Bài viết số 6 - Văn lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Huy Thắng Nguyễn

Hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

giúp mk gấp nha mấy bn t2 mk nộp r`

Phương Thảo
1 tháng 4 2017 lúc 21:14

Trong học tập, lao động hằng ngày ta thường gặp những khó khăn trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại. Song chính sự thất bại đã làm cho con người trưởng thành, giàu kinh nghiệm và vững vàng đi tới chiến thắng. Vì thế, tục ngữ xưa đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công".

Câu tục ngữ thật ngắn gọn nhưng đã sử dụng cách nói so sánh. So sánh thất bại – không đạt đựơc mục đích, với thành công- thực hiện đựơc mục đích đề ra. Lời nói trên mới nghe như chứa một mâu thuẫn. Nhưng nếu giải thích ta có một ý nghĩa rất thực tế. Thất bại là kết quả xấu, là thiệt hại, hư hỏng. “Mẹ” ở đây có ý nói là lớn, là đầy hiệu lực. Đó là một lời khuyên để mọi người vững chí bền lòng, kiên trì không nản trước khó khăn thất bại. Nếu biết học tập rút kinh nghiệm thì “thất bại” sẽ dạy cho ta cách đạt tới kết quả cao hơn.

Vì sao lại nói “Thất bại là mẹ thành công”? Đối với người nản chí thì không đúng như vậy, nhưng đối với những người bền chí, kiên trì thì quả là đúng. Vì sau thất bại, người ta sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn thất bại nữa. Ngoài ra, thất bại còn rèn luyện ý chí vươn lên cho mỗi người. đã bao lần bạn vấp ngã mà có thể bạn không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị vấp ngã. Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không?…Bất cứ một kết quả nào cũng có những nguyên nhân, lí do riêng do đó thất bại cũng có lí do riêng. Muốn đổi thất bại thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học cho mình, rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã những lần tiếp theo.

Vậy tại sao ta phải kiên trì bền bỉ trước những khó khăn thất bại? Đó là vì cuộc sống khó tránh khỏi những khó khăn. Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được thành công. Thực tế cuộc sống đã thể hiện điều đó.

Vậy xin chớ lo thất bại. Điều đáng sợ hơn là chúng ta bỏ qua nhiêù cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình. Lời khuyên đó giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ khi còn nhỏ, cả những việc bình thường trong cuộc sống.


Quỳnh
1 tháng 4 2017 lúc 21:26

Vậy thì bạn hãy giành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ. Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ. Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được? Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công. Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế? Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một – người – cha. Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó. Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công. Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế! Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Trần Ngọc Định
1 tháng 4 2017 lúc 21:49

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có một mục đích sống. Để chạm tới cái đích đó thực sự không phải là điều dễ dàng gì. Chúng ta phải trải qua rất nhiều chông gai, khó khăn, thử thách và những lần vấp ngã. Nhưng quan trọng là chúng ta biết đứng lên từ những lần thất bại đó. Bởi vậy chúng ta mới thấy rằng câu tục ngữ sau thật ý nghĩa “Thất bại là mẹ thành công”

Thất bại và thành công là hai cái đối lập nhau. Những kẻ thất bại sẽ không thành công và ngược lại. Tuy nhiên câu tục ngữ dường như có ý nghĩa khác. Thất bại là mẹ thành công? Liệu rằng có như thế được không?

Đúng vậy, chúng ta luôn ấp ủ những ước mơ và không ngừng cố gắng phấn đấu để đạt được nó. Tuy nhiên con đường để chạm đến thành công không như bạn nghĩ. Trên chặng đường đó đầy rẫy những khó khăn, thử thách, chông gai và cả những cạm bẫy nữa. Đó là những trở ngại mà buộc mỗi người cần vượt qua. Chúng ta có thể thất bại, ngã gục, mất hết ý chí nhưng đó chưa phải là kết quả cuối cùng. Nếu như chúng ta biết cách đứng dậy, biết cách vượt qua, biết cách rút kinh nghiệm cho mình thì chắc chắn thành công sẽ không ở đâu xa.

Những người biết đứng dậy, biết vươn lên trong cuộc sống và khắc phục những trở ngại thì họ sẽ trân trọng hơn cuộc sống này. CHính thất bại mà họ phải trải qua chính là bài học kinh nghiệm quý báu giúp cho bạn có thể không sa vào vết xe đổ, không để bản thân mình bị cám dỗ và vấp ngã. Thất bại sẽ dẫn đến tình trạng buông xuôi, bỏ bê, phó mặc cho số phận. Điều này thật đáng trách?

Thực tế chứng minh rằng nhưng người biết đứng dậy sau vấp ngã là những người có nghị lực và bản lĩnh hơn. Họ sẽ không ngần ngại đánh đổi, không ngần ngại vất vả, khó khăn, vẫn hướng về mục tiêu phía trước để phấn đấu.

Khi thất bại thì đừng nên nản lòng, vì chính nó sẽ cứu vớt cuộc đời bạn về sau. Khi chúng ta biết chấp nhận thất bại có nghĩa chúng ta đã nhận ra những sai lầm mình mắc phải, chắc chắn lần sau chúng ta sẽ không vướng phải những sai lầm đó nữa.

Rất nhiều bạn học sinh sau khi không đậu đại học năm thứ nhất đã nhanh chóng buông bỏ, chán nản, không muốn tiếp tục cố gắng nữa. Nhưng bên cạnh đó có rất nhiều người dù 1 năm, 2 năm không đậu đại học nhưng họ vẫn tiếp tục cố gắng, rèn luyện từng ngày để đạt được kết quả mà mình mong đợi.

Còn ban, bạn có phải là người dễ dàng bỏ cuộc hay không? Đừng ngần ngại thất bại, vì tuổi trẻ mà, chúng ta có thất bại thì mới trưởng thành, chín chắn được. Những vấp ngã bạn trải qua sẽ là hành trang theo bạn đến mãi sau này.

Như vậy câu tục ngữ khuyên răn mỗi người chúng ta đừng vì thất bại trường mắt mà bỏ cuộc, hãy kiên trì và theo đuổi thành công đến cùng.

Hãy rèn luyện bản thân mình từng ngày, hãy đừng ngại ngần xông pha, dù thất bại cũng ngẩng cao đầu để bắt đầu giấc mơ.

Nguyễn Trần Thành Đạt
2 tháng 4 2017 lúc 10:03

Gợi ý:

I/MB:
- Giới thiệu vấn đề: Thất bại là mẹ thành công
Trong cuộc sống mấy ai ko từng gặp thất bại. Có những người không thể tự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã của chính bản thân mình. Để khuyên nhủ, động viên, nhắc nhở, tục ngữ có câu:"Thất bại là mẹ thành công"
II/TB:
1. Giải thích:
- Giải thích nghĩa đen của luận điểm:"Ngừơi mẹ"
- Giải thích nghĩa bóng của luận điểm:
* Trong cuộc đời ai ko từng vấp ngã, cho VD từ chính bản thân mình
* Thái độ của mỗi người khi vấp ngã: Có người bỏ cuộc như con chim sâu khi trúng tên thì sợ cây cung... Có người sau thất bại, người ta sẽ rút ra đựơc những kinh nghiệm quí báu để ko còn thất bại nữa. Cho VD.
2. Những tấm gương vượt qua thất bại của bản thân để thành công:
- Mạc Đĩnh Chi với ngọn đèn đom đóm
- Thần Siêu: Tấm gương luyện chữ của Nguyễn Văn Siêu
- Niutơn, Lui Paxtơ...
III/KB:
- Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề
- Bài học cho bản thân: Vậy xin chớ lo sợ thất bại. Điều đáng sợ hơn là bạn không thể tự đứng dậy sau mỗi vấp ngã của chính mình...


Các câu hỏi tương tự
Bangtan Sonyeondan
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Minh Châu
Xem chi tiết
Quynh Do
Xem chi tiết
ngoc
Xem chi tiết
Nguyễn Phi Nhung
Xem chi tiết
Dân Nguyễn Chí
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Hải Anh
Xem chi tiết
Minh Tam Nguyen
Xem chi tiết
Xem chi tiết