Con người ta chỉ có thể sống khỏe mạnh bình yên là nhờ bầu không khí trong lành sạch sẽ hay nói rộng ra là nhờ vào môi trường thiên nhiên xung quanh mình.
Đặc biệt là bầu không khí có thể được xem như là thức ăn nước uống hàng ngày của chúng ta, chúng ta có thể sống nghèo khổ trong một thời gian dài nhưng chúng ta không thể thiếu không khí trong một vài giờ được. Không khí là môi trường tất yếu đối với con người. Và để cho môi trường không khí trong lành thì điều quyết định nó không phải là cuộc sống hiện đại mà quan trọng nhất là chúng ta phải biết bảo vệ màu xanh của cây cỏ thiên nhiên, người ta thường ví “Rừng là lá phổi của con người”. Từ đặc điểm này ta nhận thấy rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của chúng ta, bởi không có rừng, không có màu xanh của cây cỏ thì sự sống trên trái đất chắc chắn sẽ không còn và rừng còn cho ta nhiều giá trị khác quan trọng nữa.
Vậy để con người trên trái đất này có thể tồn tại một cách khỏe mạnh thì nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải bảo vệ rừng.
Từ thời xa xưa, cha ông ta đã sống dựa vào rừng như lấy gỗ làm vật liệu xây dựng nhà, săn bắn muông thú trong rừng để làm thức ăn và cho đến ngày nay rừng vẫn là nguồn cung cấp nguyên vật liệu quan trọng cho việc làm giấy, làm nhà, làm các đồ dân dụng trong gia đình. Có những đồ vật chỉ có thể làm được từ những loại gỗ của thiên nhiên mới đẹp, điều đó có nghĩa dù hiện nay con người có thể làm ra các loại gỗ nhân tạo nhưng dường như nó vẫn không thể thay thế được gỗ tự nhiên về độ bền, đẹp…
Ngoài ra rừng còn là nơi cung cấp những loại thuốc quý hiếm từ xưa đến nay người ta đã biết tìm trong rừng những loại thuốc chữa bệnh cho con người rất hiệu nghiêm nhiều khi còn hơn cả thuốc Tây. Rừng còn là ngôi nhà bình yên của muôn loài động vật, rừng còn đem lại giá trị về du lịch sinh thái giúp cho con người có những giây phút thư thái hít thở bầu không khí trong lành. Rừng còn ngăn dòng nước lũ từ chảy từ vùng cao xuống vùng thấp.
Và quan trọng nhất như ta đã từng nói ở trên, rừng chính là môi trường sinh thái, môi trường sống của loài người. Chúng ta biết rằng cây xanh hút khí cacbonic vào để rồi tạo ra chất oxi, một loại không khí vô cùng cần thiết cho con người, cho cuộc sống. Do đó rừng chính là nhà máy lọc không khí tốt nhất mà không có bất cứ nhà máy lọc khí hiện đại nào trên thế giới có thể thay thế được.. Bên cạnh đó rừng còn là bức tường rào vững chắc ngăn cản lũ lụt, ngăn sự lấn chiếm của cát vào đất, rừng giữ đất giữ nước… Chính từ những tác dụng to lớn như vừa nêu ở trên ta mới nhận thấy việc tàn phá rừng đang diễn ra hiện nay là một việc làm vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ là sự tàn phá vẻ đẹp tự nhiên, nguồn nguyên Liệu tự nhiên mà nguy hiểm hơn đó chính là hành động tự hủy hoại cuộc sống của loài người, đẩy con người vào “chiếc thùng đậy kín”, sớm muộn gì cũng gây nên hậu quả khôn lường.
Hậu quả đầu tiên sẽ đến đó là những nơi trước đây tràn đầy màu xanh, không khí trong lành mát mẻ sẽ được thay thế vào đó là sa mạc đầy cát bỏng và làn gió đầy cát bay mù mịt. Khung cảnh đó không còn gợi cho con người cảm giác thư thái mát mẻ, thoải mái nữa mà nó chỉ gợi cho con người cảm giác mệt mỏi, sự thèm khát một bóng râm, một làn nước mát. Thú rừng chẳng còn nơi trú ngụ, thế giới trở nên xơ xác tiêu điều. Các nhà máy không có nguyên vật liệu để sản xuất.
Hậu quả tiếp theo vô cùng quan trọng đó là con người trên trái đất sẽ ốm yếu và chịu nhiều thiên tai bất thường khủng khiếp. Một trận lũ lụt có thể hủy diệt toàn bộ sự sống của cả một thành phố. Bệnh tật kéo theo khi lũ lụt làm cho nguồn nước ô nhiễm, của cải tiêu tán theo dòng nước lũ.
Và có một điều thật sự nguy hiểm đó là bầu không khí của chúng ta đang bị ô nhiễm ở mức báo động. Ngoài việc phá rừng làm ảnh hưởng đến môi trường thì ngày nay khi xã hội càng phát triển các nhà máy công nghiệp mọc lên ở khắp nơi trên thế giới, những ống khói như những mũi tên độc chĩa lên bầu trời vốn trong lành của chúng ta khiến cho bầu trời ngày càng trở mờ mịt bởi những lớp khí bẩn bụi hòa vào. Và biết bao con người ngày đêm hít những luồng khí độc, ô nhiễm đó. Ngày nay trên thế giới có thêm nhiều căn bệnh lạ khó chữa, chắc chắn đó chính là hậu quả của ô nhiễm môi trường. Nếu để tình trạng này kéo đài thế giới sẽ còn rất nhiều hiểm họa bất ngờ và không thể lường trước được.
Chúng ta biết rằng hiện nay vấn đề được quan tâm nhất chính là môi trường, là sự bảo vệ môi trường. Thế nhưng trên thực tế nhiều cá nhân vì lợi ích cá nhân của mình mà đang tâm phá hủy môi trường và sâu xa thì đó cũng chính là hành động tự giết mình.
Vậy điều quan trọng nhất bây giờ nếu con người còn muốn tồn tại thì chính bản thân mỗi người cần có ý thức trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường đang dần dần bị hủy hoại. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
“Rừng đang kêu cứu!” “Hãy bảo vệ lá phổi xanh của con người!”… Hàng trăm tít báo! Hàng ngàn lời kêu gọi! Đó là tất cả những gì mang chúng ta đang đối diện khi môi trường tuyệt vọng kêu cứu. Xã hội phát triên, nhịp sống công nghiệp hiện đại đưa con người tiến cao hơn trong mọi lĩnh vực. Nhưng song song với nó là sự ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống. Hậu quả tất yếu của “thế kỉ công nghiệp” là hàng ngàn hécta rừng đang bị hủy diệt, tầng ôzôn ngày một lâm nguy. Tại sao con người nhẫn tâm hủy hoại sừng? Tại sao quá ít người nhận thức được sự quan trọng của lá phổi xanh, sự nghiêm trọng tàn khốc nếu vẫn tiếp tục tàn phá rừng?
Có thể khẳng định chắc chắn: không có rừng, không có cây xanh đồng nghĩa với sự hủy diệt của con người và tất cả các sinh vật trên thế giới.
Vì sao ư? Có lẽ ai cũng sẽ trả lời được câu hỏi này. Vì đơn giản, ai cũng sẽ biết: cây xanh hấp thủ CO2 và thải khí O2 ra môi trường, cung cấp dưỡng khí co con người và toàn thể sinh giới.
Quá trình quang hợp của cây xanh giúp điều hòa cân bằng khí quyển: giải phóng O2 là dưỡng khí cho sinh giới và hấp thụ, cố định lượng CO2 góp phần ngăn chặn hiệu ứng nhà kính. Chỉ với cây xanh mà con người được lợi cả đôi bề: có dưỡng khí để thở và chống lại hậu quả của việc thủng tầng ôzôn. Theo số liệu của V.V.Pôlevoi (1989) thì “mỗi năm cây xanh thải vào khí quyển lượng ôxi tf 70 – 120 tỉ tấn. Và dung lượng dưỡng khí ấy được dùng cung cấp cho tất cả các cơ thể dị dưỡng thiếu khí như người, động vật…” Rừng – quần thể cây xanh – có vai trò đặc biệt trong việc duy trì nồng độ cao của ôxi trong khí quyển. Các nhà khoa học đã tính ra rằng 1 ha rừng vào mùa xuân và mùa hè trong thời gian một giờ thải vào khí quyển một lượng ôxi đủ cho 200 người hô hấp. Bênh cạnh đó, sự quang hợp giải phóng O2 còn góp phần rất quan trọng trong sự hình thành tầng ôzôn được ra bởi sự quang phân li phân tử O2 dưới tác động của bức xạ mặt trời. Tầng ôzôn giúp chúng ta tránh khỏi sự hủy hoại của tia tự ngoại… “Lí lẽ đơn giản ấy thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng đều được học qua từ những ngày còn là học sinh tiểu họ. Ấy vậy mà có nhiều người vẫn cố quên hay cố tình quên, để tự động viên hành vi sai trái của mình là “Ôi chao! Rừng thì bạt ngàn, chặt phá vài hécta thì có là bao”. Điều đó thật không thể chấp nhận. Công nghiệp phát triển đã dẫn đến biết bao là sự ra đi vĩnh viễn của hàng ngàn cánh rừng. Đã vậy, khói thải từ các nhà máy và bụi bẩn từ cuộc sống hiện đai lại góp phần không nhỏ trong việc phá hủy tầng ôzôn. Vừa bị giảm đi đáng kể lượng dưỡng khí vì rừng bị tàn phá, con người phải đối diện với biết bao hậu quả khôn lường của việc tầng ôzôn ngày một lâm nguy. Liệu sẽ ra sao nếu một ngày rừng không còn? Thật chẳng dám tưởng tưởng đến cái cảnh đó. Không còn O2 cho chúng ta hô hấp, tầng ôzôn bị tàn phá hoàn toàn, tia tử ngoại chiếu thẳng xuống trái đất… Khi ấy, liệu cuộc sống sẽ còn?
Nên nhớ, địa cầu được gọi là “hành tinh xanh” bởi tất cả các hành tinh thuộc Thái Dương hệ đều không còn có được màu xanh của rừng, của biển, của sự sống, của niềm tin… như Trái Đất. Chính vì thế, phải giữ vững màu xanh hạnh phúc của rừng, của cây xanh, của niềm tự hào vì có được một người bạn trung thành tiếp dưỡng cuộc sống cho chúng ta.
Nói đến hành tinh xanh, lại có thêm một lí do để chúng ta phải bảo vệ rừng. Phải giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá ấy. Rừng không chỉ là môi trường cho cây xanh quang hợp mà còn là thiên đường nơi cõi thế cho những người yêu thiên nhiên. Ngày xưa, chính Nguyễn Trãi đã chấp nhận đánh đổi quyền thế, bổng lộc để trở về ở ẩn Côn Sơn, để cảm nhận đươc phong vị trong lành của rừng xanh.
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
…Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong rừng thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta ngâm thơ nhàn…”
Ung dung, thanh thảnh và tự tại biết bao nơi núi đồi hoang dã mà cũng đầy thú vị ấy. Từng câu thơ mở ra trước mắt ta khung cảnh hữu tình hùng vĩ. Chợt nghe lòng bao cảm xúc thăng hoa, tự trong ta khẽ khàng tri ân thiên nhiên núi rừng. Cảm ơn Người vì đã cho đời những Côn Sơn, những rừng xanh… Cảnh đẹp này liệu có bất kì máy móc công nghệ nào tự tạo ra được chăng?
Rời Côn Sơn và rời thế kỉ XVI của Nguyễn Trãi, lúc thiên nhiên vẫn chưa “vướng đục bụi… công nghiệp”, ta đến Việt Bắc những năm đầu thế kỉ XX. Chao ôi, làm sao Tố Hữu lại may mắn chứng kiến bức tứ tình lỗng lẫy đến thế của núi rừng:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo canh ánh nắng dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đang nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung…”
Sao mà ta ghen tị với Tố Hữu đến thế! Bốn bức tranh như được vữ từ chốn bồng lai chứ chẳng phải cảnh đẹp của hạ giới. Ấy vậy mà đó là thật đấy, và nhờ nhà thơ ta chứng kiến bốn mùa xoay chuyển ở Việt Bắc với tất cả rung động nhỏ nhặt nhất của thiên nhiên. Và cũng tài tình biết bao khi chỉ vỏn vẹn một câu lục mà cái hồn, cái thần sắc của cảnh đẹp từng mùa cứ thế đi vào thơ, lung linh, dịu dàng… Đọc những dòng thơ mà tư thấy lòng đang sống trong cảnh đang thưởng ngoạn núi rừng với tất cả niềm say mê. Sao mà kì vĩ thế chốn rừng sâu? Sao mà tươi mát lạ thường cái màu xanh của chồi non lộc biếc.
Giờ đây chắc khó tìm lại cái “tiếng đàn cầm” trong lành ở Côn Sơn hay màu trắng tinh khiết của rừng mơ Việt Bắc. Ta về ta nhớ những hoa cùng người. Có thể tình dân Việt Bắc vẫn nồng ấm thủy chung nhưng hoa rừng Việt Bắc chẳng biết đã lưu lạc phương nào. Đau xót biết bao nhiêu!
Ấy vậy mà còn có những kẻ nhẫn tâm chặt cây làm nhà, đốt rừng làm rẫy. Chẳng lẽ tâm hồn họ không cảm thấy chua xót khi nhìn lá phổi xanh của mình quặn đau? Chẳng lẽ trước màu xanh bạt ngàn ấm áp của rừng, họ không thấy lòng se lại những cảm xúc ngổn ngang? Đó là một hành động không thể chấp nhận được dù với bất cứ lí do nào. Cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn việc hủy hoại môi trường sống, hủy hoại cả tương lai của con người. Bởi rừng không chỉ là lá phổi, là nguồn dưỡng khí giúp ta tồn tại, là nơi bảo vệ ta khỏi hiểm họa hiệu ứng nhà kính… mà hơn hế rừng còn là người bạn trung thành nhất của ta. Nói cách khác, rừng nuôi dưỡng ta cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhất là khi cuộc sống ngày càng vội vã, hay một lần đến hòa mình vào thảm thực vật của rừng xanh. Chính nơi ấy sẽ cho ta cảm giác yên bình, thanh thản và nhận thức sâu sắc rằng cần lắm phải bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh.
I- MỞ BÀI
Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta không chỉ biển bạc mà còn cả rừng vàng. Rừng mang lại cho con người chúng ta những nguồn lợi vô cùng to lớn về vật chất. Và hơn thế nữa, thực tế cho thấy rằng, cao hơn cả giá trị vật chất, rừng còn là chính cuộc sống của chúng ta.
II- THÂN BÀI
– Chứng minh bảo vệ rừng là bảo vệ những nguồn lợi kinh tế to lớn mà rừng đem lại cho con người
+ Rừng cho gỗ quý, dược liệu, thú, khoáng sản,…
+ Rừng thu hút khách du lịch sinh thái.
– Chứng minh rừng đã góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.
+ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
+ Rừng đã cùng con người đánh giặc
+ Rừng là ngôi nhà chung của muôn loài thực vật, trong đó có những loài vô cùng quý hiếm. Ngôi nhà ấy không được bảo vệ, sẽ dẫn đến những hậu quả không nhỏ về mặt sinh thái. Sự phá phách của voi dữ Tánh Linh là một ví dụ.
+ Rừng là lá phổi xanh. Chỉ riêng hình ảnh lá phổi cũng đã nói lên sự quan trọng vô cùng của rừng với cuộc sống con người.
+ Rừng ngán nước lũ, chống xói mòn, điều hòa khí hậu. Hầu như mọi hiện tượng bất thường của khí hậu đều có nguồn gốc từ việc con người không bảo vệ rừng. Ở Việt Nam chúng ta, suốt từ Bắc chí Nam, lũ lụt, hạn hán xảy ra liên miên trong nhiều năm qua là bởi rừng đã bị con người khai thác, chặt phá không thương tiếc.
III- KỂT BÀI
– Khẳng định lại vai trò to lớn của rừng
– Khẳng định ý nghĩa của việc bảo vệ rừng
– Nêu trách nhiệm cụ thể: bảo vệ rừng tức là khai thác có kế hoạch; không chặt phá, đốt rừng bừa bãi; trồng rừng, khôi phục những khu rừng bị tàn phá.