí cãi lại chúng khiến chị bị tên cai lệ đánh cho bôm bốp và rồi cuối cùng chị đánh nhau với bọn chúng thể hiện tình cảm sâu nặng thắm thiết của chị đối với anh Dậu. Ngoài ra còn là sự nhẫn nhục hi sinh. Chị hi sinh bản thân mình, hi sinh tình mẫu tử cao đẹp cũng chỉ vì chị lo lắng tới gia đình mình quan tâm đến người chồng khốn khổ. Hình ảnh chị đã rất cao đẹp với tình cảm sâu nặng chị dành cho chồng cho con, giờ càng tỏa sáng và đáng quý hơn bởi sự hi sinh thầm lặng nhưng giàu ý nghĩa biết bao.